Thế giới can ngăn Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga
Trung Quốc cảnh báo Mỹ về hậu quả của việc rút khỏi Hiệp ước INF với Nga |
Mỹ dọa sẽ phá hủy các đầu đạn hạt nhân của Nga "nếu cần" |
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov |
Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Elko, bang Nevada, ngày 20/10. Ông Trump đổ lỗi cho việc Nga vi phạm hiệp ước này. Ông Trump đồng thời không loại trừ khả năng ký một hiệp ước khác về vũ khí hạt nhân tầm trung với Moskva và Bắc Kinh nếu Nga và Trung Quốc đảm bảo ngừng sản xuất các loại vũ khí này. Theo Tổng thống Trump, Hoa Kỳ phải phát triển vũ khí của mình.
Được ký ngày 8/12/1987 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thư ký Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, Hiệp ước INF nhằm mục tiêu tiêu hủy các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Vào tháng 5/1991, các điều kiện của thỏa thuận đã được hoàn thành: Liên Xô đã phá hủy hơn 1.700 tên lửa đạn đạo và hành trình mặt đất, và Washington cũng đã loại bỏ 859. Hiệp ước cho phép mỗi bên tự ý rút khỏi thỏa thuận nếu chứng minh được quyết định của mình. Trong 30 năm qua, Moskva và Washington đã không ngừng chỉ trích, cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận và nhiều lần đe dọa rút khỏi hiệp ước.
Cả Bộ Ngoại giao Mỹ lẫn Lầu Năm Góc đều chưa đưa ra bất kì tuyên bố nào liên quan đến phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump. Ngày 22/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định cho tới nay Washington chưa có bất kỳ bước đi nào nhằm thúc đẩy việc rút khỏi thỏa thuận. Trong khi đó cũng trong ngày 22/10, Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton có chuyến thăm 2 ngày tới Moskva để tham gia các cuộc đàm phán với quan chức an ninh cấp cao Nga. Ông John Bolton được báo giới Mỹ cho là có liên quan mật thiết đến kế hoạch rút khỏi INF của Washington. Một số nhà phân tích đã viện dẫn văn bản do ông Bolton viết năm 2011, trong đó ông nhấn mạnh “Mỹ nên rời bỏ Hiệp ước INF”. Theo lịch trình thăm Nga lần này, ông John Bolton dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Trước đó, ông Dmitry Peskov từng úp mở về khả năng cố vấn Bolton sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hãng thông tấn RIA ngày 21/10 dẫn phát biểu của người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nhà lãnh đạo Nga sẽ yêu cầu Mỹ giải thích lý do đằng sau kế hoạch nước này rút khỏi INF. Rất có thể sau chuyến thăm này, câu trả lời rõ ràng từ phía Mỹ về việc có dứt khoát rút khỏi INF hay không sẽ được đưa ra.
Trong mấy ngày qua, sau khi Tổng thống Trump bắn tin sẽ rút khỏi INF, truyền thông quốc tế rầm rộ đưa tin để mổ sẻ nguyên nhân của quyết định này. Trong đó đáng kể nhất là một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu chính của Mỹ khi quyết định rút ra khỏi INF là đối phó với Trung Quốc, vào lúc quan hệ Washington - Bắc Kinh không chỉ căng thẳng trong vấn đề thương mại mà cả trong lĩnh vực quân sự. Theo nhận định của tờ New York Times, quyết định rút này “sẽ cho phép Mỹ đối phó với việc Trung Quốc trang bị vũ khí tại Thái Bình Dương”. Đặc biệt là tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp, Trung Quốc đã cho cải tạo, bồi đắp nhiều bãi đá ngầm thành những đảo tiền tiêu quân sự.
Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc có thể triển khai các loại tên lửa đạn đạo mà không sợ bị khống chế vì nước này không ký kết INF. Loạt tên lửa DF và HN của Trung Quốc có tầm bắn đến 15.000km và như vậy có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Theo ông Lưu Vệ Đông, chuyên nghiên cứu về nước Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, quyết định này của Donald Trump sẽ giúp cho quân đội Mỹ tự do phát triển cũng như triển khai các loại vũ khí thông thường và hạt nhân trong khu vực.
Chỉ có điều, như lưu ý của chuyên gia Collin Koh, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước INF, Nga và Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này như là một chất xúc tác để đẩy nhanh hơn nữa các chương trình phát triển vũ khí của mình. Và như vậy, “lần đầu tiên kể từ năm 1972, nhân loại có nguy cơ rơi vào một thế giới ở đó sẽ không tồn tại một giới hạn nào đối với các nước trong việc phát triển vũ khí hạt nhân”, như cảnh báo của ông Malcolm Chalmers, Giám đốc Học viện Royal United Services Institute, chuyên nghiên cứu về quốc phòng, với tờ báo Anh The Guardian.
Và đây là điều khiến nguyên thủ nhiều nước lên tiếng bày tỏ lo ngại sâu sắc. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hôm 21/10 rằng việc Mỹ đơn phương rút khỏi INF sẽ "rất nguy hiểm" và dẫn đến việc trả đũa "quân sự - kỹ thuật". Ông Ryabkov nói rằng nếu Hoa Kỳ rút lui, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa, bao gồm cả các biện pháp có “tính chất kỹ thuật - quân sự”, nhưng không nói cụ thể những biện pháp đó là gì. "Chúng tôi mong rằng mọi chuyện không đi xa đến mức đó", RIA trích lời ông cho biết. Hãng tin TASS trích lời ông nói rằng việc rút ra “sẽ là một bước rất nguy hiểm”, và chính Washington mới là bên không tuân thủ hiệp ước, chứ không phải Moskva. Ông cho biết chính quyền của ông Trump đã sử dụng hiệp ước này để tìm cách ép buộc Điện Kremlin, khiến an ninh toàn cầu gặp rủi ro. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ không chấp nhận các trò ra tối hậu thư hay gây sức ép”, theo lời phát biểu của ông được Interfax trích dẫn.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong chương trình nghị sự mới về giải trừ vũ khí đã kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết bất đồng về INF để tránh xảy ra thảm họa khi căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không thể kiểm soát.
Ngày 22/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết: "Hiệp ước INF là thỏa thuận quan trọng nhằm kiểm soát vũ khí mà Hoa Kỳ và Liên Xô đã đạt được trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Văn kiện này đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định quan hệ quốc tế, duy trì sự cân bằng chiến lược và ổn định toàn cầu. Ngày hôm nay, thỏa thuận này vẫn có ý nghĩa vô cùng to lớn". Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận sẽ dẫn tới các tác động tiêu cực đa phương", đại diện cơ quan ngoại giao của Trung Quốc nhấn mạnh. Bà Hua Chunying nói thêm rằng: "Việc coi Trung Quốc như một nguyên nhân để Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF là hoàn toàn sai lầm vì Trung Quốc không phải là một bên tham gia ký kết".
Cũng trong ngày 22/10, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ cân nhắc lại kế hoạch rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh với Nga. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Suga nói: "Việc Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài rút khỏi Hiệp ước INF là điều không mong muốn và chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tránh đưa ra quyết định". Đại diện chính phủ Nhật Bản cho biết thêm, Tokyo sẽ tìm cách trao đổi quan điểm về vấn đề này với phía Washington.
Trong khi đó theo AFP, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 22/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh vai trò của Hiệp ước INF trong việc bảo vệ an ninh và ổn định của châu Âu. "Tổng thống Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước INF, đặc biệt là đối với an ninh châu Âu cũng như sự ổn định chiến lược của Pháp", AFP trích tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết.
Đức cũng bày tỏ quan ngại về hậu quả của việc Mỹ rút khỏi INF. "Hiệp ước đã tồn tại 30 năm là trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh của châu Âu", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói, đồng thời kêu gọi Mỹ cân nhắc tới hậu quả đối với cả châu Âu và các nỗ lực giải trừ vũ khí trong tương lai sau quyết định rút khỏi INF.
Tuy nhiên, nước Anh lại có quan điểm ngược lại khi tuyên bố ủng hộ việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga. "Mỹ là đồng minh thân cận và lâu dài của Anh, vì thế tất nhiên chúng tôi triệt để ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước để gửi đi thông điệp tới Nga rằng nên tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước mà họ đã ký kết", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho hay.
Theo giới quan sát, việc rút khỏi INF với Nga một mặt có thể cho phép Hoa Kỳ chế tạo tên lửa tầm trung loại mới nhưng sẽ khiến cho việc việc đàm phán lại hiệp định tên lửa hạt nhân chiến lược New Start với Nga, sắp hết hạn vào năm 2021, trở nên khó khăn thêm. Như thế, cho dù Tổng thống Donald Trump cố gắng tạo mối quan hệ hòa dịu với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, kể cả phủ nhận chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, bang giao Mỹ - Nga vẫn phức tạp. Ngày 22/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh nước này sẵn sàng ký Hiệp ước New Start và sẵn sàng trao đổi với Mỹ về vấn đề này.
H.Phan
AFP
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí