Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thân phận người nông dân

08:38 | 16/02/2012

3,838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng mà lạm bàn về người nông dân; về nỗi khổ của người nông dân với ruộng đồng của họ.

Tác giả của “Hạt gạo làng ta”, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng chia sẻ rằng: “Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có cho sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu khổ đến vô tận. Họ không có thói quen để làm một người sung sướng. Họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa…”. Sinh ra và lớn lên ở làng quê, cuộc sống từ nhỏ gắn bó với người nông dân, tôi yêu quý họ, yêu sự chân chất, hiền lành của họ và yêu ruộng đồng như máu thịt mình. Tôi luôn hy vọng đó là nhận định nhất thời của Trần Đăng Khoa.

Song điều đó đến nay vẫn là một vấn đề thời sự nóng: Nông dân thời nào cũng rất khổ! Cạnh nhà tôi, có người mẹ góa bán hết đất hương hỏa với giá không thể rẻ hơn để cho đứa con trai lên thành phố học. Thế mà thằng nhỏ lần lượt mang hết số tiền đó lên thành phố ăn chơi màø chẳng chịu học hành. Trụ được 2 năm ở thành phố, khi hết số tiền bán đất ấy thằng nhỏ về và tiếp tục bám mẹ, nó lang thang ăn chơi, tụ tập bạn bè. Nhiều lần kể chuyện về thằng con “quý tử” duy nhất, nước mắt người mẹ ấy cứ chảy dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn và sạm đen vì nắng gió ngoài đồng ruộng. Đúng là người nông dân khổ thật!

Ở các làng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn không ít những nông dân còn trong cảnh bần cùng, phần lớn họ đang bám đồng ruộng. Cái nan giải nhất hiện nay là nông dân mất đất. Trọn đời Bác chỉ có một mong muốn tột bật là: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác đã làm hết sức mình để “người cày có ruộng”. Bây giờ người cày đang dần mất ruộng. Ở một số vùng nông thôn ven đường lớn hay ven đô thị, đất bị thu hồi để làm khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái mọc lên như nấm sau mưa. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ hay trang trại ở quê, chỉ bỏ ra chưa tới tỉ bạc là đã có một vùng mênh mông cả nghìn mét vuông đất quê.

Người phố đổ về quê để được sống. Còn dân quê thì lại phải nhao nhao về thành phố để kiếm sống. Thế là quê và phố tất cả cứ nháo nhào. Anh nhà quê ra phố, mang những luộm thuộm, nhếch nhác của làng quê đi “khai hóa” thành phố. Còn anh thành phố thì lại mang xi-măng cốt thép về bê tông hóa làng quê. Rồi kết quả thế nào?! Hiện nay, chúng ta đang quan tâm rất nhiều tới việc quy hoạch đô thị, có nhiều chiến lược, kế sách. Nhưng thử nhìn lại có được bao nhiêu công trình, đề tài, bao nhiêu tâm huyết của lãnh đạo quan tâm tới nông thôn? Để rồi cuối cùng phải lo sốt vó lên tìm cách nào để giữ cho bằng được 3,8 triệu ha đất lúa cho đến năm 2020. Kết quả của quyết tâm giữ đất lúa ấy thật đáng lo ngại vì xu hướng lấy đất lúa phục vụ cho lợi ích khác đang là một trào lưu không có điểm dừng trong cơn mê lợi ích của các địa phương.

Công nghiệp hóa thì rất tốt, là một chủ trương đúng đắn nhưng… sao không lấy đất vùng đồi núi, vùng đất khô cằn không phát triển nông nghiệp được để xây dựng các khu công nghiệp mà cứ “đè” đất thuộc dạng “bờ xôi ruộng mật” của người nông dân ra mà “bóp cổ”!? Thất nghiệp và nguy cơ nghèo đói là lời cảnh báo về hậu quả của việc nông dân mất đất canh tác đã được đưa ra từ lâu. Song, tất cả những hậu quả đã cảnh báo và đang diễn ra ấy dường như không thể tác động tới các quyết định giao đất đầy khát khao của một số lãnh đạo địa phương cho các đầu tư này.

Việc chạy theo lợi ích là một xu hướng tất yếu. Và đất lúa mất đi cũng là điều dễ hiểu khi giá trị của mỗi hécta được chuyển đổi có sự chênh lệch quá rõ ràng. Không ít những nhà đầu tư ngụy biện rằng, họ đang thực thi sự hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước, rằng họ đã đền bù cho người nông dân một khoản tiền kếch xù… Nhưng không ít các nhà đầu tư ấy đã lừa mị những người nông dân nghèo đói và chưa bao giờ có nhiều tiền bạc!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những chia sẻ sâu sắc về ba cuộc cách mạng của người nông dân. Cuộc cách mạng thứ nhất là khi người nông dân thoát khỏi ách nô lệ và được chia ruộng đất. Cuộc cách mạng thứ hai là khi người nông dân được toàn quyền canh tác trên ruộng đồng của mình. Khởi đầu cuộc cách mạng này chính là “Khoán 100”, sau đó là “Khoán 10”. Kỳ tích khoán sản phẩm trong nông nghiệp đó đã đưa nông nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi thời kinh tế tự cung tự cấp, tạo dựng vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo cho đất nước trên thị trường thế giới. Và có cách mạng thứ ba mà người nông dân đợi chờ, đó là cuộc cách mạng về tư duy canh tác trên cánh đồng của họ.

Để cho đời sống của người nông dân hay nông nghiệp Việt Nam thực sự có một bước ngoặt lớn cần phải có cuộc cách mạng thứ ba. Nhưng khi cuộc cách mạng thứ ba mới bắt đầu thì một biến động lớn đã xảy đến với họ. Đó là nhu cầu chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế để phát triển đã làm thu hẹp ruộng đồng. Những người nông dân cho dù cố để bảo vệ ruộng đồng của họ thì cuối cùng vẫn bị phá vỡ. Họ không có khả năng chống cự lâu dài được. Đến lúc đó, có những điều tồi tệ sẽ đến. Và vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một trong những điều tồi tệ đó.

Vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã cho thấy một cách xử lý bất hợp lý của chính quyền địa phương với người nông dân. Song điều hệ trọng hơn là chính quyền đã không hiểu và không có cảm xúc về lịch sử và công lao của người nông dân với ruộng đồng của họ. Để có được cơ ngơi như hiện nay, gia đình ông Đoàn VănVươn đã hy sinh bao công sức hơn mười năm trời cùng bao buồn vui, cười khóc. Nếu hiểu biết và có khả năng rung cảm trước điều ấy, không một chính quyền nào lại hành xử như Tiên Lãng đã hành xử.

Chính quyền địa phương có thể thỏa thuận với gia đình anh Vươn để có quyết định đúng nhất vừa đảm bảo cho lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người dân. Cụ thể trong trường hợp này, không thể để cho những người đấu thầu khác lấy tiền để đẩy gia đình ông Vươn ra khỏi nơi họ đã đổ mồ hôi, nước mắt để xây dựng lên. Nếu áp dụng luật như vậy, những người nhiều tiền sẽ từng bước đẩy những người nghèo ra khỏi mảnh đất mà có khi cả mấy đời trong gia đình họ đã tạo dựng và bảo vệ có khi bằng cả máu.

Một gia đình chuẩn bị vũ khí một cách “chu đáo” để chống lại những người của chính quyền đến nay vẫn nằm ngoài trí tưởng tượng của tôi và tôi tin là của tất cả mọi người. Chính cách quản lý và hành xử của chính quyền huyện Tiên Lãng đã đẩy gia đình ông Vươn vào tình huống phạm pháp. Luật pháp Nhà nước ta không phải như thế. Sự kiện Tiên Lãng làm cho tất cả những người hiểu biết và có lương tâm đau đớn và cay đắng lòng! Đau lòng về cái khổ của người nông dân. Nông dân thời nào cũng khổ cả!

Trúc Lê