Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tiện cho quan, khổ cho trẻ

07:40 | 02/08/2016

835 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ “cướp bánh mì” ở quận Thủ Đức TP HCM vừa được xét xử với mức án quá nặng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chỉ vì quá đói, khoảng 22 giờ ngày 17-10-2015, Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ Củ Chi) và Ôn Thành Tân (ngụ quận 9) vào một tiệm tạp hóa quận Thủ Đức, Tuấn mua một ổ bánh mì và chút đồ ăn có giá trị 45.000 đồng, không trả tiền và bỏ chạy. Chủ tiệm tri hô, người dân vây bắt được cả hai rồi chuyển cho công an phường xử lý. Thế là cả hai bị tạm giam ngay lập tức để rồi 9 tháng sau bị đưa ra xét xử với mức án 10 tháng và 8 tháng 20 ngày tù giam. Vụ án được cơ quan chăm sóc và bảo vệ trẻ em, các nhà giáo dục và các chuyên gia thảo luận đều cùng chung nhận định, việc buộc tội và kết án hai trẻ vị thành niên quá nặng là thiếu tính nhân văn, không bảo đảm yêu cầu cảm hóa, giáo dục trẻ phạm tội.

tien cho quan kho cho tre
Hai thiếu niên “cướp bánh mì” tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20-7-2016

Các nhà báo tham dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đã đem chuyện vụ án kỳ cục này ra để trao đổi với người đứng đầu ngành tòa án ngay sau khi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa tuyên thệ nhậm chức.

Trả lời báo chí, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận có nhiều vấn đề bất hợp lý xung quanh việc điều tra, truy tố, xét xử hai bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn phạm tội cướp giật tài sản ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Cả hai bị cáo này đều chưa đủ tuổi thành niên khi phạm tội (mới 17 tuổi 1 tháng), cướp túi đồ ăn trị giá 45.000 đồng lúc quá đói, không có thủ đoạn hành vi nặng tội, không gây hậu quả nghiêm trọng mà bị xử phạt tới 8 tháng 20 ngày và 10 tháng tù giam là quá nặng. TAND quận Thủ Đức cáo buộc Tân và Tuấn đều chưa thành niên về tội “cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999 với mức lượng hình áp dụng với 2 người phạm tội chưa đủ tuổi thành niên này, theo Chánh án TAND Tối cao là quá nghiêm khắc, cứng nhắc.

Chánh án TAND Tối cao khẳng định, kể cả trong trường hợp các bị cáo và gia đình không kháng cáo, phía Viện KSND TP HCM không kháng nghị nghĩa là bản án có hiệu lực thi hành, TAND Tối cao sẽ xem xét lại vụ án.

Tâm sự với báo chí, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhắc lại quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, mục đích chủ yếu của việc này là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội chứ không phải hướng đến việc trừng trị. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì tòa án áp dụng một biện pháp tư pháp khác (ví dụ như buộc công khai xin lỗi, đưa vào trường giáo dưỡng...). Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.

Vì vậy, Chánh án TAND Tối cao cho rằng, việc Cơ quan điều tra và Viện KSND quận Thủ Đức áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn là không cần thiết…

Theo đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình giao TAND TP HCM khẩn trương kiểm tra để xác định, nếu có kháng cáo của các bị cáo, người đại diện hợp pháp của các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo hoặc có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của Viện KSND TP HCM đối với bản án sơ thẩm, thì TAND thành phố thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Khi xét xử phúc thẩm vụ án, tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Qua vụ việc này cho thấy, một số cơ quan bảo vệ pháp luật cấp quận, huyện đang “gồng mình” để quan trọng hóa một số vụ việc hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp khác. Vụ quán cà phê “Xin Chào” ở huyện Bình Chánh đã được Cơ quan điều tra, Viện KSND nhất trí đưa ra xét xử để quy án bằng được ông chủ quán vô tội này. Giờ lại đến quận Thủ Đức giam giữ, cáo buộc và kết tội hai trẻ chưa thành niên “cướp bánh mì” vào khung án quá nặng. Dư luận cho rằng, chẳng qua vì giam giữ hai trẻ này quá lâu, nay tuyên án cho khớp với thời gian giam giữ để khỏi rách việc. Vậy là được việc quan, làm khổ cho trẻ!

Minh Nghĩa

Năng lượng Mới 545