Thống đốc nói gì về tỷ giá và vàng?
Áp lực lên tỷ giá đang có dấu hiệu gia tăng.
Điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà nền kinh tế đặt ra cho ngành ngân hàng và thực tế, nó luôn chịu sức ép lớn từ cán cân thanh toán và lực cầu của thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân xuất nhập khẩu. Một ví dụ cụ thể: Nhập siêu tháng 5 đã lên tới 1,9 tỉ USD. Như vậy, nếu như tỷ giá được biến động, tăng hoặc giảm thì số tiền các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bỏ ra cũng vì thế tăng hoặc giảm.
Thời gian gần đây, sau quãng thời gian dài duy trì sự ổn định, với mức chênh lệch mua – bán ngoại tệ luôn ở mức thấp, tỷ giá đang được dự báo là sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. Và thực tế, tỷ giá đã bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ. Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì lần tăng tỷ giá này rơi vào đúng thời điểm nền kinh tế đang nhập siêu chứ không phải xuất siêu như những lần trước đó.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này thì những áp lực khác đến từ yêu cầu tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng, rồi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD đã không còn cao như trước… Cũng theo giới chuyên gia thì rất có thể, tỷ giá tăng còn do chính các ngân hàng thương mại đầu cơ.
Xung quanh vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận việc áp lực tỷ giá tăng lên là có và nguyên nhân của nó có cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định nếu có sự gia tăng nhu cầu thì ngành ngân hàng vẫn có thể đáp ứng được.
“Về tổng thể cân đối ngoại tệ vẫn đảm bảo” – Thống đốc khẳng định.
Phân tích thêm, Thống đốc cho rằng, vì các ngân hàng đang thừa tiền, dư thanh khoản nên đã có ngân hàng tính tới việc mua vào dự phòng, cải thiện trạng thái ngoại tệ hoặc cũng có thể là để kinh doanh. Và theo Thống đốc thì hiện tượng gia tăng tỷ giá thời gian vừa qua chủ yếu là do ngân hàng.
Từ đó, Thống đốc khẳng định: “Nếu chạy theo đầu cơ, đầu tư trên thị trường ngoại tệ sẽ dẫn đến phải tăng lãi suất. Trong khi giảm lãi suất là cái hướng tới thì với việc đầu tư chúng ta lại triệt tiêu nó đi. Đừng vì lợi ích của ngân hàng nào đó mà phá vỡ lợi ích chung”.
Nói về thị trường vàng, Thống đốc nhấn mạnh rằng, chúng ta đã thực hiện thành công Nghị định 24, đặc biệt khi thị trường vàng thế giới biến động và trong bối cảnh các tổ chức tín dụng phải mua lượng vàng lớn để tất toán vàng.
“Cuộc chiến về vàng hết sức khốc liệt, nó đang len lỏi vào và chúng ta vấp phải những áp lực, quan điểm trái chiều. Tôi xin nhắc lại là đến 30/6, nếu tổ chức tín dụng nào không tất toán được chúng tôi sẽ xử lý nghiêm” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Vũ Lâm
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt