Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thầy giáo 8X cách tân môn Sử

09:22 | 30/08/2011

1,874 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 2 năm nay, trên thị trường sách Việt Nam xuất hiện những cuốn sách tham khảo cho học sinh cách tiếp cận môn Sử khá kỳ lạ. Đó là công trình của thầy giáo Trần Đình Ba giáo viên của trường Trung cấp Phương Nam (TP HCM).

Trò chơi Lịch sử bằng ô chữ lớp 6 được cấu tạo như thế này.

Thời gian gần đây, báo giới, dư luận nóng lên chuyện điểm thi đại học môn sử thấp tệ hại. Đây là một thực trạng buồn không chỉ của ngành giáo dục mà cả xã hội cũng đang sục sôi chuyện học sinh học sử như thế nào dẫn đến kết quả không đáng có này. Tuy nhiên, trên mảnh đất hình chữ S vẫn có những người thầy, người cô ngày đêm đau đáu với kiến thức sử. Thầy Trần Đình Ba – một người cách tân môn Sử bằng phương cách giản đơn: trò chơi Lịch sử bằng ô chữ.

Cách học lạ của thầy Ba

Gần 2 năm nay, trên thị trường sách Việt Nam xuất hiện những cuốn sách tham khảo cho học sinh cách tiếp cận môn Sử khá kỳ lạ. Đó là công trình của thầy giáo Trần Đình Ba – giáo viên của trường Trung cấp Phương Nam (TP HCM).

Bộ sách Chơi ô chữ môn Lịch sử cấp THCS được thầy giáo 8X Trần Đình Ba biên soạn trên cơ sở gợi ý của một biên tập viên NXB Trẻ đề nghị viết sách tham khảo theo hướng mới mà phải có hiệu quả tiếp nhận cho các em.

Mỗi một bài trong sách tham khảo này sẽ tương ứng với bài học trong sách giáo khoa. Nội dung mỗi bài học gồm 2 phần: phần ô chữ và phần câu hỏi. Ô chữ được tô kẻ từ 8 – 10 hàng dọc và ngang. Mỗi hàng có số ô tương ứng với số chữ có trong đáp án. Riêng đáp án sẽ không có trong cuốn sách này để đảm bảo bí mật và hứng thú cho người học. Sách giáo khoa Lịch sử sẽ cung cấp đáp án và học sinh phải tự tìm tòi nếu chưa biết. Học sinh sẽ lần lượt đọc câu hỏi và căn cứ vào số ô trong từng hàng để suy nghĩ câu trả lời. Học sinh có thể chơi một mình hoặc chơi cùng bạn, có người hỏi và người trả lời để tạo tính tương tác, hấp dẫn.

Những câu hỏi này đều là kiến thức trọng tâm của bài chứ không dàn trải. Sách này có thể để giáo viên dùng tham khảo, hoặc học sinh tự học kết hợp với sách giáo khoa.

Riêng về dung lượng kiến thức cuốn sách tham khảo này thì tuân thủ theo kiến thức trong sách giáo khoa. Mỗi bài học sẽ có từ 8 – 10 câu hỏi quy tụ kiến thức nổi bật nhất trong bài học của cuốn sách giáo khoa. Theo giải thích của thầy Trần Đình Ba thì mục tiêu của trò chơi ô chữ Lịch sử là muốn học sinh thâu tóm kiến thức một bài sử cụ thể thông qua tình huống câu hỏi – đáp án. Đây là cách dễ nhớ nhất để học sinh không quên sự kiện, đồng thời hệ thống hóa kiến thức theo cách logic.

Thầy giáo Trần Đình Ba trong một chuyến thực địa thăm mộ Anh hùng Võ Thị Sáu.

Những điều còn trăn trở

Không đi theo lối mòn trong cách tiếp cận kiến thức sử, thầy Ba đã đem lại sự tươi mới trong những giờ học của học sinh cấp II. “Việc viết SGK Lịch sử có đính kèm những trò chơi, phim ảnh là một ý kiến hay, nhưng cần phải có sự đồng bộ. Phim ảnh về lịch sử chỉ có ở thời cận hiện đại. Còn thời cổ trung đại thì chỉ có ở dạng di tích, muốn dựng phim cần đến việc phục dựng di tích văn hóa, nhân vật hoặc chí ít là làm sa bàn…” – thầy Trần Đình Ba tâm sự.

Học sinh có thể tiếp cận kiến thức Sử thông qua phim ảnh, đi tham quan trực tiếp các di tích nhưng chi phí sẽ rất tốt kém. Một hình thức học, ôn thi Sử bằng phương pháp hỏi – đáp ngay trên lớp không chỉ đem lại cho học sinh cách ôn luyện cấp tiến mà còn tiết kiệm chi phí cho nhà trường, xã hội.

Dạy sử hiện nay, tiếng là lấy người học làm trung tâm, người dạy chỉ định hướng. Nhưng thực tế vẫn đang là cách dạy một chiều, trong đó giáo viên quay như chong chóng, chỉ giảng cũng đã hết 45 phút. Học trò chỉ động não nhiều nhất khi giáo viên ra câu hỏi. Điều này không thể trách giáo viên được, vì sách giáo khoa buộc họ làm thế. Thấu hiểu người học đang gặp những vướng mắc gì, thầy Ba nghĩ ngay đến việc tạo cho một tiết học thực sự là một cuộc tranh luận và vắt não của học sinh. “Giáo viên là người hướng dẫn, học sinh mới là những người làm chủ lớp học thì hiệu quả tiết học mới được nâng cao lên được”, thầy Ba phân tích.

Chương trình nặng, khô khan, nhiều sự kiện khó nhớ và mang tính lặp lại. Lịch sử THCS, THPT có nội dung gần giống nhau, sử THPT chỉ nâng cao hơn về dung lượng kiến thức chút ít. Sự kiện thì theo mô típ nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm nên học sinh thấy nhàm chán và nhiều khi lẫn lộn.

Học sử không chỉ ở SGK mà còn là sự tự học, tự tìm tòi. Không hiểu vấn đề gì có thể hỏi giáo viên hoặc tìm đọc tài liệu tham khảo. Nhưng các em chỉ trung thành với SGK là chính. Đặc biệt, học sinh bây giờ khuyết văn hóa đọc nhiều.

Phương pháp học mới của thầy Ba được cụ thể bằng trò chơi ô chữ có thể chỉ mang tính chất tham khảo những đã tạo được dư luận tốt. Lối thoát của môn Sử không chỉ nằm ở cách dạy, cách tiếp cận cho học sinh mà cao hơn hết chính là tình yêu với bộ môn này. Nói về điều này, thầy Trần Đình Ba không khỏi xúc động: “Lịch sử để học sinh có lòng tự hào dân tộc, tự hào truyền thống cha ông, định hướng lòng yêu nước và tư tưởng chính trị, nó có vai trò không nhỏ bên cạnh cái lãng mạng của văn học, cái thực dụng của Toán, Lý, Hóa… Có thể xem Lịch sử là một môn khoa học mang tính nền tảng cho học sinh”.

“Chúng ta vẫn chưa ứng xử với môn Sử như một môn khoa học mà chúng ta vẫn ứng xử với nó như một môn tuyên truyền, áp đặt. Bên cạnh cuốn sách giáo khoa thì giáo viên còn có sách giáo viên. Cuốn sách này cung cấp cho giáo viên những công việc của giáo viên khi lên lớp. Trên lớp, giáo viên cũng đặt câu hỏi cho học sinh nhưng chỉ hỏi những câu trong sách giáo khoa. Học sinh cũng chấp nhận sự truyền đạt từ trên xuống dưới mà không chủ động với nội dung của thầy cô giáo” – Giáo sư Đinh Xuân Lâm phân tích về hạn chế của giáo viên khi tiếp cận với sách giáo khoa.

Đức Chính