Thoát nghèo nhờ... mang thai hộ
Theo tin từ hãng Hindusantimes, dịch vụ mang thai hộ ở Ấn Độ trong vòng 10 năm qua đã phát triển thành một "ngành công nghiệp" làm ăn phát đạt với lợi nhuận lên tới 2 tỷ USD/năm.
Thoát nghèo nhờ... mang thai hộ |
Dịch vụ này được thực hiện một cách khá đơn giản. Các cặp vợ chồng vô sinh đăng ký tìm phụ nữ đẻ thuê và những phụ nữ muốn đẻ hộ cũng đến đăng ký, sau đó các phòng khám thai sản trên khắp cả nước sẽ giúp hai bên ký hợp đồng. Tiếp đến là các thủ thuật về y tế: Tinh trùng và noãn trứng của cặp vợ chồng được bơm vào tử cung người đẻ thuê, sau 15 ngày sẽ biết kết quả.
Trường hợp không thụ thai, người đẻ thuê sẽ được trả một số tiền tượng trưng theo hợp đồng. Nếu thụ thai và sinh con thành công, người đẻ thuê được 45USD/tháng để bồi dưỡng sức khỏe và một khoản trọn gói 12.000USD.
Các bà mẹ mang thai hộ ở Anand, thuộc bang Gujarat. (ảnh: Hindustantimes) |
Tại một khu nhà của 65 phụ nữ mang thai hộ, Payal Patel đang mang thai lần thứ 3 nhưng đây là lần thứ 2 cô không được gặp lại con mình sau khi sinh ra. Lần mang thai hộ trước, cô nhận được 8.000USD, đủ để xây nhà, trang trải cuộc sống và lo tiền học cho con. Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa tích cực thì hoạt động mang thai hộ đã giúp bộ phận phụ nữ nghèo giải quyết khó khăn về kinh tế, đồng thời có ý nghĩa nhân đạo và xã hội khi giúp các cặp vợ chồng vô sinh thực hiện ước vọng có con.
Hiện có hơn 3.000 phòng khám sản khoa trên khắp Ấn Độ và trong số đó, phần lớn các phòng khám đều có dịch vụ mai mối mang thai hộ. Đặc biệt, thị trấn Anand thuộc bang Gujarat đã được coi là thủ phủ của dịch vụ này. Mỗi năm, có hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn từ các nước Anh, Australia, Mỹ, Canada... đến đây với danh nghĩa đi du lịch nhưng thực chất là tìm thuê phụ nữ bản địa sinh con cho họ.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu xã hội New Delhi công bố hồi cuối tháng 10 thì ngành công nghiệp đẻ thuê ở Ấn Độ không phải là một bức tranh màu hồng mà cũng có rất nhiều rủi ro với phụ nữ. Manasi Mishra, một nhà nghiên cứu xã hội học ở New Delhi và là tác giả của 2 báo cáo mới nhất về tình trạng đẻ thuê ở Ấn Độ cho biết, nhiều phụ nữ đẻ thuê ở Ấn Độ chỉ biết ký vào bản hợp đồng mà không rõ các điều khoản trong đó. Vì thế, có người đã không được thanh toán tiền sòng phẳng, một số thậm chí còn phải nạo phá thai bằng nhiều cách không an toàn. Hoặc thậm chí có người sức khỏe giảm sút vì mang thai hộ quá nhiều lần hay có người tử vong ngay sau khi sinh. Đó là chưa kể đến việc thiếu những quy định pháp luật về mang thai hộ đã tạo kẽ hở cho nhiều người nước ngoài lợi dụng dịch này tại Ấn Độ…
Những phụ nữ mang thai hộ ở Anand được chu cấp một cuộc sống đầy đủ trong suốt quá trình mang thai. (Ảnh: Hindustantimes) |
Manasi Mishra nói, tất cả những người phụ nữ tham gia trong ngành công nghiệp đẻ thuê đều hiểu, về những hệ lụy này, nhưng họ chấp nhận vì coi đây là cơ hội để thoát nghèo. Vì thế, hiện nay, chính quyền New Delhi đang tính đến việc cấm đẻ thuê cho người nước ngoài.
Hôm 28-10 vừa qua, tòa án tối cao Ấn Độ đã mở phiên điều trần về kiến nghị đòi chấm dứt nhập khẩu phôi người với mục đích thương mại và ra lệnh chính phủ giải trình các biện pháp quản lý ngành công nghiệp đẻ thuê. Tại phiên điều trần, chính phủ cho biết "không hỗ trợ mang thai hộ thương mại", "không người nước ngoài nào có thể khai thác dịch vụ đẻ thuê ở Ấn Độ", "đẻ thuê sẽ chỉ dành cho các cặp vợ chồng Ấn Độ" và "chính phủ sẽ nghiêm cấm và trừng phạt dịch vụ đẻ thuê".
Trước đó, Quốc hội Ấn Độ cũng đã đưa ra bàn về luật hướng dẫn công nghệ sinh sản hỗ trợ; cấm các cơ sở thụ tinh trong ống nghiệm môi giới các ca mang thai hộ và yêu cầu hình thành ngân hàng công nghệ sinh sản hỗ trợ chịu trách nhiệm tìm kiếm các bà mẹ có thể mang thai hộ cũng như tìm những người hiến tặng trứng hoặc tinh trùng.
Lấy lại vóc dáng sau sinh cho “mẹ bầu” | |
Mang thai hộ - niềm vui khó thành hiện thực | |
Mang thai hộ hay đẻ thuê? |
Công an nhân dân