Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thêm cứ liệu để khẳng định từ “chằm” trong địa danh gốc “Chằm Chim”

14:14 | 22/03/2015

|
Bạn đọc: Mới đây, trên mạng, có người nhắc đến chuyện “chằm/chàm” liên quan đến “Tràm Chim”. Xin hỏi ông An Chi có để ý đến chuyện này không và ý ông thế nào? Xin cảm ơn ông. Bình Nguyên (TP Vũng Tàu)

Năng lượng Mới số 406

Học giả An Chi: Mới đây, trên facebook, bạn Cá Vàng có đưa ra tư liệu:

“Ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có một cây cầu được ghi là “Cầu Chàm Chích”. Một anh bạn ở Vĩnh Trạch - anh DTS - cho rằng đúng ra tên cầu phải viết là Đầm Trích vì cây cầu đó bắt qua một con kinh mà một phần của con kinh này được đào xuyên qua một cái đầm rộng khoảng 2 hécta, hồi xưa có rất nhiều chim trích. Tôi tra trên Google Maps thì thấy con kinh đó được ghi là Kênh Chàm Trích”.

Dựa trên cứ liệu này, bạn Cá Vàng đặt vấn đề:

“Tôi đoán cái đầm đó, tức cái đầm có nhiều trích ở, hồi xưa được gọi là “Chằm Trích”, tương tự như danh ngữ “chằm nhạn” được Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “chỗ nhạn ở, đầm nhạn ở” (theo An Chi trong bài “Tràm Chim…” trên Năng lượng Mới số 66); nhưng lâu ngày bị nói và viết sai, nên: Chằm Trích > Chàm Trích (tên con kinh) và Chàm Chích (tên cây cầu)”.

Chúng tôi thấy bạn Cá Vàng đã suy luận một cách hoàn toàn hợp lý vì phù hợp với thực tế ngôn ngữ: cả “Chàm Trích” lẫn “Chàm Chích” đều là những cấu trúc vô nghĩa bắt đầu từ chữ “chàm”. Chính vì sự vô nghĩa đó nên bạn của bạn Cá Vàng (là DTS) mới cải chính thành “Đầm Trích” cho đúng với điểm xuất phát của việc đặt tên. Sự đóng góp của bạn DTS là ở chỗ đã làm cho rõ nghĩa của yếu tố gốc đã bị làm cho méo mó thành “chàm” là một âm hoàn toàn vô nghĩa trong cấu trúc đang xét. Nhưng chính bạn Cá Vàng mới là người có lý hơn vì, về mặt ngữ âm, chỉ có “chằm” mới dễ bị làm cho “méo mó” thành “chàm” chứ nếu là “đầm” thì vô lý. Chúng tôi cho rằng sở dĩ bạn DTS cải chính “chàm” thành “đầm” có lẽ vì bạn không để ý đến sự tồn tại của từ “chằm” hoặc tuy có biết đến nó nhưng lại cho đó là một từ không còn thông dụng nữa. Nhưng xét theo từ nguyên thì ta phải bảo tồn nguyên bản. Trước đây, tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức Ngày nay số 599 (1/4/2007), chúng tôi cũng đã sai vì cho rằng “Tràm Chim” là do “Đầm Chim” bị nói trại mà ra. Chúng tôi đã viết:

“Một số người đã nói trại “đầm chim” thành “chằm chim” vì “chằm” cũng đồng nghĩa với “đầm”. Có lẽ “chằm chim” là xuất phát điểm của lối nói thành “tràm chim” trong đó “tràm” chẳng có liên quan gì đến đầm, hồ, ao, chằm... cả vì đó chỉ là tên của một loài thực vật”.

Sở dĩ lúc đó chúng tôi đã nói như thế là vì thấy Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức có ghi nhận danh ngữ “đầm chim” mà không có “chằm chim”. Nhưng làm từ nguyên đâu có đơn giản như thế. Nói xuất phát điểm trực tiếp là “Đầm Chim” thì chỉ đúng về nghĩa chứ về âm và từ thì sai. Ở đây, “Chằm Chim” mới đúng là địa danh gốc. Chính tư liệu do bạn Cá Vàng cung cấp là những cứ liệu hoàn toàn đáng tin cậy để ta có thể vững tin mà khẳng định rằng “Chằm” mới là âm tiết đầu của các địa danh đang xét: “cầu Chằm Trích”, “kinh Chằm Trích” và “Chằm Chim”.

Cũng liên quan đến vấn đề này và cũng trên facebook, bạn Lâm Quang Hiển đã cung cấp thêm:

“Ở kinh Vĩnh Tế nơi thuộc xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cũng có một địa danh gọi là Đầm Chích. Đây là một vùng trũng có nhiều loài chim tụ họp lại để bắt cá, trong đó có loài chim trích. Có phải chăng từ “chích” là do “(chim) trích” đọc trại ra?”.

“Chích” thì hẳn là do “trích” đọc trệch mà ra nhưng “đầm” thì, theo chúng tôi, không phải là từ gốc vì “Đầm Trích” chỉ là một cái tên hậu khởi còn “Chằm Trích” mới là địa danh gốc. Lý do: “chằm” là một từ rất xưa, thường được đứng làm trung tâm trong một danh ngữ dùng làm địa danh như nhiều từ chỉ những vùng nước khác như: ao, bàu, hồ, láng, v.v... Nhưng nó đã dần dần trở nên ít thông dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, thậm chí đã trở thành một từ cổ nên đã dần dần bị thay thế bằng từ “đầm”, kể cả trong địa danh. Chính vì thế nên dân trong Nam mới nói trẹo CHẰM thành “Tràm”! Và chính vì thế nên Chằm Dơi, Chằm Sình, Chằm Cù lao Dung, Bàu Chằm Láng, Chằm Thầy Ba Vỹ, v.v... mới trở thành Tràm Dơi, Tràm Sình, Tràm Cù lao Dung, Bàu Tràm Láng, Tràm Thầy Ba Vỹ, v.v..., như chúng tôi đã khẳng định trong bài “Vẫn là do “Chằm Chim” mà ra” (Năng lượng Mới số 328, 6/6/2014), một bài đầy cứ liệu cụ thể, để phản bác ý kiến của Nguyễn Hữu Hiếu trong bài “Bàn về địa danh Tràm Chim”, đăng trên Xưa & Nay số 447. Gần đây, TS Huỳnh Công Tín có cho chúng tôi biết ông đã nhận được một bài dài 1889 chữ nhan đề “Tràm Chim chứ không phải Chằm Chim” của một tác giả, theo dự định sẽ đăng trên một tờ tạp chí, trong đó tác giả này tự nhận là mình “không phải là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học nên xin được miễn bàn sâu về ngôn ngữ”. Đáp lại ý kiến của tác giả đó, bài của TS Huỳnh Công Tín (chưa đăng) mở đầu bằng câu: “Có lẽ cũng khó để trao đổi nhiều với ông  khi nói về địa danh mà ông lại tự nhận không bàn sâu về ngôn ngữ”. Đây là chuyện thực sự ngộ nghĩnh. Nhưng chúng tôi cứ xin giới thiệu 65 chữ kết luận của tác giả đó để bạn đọc nhận xét:

“Từ đó đưa ra kết luận: Tràm Chim trước kia được gọi là sân chim, đến 1954 trở về sau, bắt đầu xuất hiện tên Tràm Chim. Và do đó không hề xảy ra hiện tượng “siêu chỉnh” để đưa đến biểu thức: “Chằm - Trầm - Tràm” như ông An Chi đã khéo tưởng tượng và tên gọi “Chằm Chim”, “Trầm Chim” không hề có trong thực tế”.

Vậy xin hỏi tác giả đó: Nếu không có địa danh gốc “Hương Bì” thì làm sao có cái tên méo mó là “Uông Bí” (ở Quảng Ninh); nếu không có địa danh gốc “Cồn Ngao” thì làm sao có cái tên méo mó là “Cung Hầu”; nếu không có địa danh gốc “Trấn Di” thì làm sao có cái tên méo mó là “Tranh Đề”; nếu không có địa danh gốc “Láng Thọ” thì làm sao có cái tên méo mó là “Lăng Tô” (ở Sài Gòn trước kia)…? Dĩ nhiên là nói theo kiểu của tác giả đó thì “Hương Bì”, “Cung Hầu”, “Trấn Di”, “Láng Thọ” đều chỉ là những địa danh do những người làm từ nguyên khéo tưởng tượng ra mà thôi! Còn một điều cực kỳ quan trọng nữa là “trong tiếng Việt, một danh từ chỉ một giống cây  nhất định (như: mít, nhãn, tràm, xoài, v.v.) không bao giờ được dùng theo hoán dụ để chỉ một khu rừng, một ngôi vườn, một diện tích nhất định, v.v..., có trồng loại cây đó”, như chúng tôi đã viết trong bài “Tràm Chim, một cái tên méo mó và vô nghĩa” đăng trên Năng lượng Mới số 66 (28-10-2011). Trong tiếng Việt, tuyệt đối không có những cách dùng quái đản như sau:

- Danh ngữ “Xoài Chim” mà lại được dùng để chỉ một vườn xoài nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ;

- Danh ngữ “Mít Chim” mà lại được dùng để chỉ một vườn mít nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ;

- Danh ngữ “Nhãn Chim” mà lại được dùng để chỉ một vườn nhãn nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ; v.v… và v.v...

Nếu tác giả đó và tác giả Nguyễn Hữu Hiếu mà chứng minh được rằng trong tiếng Việt, người ta có thể nói theo cách của những danh ngữ trên đây thì chúng tôi sẵn sàng tuyên bố rằng những bài chúng tôi đã viết về “Tràm Chim” đều vô giá trị. Cuối cùng, xin nói thêm cho vui là trong một mục bình luận trên facebook, bạn Cá Vàng đã nói đùa rằng vườn nhãn lồng có nhiều chim thì gọi là “lồng chim”!

A.C