Thuế môi trường và chuyện ô nhiễm
Xăng dầu chưa thể tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần. Đó là thông tin tốt lành đến hàng chục triệu người sử dụng xăng dầu mỗi ngày, tức là người tiêu thụ xăng dầu không phải bỏ ra thêm gần 16.000 tỷ đồng mỗi năm.
Một lẽ thường tình, một khi tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức tối đa thì môi trường phải được bảo vệ tương xứng với “đồng tiền bát gạo”. Vấn đề còn ở chỗ, ô nhiễm môi trường nhức nhối nhất hiện nay có thật sự do phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch?
Người tiêu thụ xăng dầu đang gánh rất nhiều loại sắc thuế |
Thuế bảo vệ môi trường thu gián tiếp qua từng giọt nhiên liệu phải được tính toán kỹ, hay nói cách khác, cần một cứ liệu khoa khọc để khỏi “ông nói gà bà nói vịt”. Người dân cần những thống kê cụ thể, như: Xăng dầu gây ô nhiễm ở mức độ nào? Tiêu thụ một lít xăng cần bao nhiêu đồng để xử lý hậu quả môi trường…?
Cơ sở của những đòi hỏi trên xuất phát từ thực tế. Hàng trăm hàng ngàn vụ ô nhiễm môi trường được phát hiện hàng năm chủ yếu xoay quanh các khu công nghiệp, làng nghề, những nơi đòi hỏi trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý!
Tiêu thụ xăng dầu đương nhiên gây ô nhiễm không khí, nhưng chưa thấy ai than phiền hoặc kiện cáo gì liên quan đến việc này, vì bảo vệ môi trường từ sử dụng xăng dầu là một tiêu chuẩn rất cao thường thấy ở những quốc gia phát triển.
Nói vậy không có nghĩa là nước ta không cần có những tiêu chuẩn bảo vệ môi trường không khí, nhưng nên chăng tập trung giải quyết rất nhiều điểm “nóng” môi trường xung quanh các dự án kinh tế.
Người dân cũng cần biết có bao nhiêu tiền thuế họ đóng thông qua tiêu thụ xăng dầu được chi cho bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, việc “tăng nguồn thu cho nhà nước” và “bảo vệ môi trường” cần được rạch ròi, tránh “mượn gió bẻ măng”, để không hàm “oan” cho xăng dầu.
Cũng cần phải nghĩ giùm cho cộng đồng doanh nghiệp, khi mỗi lít xăng tăng thêm vài trăm đồng thôi cũng “đánh” trực tiếp vào chi phí doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vận tải.
Hệ quả tiếp theo là giá cả dịch vụ, hàng hóa tăng theo mỗi khi xăng dầu “đội” giá, như vậy là người dân phải quàng thêm nhiều tròng.
Trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc đến “khoan thư sức dân” và “nuôi dưỡng nguồn thu”. Phó Thủ tướng cũng nhắc đến bản chất của thuế “Bởi thuế, cũng phải là khuyến khích sản xuất, khuyến khích tiêu dùng”.
Tìm cách nuôi dưỡng nguồn thu cũng quan trọng không kém việc làm sao để thu đạt kế hoạch đề ra.
Nộp thuế là nghĩa vụ vĩnh viễn của công dân, cũng như việc thu thuế là nhiệm vụ không thể thiếu của nhà nước. Vậy nên, “thu” mà không “dưỡng” lâu dài sẽ “kiệt sức”, lúc đó càng khó thu hơn.
Hoàn toàn có lý khi đóng thêm thuế bảo vệ môi trường, người dân có quyền được sống trong môi trường tốt hơn, cần phải được thấy môi trường cải thiện nhu thế nào sau khi thu thuế.
Chưa thông qua thu thuế môi trường kịch trần là động thái đúng đắn phù hợp với nguyện vọng người dân. Nhưng khi “bật đèn xanh” cũng phải cân nhắc thiệt hơn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
-
Tại sao nhiều bộ ngành đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?
-
Bộ trưởng Bộ Tài chính phản hồi về mức giá xăng dầu vẫn còn cao
-
VCCI: Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giúp kinh tế tiếp đà hồi phục
-
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hết năm 2024
-
Bộ Tài chính: Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở Việt Nam thấp hơn mức bình quân chung