Thị trường tàu chở dầu hỗn loạn khi EU cấm nhập khẩu dầu Nga
Trong tháng 9 vừa qua, Nga đã xuất khẩu 7,5 triệu thùng/ngày các sản phẩm thô và tinh chế, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Nếu khối lượng này tiếp tục chảy, Nga sẽ phải đồng ý bán dầu với giá bằng hoặc thấp hơn giới hạn giá như G7 và EU muốn, hoặc tìm một đội tàu chở dầu, công ty bảo hiểm và tài chính đủ lớn.
Các quan chức hàng đầu của Nga, bao gồm Tổng thống Vladimir Putin và Phó Thủ tướng Alexander Novak, đã nói rằng Nga sẽ không bán dầu cho các quốc gia sẽ tham gia cơ chế giới hạn giá.
Vì vậy, thị trường tàu chở dầu và thị trường dầu mỏ đang "bị treo" và liệu sẽ có hay không một đội tàu chở dầu đủ lớn để vận chuyển dầu của Nga cho những khách hàng sẵn sàng nhập khẩu dầu Nga sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của EU có hiệu lực vào ngày 5/12.
Một số nhà phân tích cho rằng, tình trạng thiếu tàu chở dầu sẽ đẩy giá tàu chở dầu và kéo theo đó là giá dầu trở nên cao hơn.
Cũng có ý kiến cho rằng, Nga đang bắt chước các chiến thuật xuất khẩu dầu của Iran và Venezuela, những nước đã xuất khẩu dầu thô trong nhiều năm nay sau khi Mỹ trừng phạt xuất khẩu dầu của họ lần lượt vào các năm 2018 và 2019.
Bình luận về những nỗ lực của Nga trong việc xây dựng một đội tàu chở dầu, Christian Ingerslev, Giám đốc điều hành của Maersk Tankers A/S ở Copenhagen nói: "Nếu nhìn vào số lượng tàu đã được bán trong 6 tháng qua cho những người mua không được tiết lộ, rõ ràng là một đội tàu đang được xây dựng để vận chuyển loại hàng hóa này".
Maersk Tankers hiện đang vận hành một đội tàu gồm 170 tàu, nhưng không có tàu nào trong số đó được sử dụng để vận chuyển dầu của Nga. Theo Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tàu chở dầu tại công ty môi giới tàu biển Braemar, giao dịch tàu chở dầu đã tăng mạnh kể từ sau cuộc xung đột tại Ukraine và sắp tới thời hạn chót 5/12 bởi các công ty không tiết lộ có trụ sở tại các quốc gia như Dubai, Hồng Kông, Singapore và Cyprus.
Trong một báo cáo được TradeWinds thực hiện vào tháng trước, Braemar nói rằng Nga đang sử dụng các tàu trước đây được cho là đã vận chuyển dầu của Iran hoặc Venezuela.
Braemar cho hay: "Khối lượng xuất khẩu dầu thô của Iran và Venezuela đã giảm trong vài tháng qua, song khối lượng dầu từ Nga sang Trung Quốc đã tăng lên". Để đảm bảo có thể tiếp cận những người mua không tham gia giới hạn giá, Nga đang mở rộng hoạt động kinh doanh cho thuê tàu chở dầu.
Rosneft, nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Nga, được cho là đã mở rộng hoạt động kinh doanh cho thuê tàu chở dầu, Reuters đưa tin vào tuần trước.
Rosneft thường bán dầu tại cảng xếp hàng, có nghĩa là người mua phải thuê tàu chở dầu và xử lý các chi phí vận chuyển và bảo hiểm. Tuy nhiên, với lệnh cấm vận, các khách hàng của Rosneft đang yêu cầu công ty xử lý việc giao hàng tới điểm đến cuối cùng, có nghĩa là Rosneft sẽ phải chịu chi phí vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch, bao gồm cả những nhà giao dịch hàng hóa lớn nhất, vẫn đang bối rối về việc giới hạn giá dầu của Nga sẽ được áp dụng như thế nào.
"Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các chính phủ để hướng dẫn chúng tôi vì nó khá giống một bãi mìn", Giám đốc điều hành của Vitol, Russell Hardy, nói tại Hội nghị APPEC ở Singapore vào tháng trước.
Các tàu chở dầu của Nga có kịp đến điểm đến cuối cùng trước lệnh cấm của EU có hiệu lực? | |
Hy Lạp trả lại dầu tịch thu từ tàu chở dầu của Nga |
Bình An