Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thấy gì từ những khoản tiền đền bù hủy hoại môi trường?

07:00 | 06/07/2016

810 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên thế giới đã có rất nhiều công ty phải đền bù vì tội hủy hoại môi trường sống. Tuy nhiên, chưa thấy một trường hợp nào, số tiền phạt, dù lớn đến mấy, có thể đủ bù đắp được những mất mát cho môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân địa phương.
thay gi tu nhung khoan tien den bu huy hoai moi truong
32 năm sau thảm họa, Bhopal vẫn đang gánh chịu những hậu quả do ô nhiễm môi trường

Trường hợp đền bù lớn nhất từ trước đến nay liên quan tới việc gây ô nhiễm môi trường là vụ tập đoàn BP của Anh để tràn dầu ngoài vịnh Mexico hồi năm 2010. Khoản tiền mà tập đoàn BP phải trả cho chính quyền 4 bang bị ảnh hưởng ở Mỹ, theo phán quyết của tòa án, là khoảng 20 tỷ USD.

Ngoài ra, tập đoàn này phải chi trả cho mọi chi phí thu gom 4,9 triệu thùng tràn ra biển. Vụ tràn dầu tại vịnh Mexico được đánh giá là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đã có thời điểm các lực lượng phản ứng phải huy động đến gần 48.000 nhân lực, hơn 6.500 tàu thuyền, hoạt động trong phạm vi hơn 4.000 km để kiểm soát và thu hồi lượng dầu bị tràn tại vùng vịnh này. Tính đến cuối năm 2014, Tập đoàn BP đã chi hơn 14 tỉ USD và huy động hơn 70 triệu giờ lao động của nhân lực tập đoàn cố gắng khắc phục vụ việc. Phải mất 87 ngày, BP mới có thể lấp hoàn toàn miệng giếng dầu.

Chưa hết, BP cũng phải chi ra hơn 5,84 tỉ USD để đền bù cho người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi vụ tràn dầu.

Tính cả khoản tiền bồi thường, BP phải trả tổng chi phí cho vụ tràn dầu ở vịnh Mexico lên đến 43 tỉ USD. Toàn bộ số tiền bồi thường này sẽ được BP chi trả trong thời hạn 18 năm.

Đáng chú ý, 6 năm sau thảm họa, các nhà môi trường và cư dân vùng Vịnh Mexico vẫn liệt kê các hậu quả của vụ này. Theo đó, số lượng cá heo và các sinh vật biển tử vong tăng cao vì ảnh hưởng của tràn dầu...

Một cư dân vùng bị ảnh hưởng bởi vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico chia sẻ: “Việc đền bù của BP, không phải lấy để bù lại những mất mát của người dân, đặc biệt sức khoẻ người dân sinh sống trong môi trường ô nhiễm, ăn cá thì bị nhiễm chất độc. Chúng tôi chẳng cần đến số tiền đó, chỉ cần BP làm sạch biển của chúng tôi, để chúng tôi trở lại ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản”.

Trường hợp thứ hai phải kể đến là vụ rò rỉ khí ga ở Bhopal, Ấn Độ. Thảm họa Bhopal là một thảm họa công nghiệp xảy ra tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu sở hữu và điều hành bởi Union Carbide (UCIL) ở Bhopal, Madhya Pradesh, Ấn Độ ngày 3/12/1984. 50,9% cổ phần của UCIL được sở hữu bởi tập đoàn Union Carbide (UCC) (Mỹ).

500.000 người đã bị phơi nhiễm trên. Những đánh giá về số lượng người chết có sự không thống nhất. Đánh giá chính thức ban đầu về số người chết là 2.259 và chính quyền bang Madhya Pradesh đã xác nhận tổng số 3737 cái chết liên quan đến vụ rò rỉ khí ga. Các cơ quan chính quyền khác ước tính khoảng 15.000 người chết. Một số tổ chức đưa ra con số khoảng 8000 đến 10.000 người chết trong 72 giờ đầu và 25,000 người chết vì các căn bệnh liên quan đến khí ga rò rỉ.

UCC đưa ra khoản tiền 350 triệu USD (khoản tiền bảo hiểm). Chính phủ Ấn Độ yêu cầu 3.3 tỉ USD. Năm 1999, một thỏa thuận đã đạt được theo đó UCC đồng ý trả 470 triệu USD (gồm tiền bảo hiểm và một khoản hỗ trợ) trong một thỏa thuận cuối cùng và toàn diện về những trách nhiệm hình sự và dân sự của UCC.

Theo phán quyết của tòa án tối cao, UCC phải cung cấp tài chính xây dựng một bệnh viện 500 giường bệnh để cung cấp những chăm sóc y tế cho những người sống sót. Bệnh viện Bhopal Memorial và trung tâm nghiên cứu (BMHRC) được khánh thành năm 1998. Nó có trách nhiệm cung cấp miễn phí chăm sóc y tế cho những người sống sót trong vòng 8 năm.

32 năm sau vụ rò rỉ, 390 tấn các chất hóa học độc hại bị bỏ lại tại nhà máy của UCIL tiếp tục rò rỉ và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của khu vực, ảnh hưởng đến hàng nghìn cư dân Bhopal, những người phụ thuộc vào nguồn nước ngầm, mặc dù có những tranh cãi về việc có hay không những chất hóa học vẫn được lưu giữ tại khu vực này và những mỗi nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Hiện có một vài phiên tòa dân sự và hình sự liên quan đến thảm họa diễn ra ở toà án Manhattan và tòa án Bhopal chống lại Union Carbide, hiện được sở hữu bởi Dow Chemical Company, cùng với lệnh bắt giữ Warren Anderson, CEO của Union Carbide tại thời điểm xảy ra thảm họa. Đến nay vẫn chưa có ai bị truy tố.

Điều đáng nói trong suốt hơn 30 năm qua, chi phí mà chính phủ Ấn Độ bỏ ra để làm sạch môi trường ở Bhopal lên đến 500 triệu USD, chưa tính khoản tiền bồi thường 470 triệu USD của UCC cho vụ rò rỉ Bhopal.

Mới đây, hãng xe Volkswagen đã bị phạt 15 tỷ USD vì gian lận khí thải. Theo cáo buộc, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức bị phát hiện cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu ôtô động cơ diesel. Tháng 9/2015, Volkswagen chính thức thừa nhận đã gian lận khiến kết quả về kiểm tra khí thải tại Mỹ bị sai lệch. Sau khi tháo phần mềm, lượng khí NO mà mỗi xe thải ra môi trường cao gấp 40 lần cho phép.

Trong nỗ lực dàn xếp vụ bê bối tồi tệ, Volkswagen có thể phải chi gần 15 tỷ USD để mua lại những chiếc xe gian lận, bồi thường cho các tài xế ở Mỹ và các chi phí môi trường khác. Theo thỏa thuận, Volkswagen sẽ dành phần lớn số tiền, 10 tỷ USD, để sửa chữa hoặc mua lại khoảng 475.000 xe do hãng sản xuất với động cơ diesel 2 lít đang lưu thông tại Mỹ. Hãng cũng bồi thường cho mỗi chủ nhân số tiền từ 5.100 đến 10.000 USD tùy thuộc vào giá trị xe.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao gồm 2,7 tỷ USD cho các công tác khắc phục môi trường của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và 2 tỷ USD cho công nghệ nghiên cứu hạn chế xả thải.

Bên cạnh việc mất tiền, các hành vi của Volkswagen còn bị điều tra dưới góc độ tội phạm hình sự, có thể đẩy nhiều lãnh đạo của hãng vào vòng lao lý.

Trên đây chỉ là 3 ví dụ điển hình, trên thế giới còn rất nhiều vụ tương tự. Chẳng hạn vụ nước biển nhiễm độc xảy ra tại Nhật Bản do nhà máy hóa chất Chisso xả trực tiếp nước thải chứa thủy ngân chưa qua xử lý ra vịnh Minamata và biển Shiranui trong khoảng thời gian 1932 – 1968, hay vụ Tập đoàn Chevron của Mỹ phải bồi thường 18 tỷ USD vì hành vi xả thải trực tiếp tại sông Amazon trong suốt 20 năm.

Tất cả những vụ kể trên cho đến nay vẫn còn để lại những di chứng nặng nề cho môi trường sinh thái và con người. Có nhiều vụ đã sau gần cả thế kỷ mà tác hại của nó vẫn hiện hữu, như vụ Chisso chẳng hạn. Những khoản tiền đền bù của những kẻ gây ô nhiễm, phá hoại môi trường sống sẽ chẳng thấm vào đâu so với những gì chính quyền và người dân địa phương phải bỏ ra để cải tạo môi trường và khắc phục hậu quả.

Th.Long

AP, AFP, Reuters