Thế giới sẽ “nghèo và nguy hiểm hơn”
Rủi ro cho tăng trưởng toàn cầu
Theo IMF, dự báo về tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và những năm tiếp theo đều sẽ giảm. IMF cho rằng, một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến quá trình phục hồi kinh tế.
Diễn biến gần đây nhất, Trung Quốc đã công bố thuế quan thương mại mới trên 60 tỉ USD đối với hàng hóa của Mỹ, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng được sản xuất tại các bang trung thành với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong một dòng Tweet, ông Trump cảnh báo Bắc Kinh không nên tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ. Ông Trump nói: “Sẽ có sự trả đũa kinh tế lớn và nhanh chóng đối với Trung Quốc nếu họ nhắm vào nông dân hoặc công nhân công nghiệp của chúng ta”.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,7% vào năm 2018 và 2019, giảm so với dự báo trước đó của IMF là 3,9% trong tháng 7. Sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến những dự báo về việc mở rộng khu vực đồng euro cũng như sự bất ổn trong một số nền kinh tế mới nổi. Đơn cử, quốc gia đang ngập trong khủng hoảng Venezuela dự kiến sẽ bước vào năm thứ 6 của cuộc suy thoái. Năm 2019, lạm phát của Venezuela dự đoán sẽ đạt 10.000.000%.
Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rất có thể sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của cả hai quốc gia vào năm 2019, khi sự tăng trưởng từ việc cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump bắt đầu suy yếu.
Xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung |
Maurice Obstfeld - Kinh tế trưởng của IMF cho biết, các rào cản thương mại sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình, doanh nghiệp và các khu vực kinh tế khác. Chính sách thương mại phản ánh chính trị mà chính trị vẫn còn bất ổn ở một số nước, cho nên sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn nữa. Ông Obstfeld khẳng định, thế giới sẽ trở nên “nghèo và nguy hiểm hơn” trừ khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng bắt tay nhau để nâng cao mức sống, cải thiện giáo dục, giảm sự bất bình đẳng.
IMF cảnh báo rằng, thế giới phải chịu một sự tác động vĩnh viễn nếu Mỹ tiếp tục thực hiện lời đe dọa áp đặt 25% thuế lên trên tất cả các xe nhập khẩu. Trong kịch bản xấu nhất này, nền kinh tế Mỹ sẽ bị tác động đáng kể, trong khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 5% vào năm 2019 so với dự đoán hiện tại là 6,2%.
Việt Nam có thể bị “thiệt kép”
Tại cuộc tọa đàm báo cáo kinh tế quý III/2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã thống nhất cho rằng, Việt Nam nếu không tỉnh táo sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chịu thiệt hại trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thực tế cho thấy, hiện nay phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Trung Quốc là nguồn cung cấp lớn nhất nguyên liệu và sản phẩm bán nguyên liệu cho Việt Nam. Mỹ là quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới để xuất khẩu hàng hóa. Với địa vị nhạy cảm như vậy, khi hai quốc gia, đặc biệt là Mỹ, sử dụng “vũ khí” như dựng hàng rào thuế quan, tổ chức điều tra các mặt hàng lẩn tránh thuế… thì hàng hóa Việt Nam rất dễ bị “ăn đạn lạc”.
Có một chi tiết khá lạ là kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 9-2018 đã tăng vọt. Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành cho rằng, đây là tâm lý chung của các doanh nghiệp Trung Quốc và cả các doanh nghiệp Mỹ trước khi lệnh áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Donal Trump có hiệu lực. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác và không loại trừ phương cách đi đường vòng để vào thị trường Mỹ. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam càng phải cẩn trọng hơn trong việc gia công hàng hóa để xuất khẩu vào Mỹ nếu không muốn đối đầu với các lệnh trừng phạt từ chính quyền của Tổng thống Donal Trump.
Một động thái nữa của chính quyền Mỹ là những bước đi gần đây thể hiện ngày càng rõ chiến lược thương mại của Tổng thống Donal Trump. Mỹ vừa ký hiệp định thương mại mới với Mexico và Canada (USMCA), trong đó có “điều khoản thuốc độc” nhằm giữ chân các đối tác này và trừng phạt bất cứ nước nào tham gia hiệp định tự ý ký thỏa thuận thương mại với một quốc gia có nền kinh tế “phi thị trường”. Mỹ cũng đang tìm cách đàm phán để ký thỏa thuận tương tự với Nhật và EU. Cuối tháng 9-2018, Mỹ cũng ký hiệp định thương mại tự do sửa đổi với Hàn Quốc. Hiệp định này được Trump ca ngợi là “cột mốc lịch sử về thương mại song phương”, dù giới phân tích cho rằng nó không khác quá nhiều so với hiệp định cũ.
Ở đây có 2 vấn đề liên quan trực tiếp tới Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam vẫn đang bị Mỹ coi là quốc gia có “nền kinh tế phi thị trường”. Bởi vậy việc chính quyền Mỹ luôn tỏ ra dè chừng đối với hàng hóa Việt Nam là chuyện dễ hiểu. Mặt khác, với những “điều khoản thuốc độc” nêu trên thì một loạt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó này, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, đơn giản nhất là chúng ta chứng minh được nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường. Hiện đã có 57 quốc gia trên thế giới có quan hệ thương mại song phương với Việt Nam đều công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng Mỹ và EU thì chưa. Trong các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại Việt - Mỹ trước đây, Mỹ đã yêu cầu Việt Nam sửa đổi một số đạo luật liên quan, thành lập công đoàn doanh nghiệp…
Theo thỏa thuận gia nhập WTO của Việt Nam, đến năm 2018, WTO sẽ “cứu xét” xem Việt Nam có phải là quốc gia hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay không. Đây chính là cơ hội để Chính phủ khẳng định sự kiên định với đường lối phát triển cũng như tránh khỏi tình cảnh “thiệt kép” trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Với địa vị nhạy cảm, khi hai quốc gia, đặc biệt là Mỹ, sử dụng “vũ khí” như dựng hàng rào thuế quan, tổ chức điều tra các mặt hàng lẩn tránh thuế… thì hàng hóa Việt Nam rất dễ bị “ăn đạn lạc”. |
Tùng Dương
-
Apple sẽ rút nhà máy khỏi Trung Quốc cho dù tổng thống là Trump hay Biden
-
Các hãng xe hơi Mỹ và EU kiện Trump vì đánh thuế Trung Quốc
-
Mỹ-Trung “ngừng chiến”, rồi sao nữa?
-
Bước sang giai đoạn 2, Mỹ có vũ khí gì để đối phó với Trung Quốc?
-
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động nhiều chiều đến nền kinh tế
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Thủy sản Việt Nam duy trì sức hấp dẫn trên thị trường thế giới
-
Kinh nghiệm quốc tế về thuế GTGT phân bón và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số