Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thiết đãi hay thết đãi?

07:00 | 25/05/2014

|
Bạn đọc: Tôi rất thích đọc mục “Có thể bạn chưa biết” trên Báo Năng lượng Mới do ông phụ trách. Lâu nay đọc báo thấy có nơi viết “thết đãi”, có nơi lại viết “thiết đãi” khi nói đến việc tổ chức tiệc chiêu đãi khách quý. Vậy từ nào mới đúng, thưa ông? Nguyễn Thanh (PVFCCo)

Học giả An Chi: Trong hai từ tổ mà bạn đã nêu thì “thết” và “thiết” là những điệp thức, tức là những từ (hoặc hình vị) cùng gốc nhưng “thết” thì xưa hơn.

 Ta có nhiều dẫn chứng cho mối tương ứng về vần -ÊT ~ -IÊT giữa “thết” và “”thiết” [設]:

- “Chết” là điệp thức của “chiết”
[折], có nghĩa là chết yểu. Đặc biệt là chính chữ “chiết” [折] này còn có mặt trong chữ “thệ” [逝], là một chữ hình thanh mà nó là thanh phù. Thuyết văn giải tự của Hứa Thận cho ta biết rằng chữ này xưa kia cũng đọc thành “chiết” (<“chết”). Chữ “thệ” [逝]  này cũng có nghĩa là chết, như đã cho tại nghĩa 2 của nó [死亡, 去世 (tử vong, khứ thế, đều = chết)] trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993).

- “Hết” là điệp thức của “hiết” [歇], mà nghĩa 3 trong Hán ngữ đại tự điển  là hết [竭,盡].

- “Mệt” là điệp thức của “miệt”
[蔑], mà một trong những nghĩa đã được Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “mắt mệt mỏi, hoa lên, nhìn không rõ”; còn Thuyết văn giải tự của Hứa Thận giảng là “mệt” [勞].

- “Phết” là điệp thức của “phiết”
[撇], mà Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “a downdtroke in writing”, tức là nét phết [丿], bản thân nét này, âm Hán Việt đọc là “phiệt”.

- “Quệt” là điệp thức của “quyệt”
[撅], là đánh, là chạm vào.

- “Tết” là điệp thức của “tiết” [節], có nghĩa là lễ, tết.

- Đặc biệt, “kết” trong “kết quả” là điệp thức của [結], mà âm Hán Việt hiện đại lẽ ra phải là “kiết” nhưng vẫn đọc thành “kết”, là một âm rất xưa.

Cứ như trên thì hiển nhiên “thết” và “thiết” chỉ là những điệp thức của nhau. Nhưng trang tratu.soha.vn đã dùng sai thuật ngữ khi cho biết “thiết đãi” là từ “đồng nghĩa” với “”thết đãi”. Thực ra, từ đồng nghĩa chỉ tương đồng với nhau về nghĩa, có khác nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa và/hoặc sắc thái phong cách  nhưng thực sự khác nhau về ngữ âm, và dĩ nhiên là khác nhau về từ nguyên. Sau đây là thí dụ về một loạt từ đồng nghĩa: chết, mất, qua đời, tạ thế, từ trần, hy sinh, tử vong, tịch, đi xa, băng, thăng hà, tắt thở, lìa đời, ngoẻo, ngủm, về với ông bà, v.v... Còn “thiết” thì chỉ là biến thể ngữ âm của “thết”; đây chỉ là hai từ đồng nguyên (cùng gốc) mà thôi. Và tuy là biến thể của nhau nhưng so với “thết” thì “thiết” là một hình vị phụ thuộc chỉ có thể có mặt trong những cấu trúc Hán Việt cố định, như: “thiết đãi”, “thiết bị”, “thiết kế”,“thiết lập”, “thiết trí”, “kiến thiết”, “trần thiết”, v.v… Nó không được dùng độc lập nên tất nhiên không thể có mặt riêng rẻ trong câu với nghĩa đang xét. “Thết” thì hoàn toàn khác. Từ này không những có mặt trong “thết đãi” mà còn góp phần tạo ra ít nhất là hai từ tổ cố định quen thuộc khác là “thết khách”, “thết tiệc” và đặc biệt là nó hoàn toàn tự do “dùng một mình”, nghĩa là có thể có mặt trong những cấu trúc không ai có thể nghĩ ra trước được, dĩ nhiên là với cả văn phong hài hước, vui tếu, chẳng hạn: được thết một bữa no nê; sẽ thết sau khi lĩnh lương; ai bảo thết cho linh đình rồi than hết tiền; thết nha, nhớ lời hứa nha; v.v...

Vậy “thiết đãi” chính là “thết đãi”nhưng “thết đãi” lại xưa hơn còn “thiết đãi” thì sinh sau đẻ muộn. Một số người có lẽ do quan niệm dùng Hán Việt nghe sang hơn dùng Nôm - “thết” vẫn có thể được một số người cho là Nôm đấy - nên mới thay “thết đãi” bằng “thiết đãi”. Những người này bị sự đối lập giữa Nôm và Hán Việt ám ảnh vì Hán Việt thích hợp cho những trường hợp trang trọng còn Nôm thì thích hợp với văn phong thông thường. Nhưng sự đối lập này chỉ thực sự thích hợp với những cặp từ (hoặc nhóm từ) đồng nghĩa, như “đàn bà” với “phụ nữ”, “trẻ con” với “thiếu nhi”, “an táng” với “chôn cất”, v.v...; còn “thết” và “thiết” lại là những từ cùng gốc. Chúng tôi cho rằng thay “thết đãi” bằng “thiết đãi” không phải là một việc làm thực sự có tính chất tích cực vì nếu muốn thay thế thì, từ lâu, ta đã có hai tiếng “chiêu đãi”, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc từ trước năm 1975.

A.C