Hé lộ lý do khiến Facebook, Instagram bị "sập" trên toàn cầu
Việc các dịch vụ của công ty Meta, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger, WhatsApp đồng loạt bị sập trên toàn cầu vào tối 5/3 vẫn đang là chủ đề gây xôn xao trong giới công nghệ cũng như trong cộng đồng người dùng internet.
Không lâu sau khi sự cố xảy ra, đại diện Meta đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi người dùng.
"Chúng tôi biết một số người dùng gặp vấn đề khi truy cập các ứng dụng của chúng tôi. Xin lỗi vì những sự bất tiện gây ra cho bạn và cảm ơn bạn đã kiên nhẫn chờ đợi trong khi đội ngũ của chúng tôi nhanh chóng giải quyết vấn đề", đại diện Meta đưa ra thông báo trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), trong bối cảnh các nền tảng của công ty đều đang bị "sập".
Các dịch vụ Meta đồng loạt "sập" trong đêm 5/3 khiến người dùng hoang mang (Ảnh minh họa: Getty). |
Sự cố kéo dài trong hơn 2 giờ đồng hồ trước khi được khắc phục và các dịch vụ của Meta dần trở lại hoạt động bình thường. Sau khi sự cố được khắc phục, Andy Stone, phát ngôn viên của công ty, đã lên tiếng cho biết sự cố xảy ra vì lỗi kỹ thuật, đồng thời phủ nhận các tin đồn cho rằng Meta bị tin tặc tấn công dẫn đến sự cố.
"Đầu ngày hôm nay, một lỗi kỹ thuật đã khiến người dùng khó truy cập vào các dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi đã giải quyết sự cố này nhanh nhất có thể cho những người bị ảnh hưởng. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này", phát ngôn viên Andy Stone chia sẻ.
Một bài viết được đăng tải trên nhóm nội bộ dành cho các kỹ sư của Meta đã giải thích rõ hơn về sự cố gặp phải.
Theo đó, lỗi xảy ra trong quá trình bảo trì và xác minh các giá trị cấu hình trong hệ thống của Meta, được tiến hành bởi một công cụ tự động. Mục đích của công cụ tự động này đó là kiểm tra các giá trị cấu hình không hợp lệ trong bộ nhớ đệm của hệ thống và thay thế bằng các giá trị cập nhật từ kho lưu trữ cố định.
Tuy nhiên, trong quá trình bảo trì, công cụ tự động đã nhận nhầm các truy vấn của người dùng là không hợp lệ và xóa các bộ nhớ đệm, khiến họ không thể đăng nhập vào tài khoản. Lượng truy cập quá lớn khiến công cụ tự động liên tục xác nhận đó là lỗi và xóa bộ nhớ đệm dẫn đến quá tải.
Khi xác định được nguyên nhân gây ra lỗi, các kỹ sư của Meta đã buộc ngừng công cụ sửa lỗi tự động để khắc phục sự cố, điều này đã giúp các dịch vụ của công ty trở lại hoạt động bình thường.
Một số nguồn tin cho biết sự cố ảnh hưởng đến cả hệ thống nội bộ của Meta, khiến nhiều nhân viên của công ty không thể đăng nhập vào hệ thống mạng nội bộ. Điều này đã làm nhiều nhân viên của Meta hoang mang vì tưởng nhầm rằng họ đã bị công ty sa thải mà chưa kịp thông báo.
Đến thời điểm hiện tại, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg vẫn im lặng và chưa đưa ra bình luận gì về sự cố vừa xảy ra.
Đây là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất xảy ra trong lịch sử của Facebook. Sự cố này khiến nhiều người liên tưởng đến sự cố tương tự xảy ra vào cuối năm 2021, khi Facebook, Instagram và WhatsApp bị tê liệt trong hơn 7 giờ đồng hồ trên toàn cầu.
Vào thời điểm đó, Facebook cho biết nguyên do dẫn đến sự cố nghiêm trọng này là vì lỗi kỹ thuật, nhưng không giải thích rõ ràng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng nguyên do của sự cố liên quan đến việc Facebook thay đổi các thiết lập về hệ thống phân giải tên miền và sự cố về giao thức kết nối internet.
Sự việc xảy ra với Facebook cho thấy tính chất phức tạp của mạng internet, khi mà một công ty hàng đầu về công nghệ như Facebook cũng gặp phải sự cố và phải rất vất vả mới có thể khắc phục được.
Theo Dân trí
Mark Zuckerberg thiệt hại 2,4 tỷ USD vì sự cố Facebook Sự cố xảy ra với Facebook và hàng loạt ứng dụng khác đã khiến ông chủ Meta chịu thiệt hại nặng nề. |
-
Tin tức kinh tế ngày 28/4: Các “ông lớn” công nghệ đã nộp gần 14.600 tỷ đồng tiền thuế
-
Các "ông lớn" công nghệ bắt tay xây dựng tiêu chuẩn về AI
-
Kết quả kinh doanh của Meta vượt kỳ vọng sau khi sa thải gần 20.000 nhân viên
-
Cựu giám đốc vận hành Facebook sẽ rời HĐQT Meta
-
Bài 4: Nguy cơ lừa đảo qua livestream trên Facebook và TikTokShop
-
LPG Expo Châu Á - Thái Bình Dương 2024: Cơ hội hợp tác toàn cầu trong ngành công nghiệp LPG
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 3)
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 2)
-
IEAE 2024: Cầu nối mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp điện tử và thiết bị thông minh
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 1)