Thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Triều Tiên có nguy cơ đổ bể?
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Singapore ngày 12/6 |
Ngày 12/6, tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên đã ký kết thỏa thuận theo đó Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Ông Donald Trump sau đó tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, yếu tố ngòi nổ cho những phản ứng của Triều Tiên.
Ngoài ra, hai nước cũng đã cùng nhau cam kết “trao đổi toàn bộ tù nhân chiến tranh và những người mất tích trong chiến tranh, hồi hương ngay lập tức những người đã được xác minh”. Cuối cùng, hai ông Trump và Kim cam kết sẽ “hợp tác để phát triển quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên” và “thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và thế giới”.
Đã hơn nửa tháng trôi qua, cho đến nay một điểm duy nhất trong cam kết trên đang được rốt ráo thực hiện. Ngày 24/6, phát biểu tại một hội nghị ở Nevada, ông Donald Trump cho biết, Triều Tiên sẽ trao trả khoảng 200 hài cốt binh sỹ Mỹ hoặc đồng minh bị mất tích trong chiến tranh Triều Tiên. Trước đó vào ngày 19/6, Triều Tiên thông báo đang chuẩn bị khởi động tiến trình giao trả hài cốt các binh sĩ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên, kể cả binh sĩ Mỹ.
Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết Bình Nhưỡng sẽ trao các hài cốt này cho Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc (UNC) tại Hàn Quốc. Sau đó, các hài cốt sẽ được chuyển về căn cứ không quân Hickam tại Hawaii. Đến ngày 25/6, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói UNC đã sẵn sàng tiếp nhận các hài cốt.
“Họ đã hoàn tất những công tác chuẩn bị hậu cần, chúng tôi chỉ đang chờ những hoạt động ngoại giao được tiến hành. Chúng tôi lạc quan rằng hoạt động trao trả sẽ bắt đầu theo thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh tại Singapore", ông Mattis cho biết thêm.
Ngày 24/6, phát ngôn viên Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, Đại tá Chad Carrol, cho biết quân đội Mỹ đã đưa 100 quan tài bằng gỗ đến biên giới liên Triều để chuẩn bị cho việc Triều Tiên trao trả lại hài cốt của các binh sĩ Mỹ mất tích từ thời Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.
Liên quan tới số điểm còn lại trong thỏa thuận, nhất là vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên thì vẫn giậm chân tại chỗ. Ngày 25/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên sẽ không có lịch trình cố định.
Trả lời phỏng vấn đài CNN qua điện thoại, ông Mike Pompeo cho biết muốn tiếp tục theo dõi những tiến triển trong lộ trình từ bỏ hạt nhân từ phía Bình Nhưỡng. Ông nói: “Tôi sẽ không ấn định lịch trình, dù có thể kéo dài hai tháng hoặc sáu tháng, chúng tôi đã cam kết đi theo một lộ trình nhanh chóng để xem liệu có thể đạt được những gì hai nhà lãnh đạo đã thống nhất”. Thông tin này trái ngược với phát biểu một ngày trước đó của một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngày 24/6, Reuters trích thông tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, Washington dường như sẽ sớm đưa ra một tiến trình cụ thể cho Triều Tiên bao gồm yêu cầu những việc Bình Nhưỡng cần làm. Quan chức trên không nêu rõ chi tiết của kế hoạch, nhưng cho biết tiến trình này sẽ đủ nhanh để Mỹ có thể biết được mức độ cam kết thực sự của Triều Tiên với những gì 2 nước đã đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore.
Ngày 20/6, được hỏi là liệu Triều Tiên đã làm việc để tiến đến việc phi hạt nhân hóa hay chưa kể từ cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói với các phóng viên: “Chưa, tôi không biết việc này. Ý tôi muốn nói đây mới chỉ là giai đoạn bắt đầu của một tiến trình. Những cuộc thảo luận chi tiết chưa bắt đầu. Tôi không hy vọng gì ở thời điểm này”.
Tổ chức theo dõi Triều Tiên 38° Bắc có trụ sở tại Mỹ, trong một bài phân tích vào cuối tuần qua, nói chưa có dấu hiệu gì cho thấy có việc tháo gỡ Sohae hay những địa điểm thử nghiệm tên lửa khác. Tuy nhiên, ngày 21/6, phát biểu tại một cuộc họp Nội các ở Nhà Trắng, ông Trump nói “Triều Tiên đã ngưng phóng tên lửa, kể cả tên lửa đạn đạo. Họ đang phá hủy địa điểm chế tạo động cơ. Họ đang cho nổ tung. Họ đã cho nổ một trong những địa điểm thử nghiệm lớn nhất, thật ra là 4 trong những địa điểm thử nghiệm lớn của họ. Và điều quan trọng là quá trình hoàn toàn phi hạt nhân hóa, đã bắt đầu diễn ra”.
Thậm chí, ngày 27/6, hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ trang mạng 38° Bắc cho biết Bình Nhưỡng vẫn nâng cấp cơ sở nghiên cứu hạt nhân cho dù đã cam kết phi hạt nhân hóa tại thượng đỉnh thượng đỉnh Singapore. Theo nguồn tin trên, hình ảnh vệ tinh gần đây, cho thấy nhiều hoạt động ở trung tâm hạt nhân Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên, trong đó có những công trình xây dựng về hạ tầng cơ sở. “Hình ảnh vệ tinh ngày 21/6 cho thấy hạ tầng cơ sở trung tâm nghiên cứu của Yongbyon tiếp tục được cải thiện ở mức độ nhanh chóng”, AFP cho biết.
Ngoài ra, trang mạng 38° Bắc cũng ghi nhận các hoạt động được tiếp tục ở nhà máy làm giàu uranium, cũng như việc xuất hiện một số cơ sở mới, trong đó có một văn phòng kỹ thuật và một hành lang dẫn đến một tòa nhà bên trong chứa một lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên nguồn tin tên rất thận trọng, xác định rằng “không nên xem những hoạt động này có liên quan đến những lời hứa phi hạt nhân hóa của Triều Tiên”, vì “như thông lệ, những ê kíp đặc trách hạt nhân vẫn làm công việc của họ trong khi chờ đợi lệnh của Bình Nhưỡng”.
Thỏa thuận được ký giữa ông Trump và lãnh đạo Kim Jong Un chỉ là chung chung, nhưng sẽ mở đường cho việc các chuyên gia họp lại để bàn về các vấn đề kỹ thuật, mà toàn bộ tiến trình này có thể sẽ kéo dài nhiều năm trời. Reuters nhắc lại, vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ cho biết muốn sớm quay lại Triều Tiên để cụ thể hóa những cam kết được lãnh đạo hai nước ký tại thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore.
Trong khi chờ đợi những thể hiện từ phía Triều Tiên, Mỹ vẫn chưa có bất cứ động thái nới lỏng nào cho Bình Nhưỡng. Ngày 22/6, Tổng thống Trump tuyên bố Triều Tiên vẫn đề ra một “mối đe dọa đặc biệt” cho Mỹ. Trong một sắc lệnh hành chính, ông Trump gia hạn điều gọi là “tình trạng khẩn cấp quốc gia” thêm 1 năm liên quan tới quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân Triều Tiên, tái cho phép các chế tài kinh tế chống lại Bình Nhưỡng.
Chưa hết, Tòa án Tối cao Mỹ ngày 26/6 ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump. Đây là phiên bản thứ 3 của sắc lệnh cấm nhập cảnh, được ban hành vào tháng 9/2017, sau khi hai sắc lệnh trước đó không vượt qua được “cửa ải” pháp lý. Theo sắc lệnh, công dân từ 7 quốc gia Iran, Syria, Libya, Yemen, Somalia, Triều Tiên và Venezuela sẽ bị hạn chế nhập cảnh vào Mỹ.
Theo các chuyên gia, để quan hệ Mỹ - Triều thực sự được cải thiện, hai nước còn cả một quãng đường dài để đi. Trên đó có rất nhiều chướng ngại vật mà nếu hai bên không có lòng tin vào nhau thì khó có thể vượt qua. Lịch sử đã cho thấy, một thỏa thuận khung về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên từng được ký năm 1994 đã đổ bể vì Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật sử dụng urani làm giàu để duy trì chương trình hạt nhân. Đặc biệt là hiện nay cả lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều nổi tiếng là người “nóng tính” và dễ thay đổi.
H.Phan
AFP
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí