Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thế giới “tổng tấn công tin vịt”

07:00 | 06/03/2017

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tin tức giả mạo, nhất là trên các mạng xã hội, đã và đang làm đau đầu các nhà quản lý trên toàn thế giới thời gian qua. Ngày 28-2 vừa qua, 37 cơ quan truyền thông quốc tế cùng facebook và google đã thông qua kế hoạch “tổng tấn công” loại tin tức độc hại này.

Cụm từ “fake news” (tin tức giả mạo) xuất hiện nhiều trong những tháng cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2016, đã đem lại chiến thắng bất ngờ cho ông Donald Trump, mặc dù tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước đó đều nói bà Hillary Clinton chắc chắn giành chiến thắng. Nhiều giới chức Mỹ sau đó quy trách nhiệm cho facebook đã “tạo điều kiện” cho những thông tin giả loan truyền khiến công chúng ngộ nhận, dẫn tới thất bại của bà Clinton.

Chỉ riêng tại Mỹ có tới 51% người sử dụng mạng xã hội cá nhân để theo dõi thời sự và 87% trong số đó dùng tài khoản trên facebook. Có điều trong thời gian tranh cử, trên mạng facebook xuất hiện những tin vịt như là Đức Giáo hoàng ủng hộ ứng cử viên Donald Trump hay ứng viên tổng thống của phe Dân chủ, bà Hillary Clinton đã tung 137 triệu USD mua vũ khí bất hợp pháp, lại cũng bà Clinton vừa tậu căn biệt thự 200 triệu USD trong vùng Maldives, hay nước Mỹ sau hai nhiệm kỳ Tổng thống Obama phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp là 42%...

the gioi tong tan cong tin vit
Ảnh biếm họa về sự xâm lăng của tin tức giả mạo

Theo trang mạng BuzzFeed, trụ sở tại New York, trong số 2.283 tài khoản sử dụng facebook được xem như một phương tiện để tuyên truyền cho ông Trump, có tới 12,3% chuyên để tung tin nhảm; 1/4 trong số đó khai thác cả tin thật lẫn tin giả để lấy phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa trong mùa vận động tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Tin tức giả không chỉ lũng đoạn chính trường Mỹ. Ngày 15-2 vừa qua, chính trị gia Basuki Purnama, hay còn được biết đến với biệt danh “Ahok” đã mất vị trí dẫn đầu cuộc đua giành chiếc ghế Thị trưởng Jakarta, Indonesia, chỉ vì một đoạn video “chế” của cư dân mạng xã hội.

Tất cả bắt nguồn từ một đoạn video quay cảnh ông Ahok phát biểu trong một chiến dịch tranh cử hồi tháng 9-2016 tung lên mạng xã hội. Điều đáng nói là video này không phát tiếng mà chỉ làm phụ đề những lời phát biểu của nhân vật. Theo phóng viên Báo Jakarta Post, người có mặt theo dõi bài phát biểu của Ahok, thì những chú thích trên video là sai sự thật vì có những chỗ đã bị cắt mất. Cảnh sát Indonesia cho rằng, video này “đã được làm ra để truyền bá thông tin mà có thể gây ra sự chống đối và thù hận”.

Người đăng đoạn video lên facebook đã bị buộc tội. Anh ta bào chữa rằng, chỉ muốn thảo luận vui về chính trị với bạn bè trên mạng xã hội, mà không nghĩ rằng, tác động của nó lại lớn đến vậy.

Điều nguy hiểm trong đoạn video cắt dán trên là một đoạn phụ đề mô tả ông Ahok nhạo báng đối thủ bằng những lời nói mỉa mai kinh Koran. Việc này bị coi là hành vi báng bổ thần thánh và ngay lập tức bị dư luận chỉ trích và lên án, nhất là các tổ chức Hồi giáo ở Indonesia, điển hình là Mặt trận Người bảo vệ Hồi giáo (FPI). Thậm chí, hành vi trên của ông Ahok còn bị đưa ra xét xử và hiện vẫn đang tiếp diễn. Về phần mình, ông Ahok phủ nhận mọi cáo buộc liên quan. Tại Indonesia có 52% dân số (132 triệu người) dùng mạng xã hội và 129 triệu người thường xuyên lên mạng (3,5 giờ/ngày). Facebook là kênh truyền thông ưa thích, với 88 triệu người sử dụng. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, số người lên facebook bằng điện thoại ở Indonesia còn nhiều hơn Mỹ. Do đó, những thông tin giả lây lan càng nhanh khi số người theo dõi tin tức càng nhiều.

Trước thực trạng tin tức giả mạo tràn lan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đã bày tỏ lo ngại về những hành vi phỉ báng, gây hận thù và lăng mạ trên các mạng xã hội. Sau đó, ông công bố phát động cuộc chiến chống lại những tin tức giả mạo, tương tự như ở Đức, Pháp hay Israel. Phương pháp áp dụng bao gồm: truy tố liên đới tới những cá nhân lan truyền tin giả; phong tỏa các trang mạng đưa tin. Theo lời Tổng thống Widodo, Chính phủ sẽ đưa ra 2 chiến dịch nhằm giúp người dân biết sử dụng Internet và mạng xã hội cho những mục đích đúng đắn, đồng thời thiết lập một danh sách các trang web “đáng tin cậy” do Nhà nước kiểm duyệt.

Bên cạnh đó, Hội đồng Hồi giáo Tối cao Ulema đã tung ra một sắc lệnh chống lại tin tức giả mạo và ngày càng có nhiều tín đồ tham gia. Tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia, Nahdlatul Ulama cũng tham gia vào chiến dịch chống lại những lời nói cực đoan trong thời đại kỹ thuật số.

Savic Ali, thành viên của Tổ chức Hồi giáo Vice, chỉ ra mấu chốt để giải quyết vấn đề là giáo dục về công nghệ, để người dân có năng lực phân biệt những thông tin đăng tải trên facebook.

Đó là về phía các chính phủ và người dân, vậy còn các nhà quản lý những mạng xã hội như facebook hay twitter đã làm gì? Đứng trước sức ép phải kiểm soát nội dung, facebook đã rục rịch nhiều biện pháp, nhằm ít nhất là tự loại bản thân ra khỏi những rắc rối liên quan tới chính trị. Facebook không cho rằng mình là một phương tiện truyền thông mà chỉ là một dịch vụ công nghệ (giúp kết nối). Nhưng rõ ràng, với nhiều chính quyền, facebook cũng là một dạng truyền thông và nó cần phải có một tổng biên tập để lái dòng chảy thông tin theo ý muốn, chứ không thể thả lỏng như hiện tại.

Kiểm duyệt, với facebook là việc rất dễ dàng. Nhưng làm thế nào mà một thông điệp có tính chính trị có thể bị đánh giá là ảo, giả, lừa đảo? Đây là vấn đề vô cùng khó bởi nếu xử lý không khéo và để vi phạm tự do ngôn luận thì tương lai của mạng xã hội này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các đối thủ của facebook sẽ ngay lập tức đục nước béo cò và hất cẳng facebook ngay.

Ngày 23-2, Công ty Jigsaw (thuộc Tập đoàn Google) cũng đã trình làng bộ lọc “Perspective”. Công cụ này dựa trên trí thông minh nhân tạo, là giải pháp giúp các phương tiện truyền thông và các trang web bằng tiếng Anh lọc các bình luận “độc hại”.

Nhưng có lẽ lớn hơn cả là dự án CrossCheck (kiểm tra chéo) của 37 công ty truyền thông quốc tế cùng facebook và google vừa được công bố ngày 28-2 tại Pháp.

CrossCheck là một nền tảng hợp tác trực tuyến giúp các đối tác truyền thông cùng tham gia dự án này đưa lên những ví dụ về tin tức giả từ khắp các nguồn trên mạng. Sau đó, các nhà báo có thể dùng chính những bài báo của họ, cùng các chứng cứ khác để đưa ra lập luận về tính chính xác của bản tin đó.

Trong 37 đơn vị truyền thông trên có Hãng thông tấn AFP, 2 nhật báo Le Monde và Liberation của Pháp, tổ hợp truyền thông BBC và kênh truyền hình Channel 4 của Anh, cũng như Hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ…

Giám đốc phụ trách Hãng tin AFP trên toàn cầu - bà Michele Leridon - cho rằng, cần đặt tiêu chí cạnh tranh sang một bên trong bối cảnh các giá trị cốt lõi của ngành truyền thông đang bị đe dọa. Theo bà, truyền thông thế giới cần chung tay ứng phó với vấn đề này, bởi vậy Dự án CrossCheck là một bước đi có ý nghĩa đáng kể trong định hướng quan trọng này.

Dự án trên được đưa ra trong bối cảnh nước Pháp sắp diễn ra bầu cử tổng thống và người ta sợ rằng, những tin tức giả sẽ lại làm nhiễu cuộc bầu cử này như ở Mỹ vừa qua. Ước tính có khoảng 250 nhà báo tham gia CrossCheck, sẽ kiểm chứng các tin tức theo nhiều cách khác nhau và hoạt động trong suốt 2 vòng bầu cử tổng thống của Pháp vào tháng 4 và tháng 5 tới. Le Monde miêu tả Dự án CrossCheck là một cuộc thử nghiệm và các kết quả bước đầu của thử nghiệm này sẽ được đánh giá trong 2 tháng tới.

S.Phương (tổng hợp)