Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thần dược trị hiếm muộn?

08:24 | 28/09/2011

6,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM, một sản phụ 21 tuổi đã làm bác sĩ "toát" mồ hôi vì ca mổ sinh tư, đây là một trường hợp đa thai do sử dụng thuốc kích thích trứng mà thiếu sự theo dõi thường xuyên. Các bác sĩ cảnh báo dùng thuốc kích thích buồng trứng (KTBT) mà không có chỉ định, theo dõi, điều trị của bác sĩ chuyên khoa dễ dẫn tới vô sinh, con dị tật, đa thai, sinh non…

Buồng trứng "teo” vì thuốc KTBT

Tại khoa Hiếm muộn của BV Từ Dũ TP HCM số phụ nữ mới lập gia đình chưa có dấu hiệu hiếm muộn đến đề nghị sử dụng thuốc KTBT đang tăng lên trong thời gian gần đây. Nhiều người rỉ tai nhau rằng việc sử dụng thuốc KTBT sẽ mau có thai nên nhiều phụ nữ tìm đến loại thuốc này. Khi được các bác sĩ hỏi nhiều người có thể đọc vanh vách tên, giá bán các loại thuốc dùng để KTBT.

L.T.T (Q.3, TP HCM) lấy chồng được 3 tháng, T có thai tự nhiên được 1 tháng thì sẩy. Sáu tháng sau T có thai lại nhưng cũng không giữ được. Sốt ruột T đã đi điều trị và được cho uống nhiều loại thuốc từ thuốc tránh sẩy thai đến thuốc KTBT nhưng T tiếp tục sẩy thai 2 lần nữa một lần được 4 tháng thì hỏng, 1 lần chửa ngoài dạ con nên phải cắt bỏ một buồng trứng. Lo sợ bị vô sinh nên từ đó, T liên tục tự ý dùng thuốc kích trứng nhưng vẫn không có thai. Tới nay, bác sĩ kết luận buồng trứng còn lại của T đã bị teo và khả năng có con là không thể.

Người chờ khám hiếm muộn tại BV Từ Dũ TP HCM

Chị P.T.H (26 tuổi, Q. Tân Bình, TP HCM) lập gia đình được hơn một năm, siêu âm buồng trứng vẫn bình thường, nhưng do sợ chậm con nên đã tìm đến một phòng mạch tư để tư vấn sử dụng thuốc giục trứng “mau chín”. Chị đã mua thuốc KTBT ở các tiệm thuốc Tây, uống ba viên/ngày. Kết quả sau một thời gian tự uống thuốc chị bị đau bụng dữ dội và xuất huyết bất thường. Bác sĩ xác định chị bị quá kích buồng trứng, nang trứng bị vỡ, gây xuất huyết do uống thuốc KTBT.

Đó là những trường hợp dùng thuốc KTBT để lại hậu quả đáng tiếc. ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc BV Từ Dũ cảnh báo: “Nhiều phụ nữ đã tự tìm mua và uống để “giục” trứng chín sớm. Không chỉ uống một tháng mà họ còn uống trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Trong khi các loại thuốc KTBT đều là thuốc phải có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của BS. Nếu tự mua uống, có thể không đạt hiệu quả mong muốn mà còn dễ xảy ra những tác dụng phụ như đa thai, sinh non. Ngoài ra, nếu lạm dụng thuốc KTBT sẽ trở nên không đáp ứng với thuốc”.

Thần dược điều trị hiếm muộn?

Hiện nay, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội đầy rẫy những hướng dẫn uống, tiêm các loại thuốc KTBT, xem đó như một “thần dược” để điều trị hiếm muộn. Mặc dù thuốc KTBT chỉ áp dụng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn được BS chỉ định và theo dõi chặt, nhưng nhiều phụ nữ bình thường, không có bệnh lý vẫn mua thuốc để thúc trứng chín. Lướt một số diễn đàn có thể thấy rất nhiều “lời khuyên” và những kết quả “ngoài mong đợi” khi sử dụng thuốc KTBT như: “sẽ có con ngay đấy! tôi đã dùng rồi hiệu quả lắm”… Theo lời của các chị em, hầu như các nhà thuốc đều có bán loại thuốc này.

Tại các nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), Lê Văn Sĩ (quận 3), Tô Hiến Thành (quận 10)…, chỉ cần hỏi mua thuốc KTBT là sẽ được giới thiệu ngay các loại như: Clomid (23.000 – 25.000 đồng/viên), Clomifene (4.000 – 4.500 đồng/viên), Profertil (5.200 – 5.700 đồng/viên), Duinum (5.000 đồng/viên) mà chẳng cần toa của BS.

Dãy nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP HCM khi được hỏi loại thuốc KTBT, tiệm nào cũng trả lời có. Ngoài danh sách các loại thuốc kích thích trứng do chúng tôi đưa ra, nhân viên nhà thuốc còn nhiệt tình giới thiệu thêm một số loại thuốc có cùng công thức, của các hãng dược khác nhau.

Các BS đều cảnh báo: Thuốc KTBT không nằm trong danh mục thuốc thiết yếu, chỉ có những người rụng trứng không thường xuyên hoặc các tế bào trứng không thể trưởng thành để có thể thụ thai… mới được chỉ định dùng. Thuốc dẫn đến nguy cơ đa thai, tạo ra nhiều nguy hiểm cho cả thai phụ lẫn thai nhi. Khi dùng thuốc này, thai phụ có nguy cơ đẻ non, thai nhi bị tật nguyền mà đáng sợ nhất là điếc, mù mắt, trí tuệ kém phát triển… Người mẹ có khả năng bị nhiễm độc thai nghén, nhau tiền đạo, băng huyết…

Lợi bất cập hại

Theo các BS, nếu hiếm muộn do những nguyên nhân như tắc dính ống dẫn trứng, do u xơ tử cung… việc điều trị chỉ là phẫu thuật gỡ dính, bóc nhân xơ… Vì thế, nhiều chị em cứ đề nghị được dùng các thuốc kích thích rụng trứng cho trường hợp vô sinh của mình là điều không thích hợp.

Nếu nguyên nhân do rối loạn phóng noãn thì mới cần KTBT. Thuốc KTBT chia thành hai nhóm: uống và chích. Dạng uống chủ yếu chứa dược chất clomiphene citrate, khá rẻ tiền, dễ mua nhưng có thể làm nội mạc tử cung mỏng nên giảm khả năng thai làm tổ. Thuốc KTBT dạng chích tuy có hiệu quả cao nhưng phải đến cơ sở y tế, có chỉ định của BS, vì dễ có nguy cơ quá kích buồng trứng.

ThS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Trưởng khoa Hiếm muộn, Phó giám đốc BV Từ Dũ cho biết: Chỉ định dùng thuốc kích thích buồng trứng chỉ áp dụng đối với bệnh nhân hiếm muộn. Lượng thuốc chích tùy theo mỗi người, 50-450 đơn vị/ngày, trung bình chích là 10-12 ngày, một số đáp ứng kém thì 15-20 ngày. Nếu uống thì dùng 5 ngày.

Bốn trẻ sinh tư tại BV Nhân dân Gia Định - trường hợp đa thai do sản phụ dùng thuốc kích thích trứng

Theo BS. Tuyết, khi dùng thuốc KTBT, đặc biệt là thuốc dạng chích sẽ đối diện hai biến chứng thường gặp là quá kích buồng trứng và đa thai, tức có nhiều trứng rụng một lúc. Đa thai sẽ làm cho mẹ và con gặp nhiều nguy hiểm như: Đối với mẹ sẽ gây cao huyết áp, tiểu đường, còn với con thì dễ bị sinh non, dễ mắc các bệnh lý sơ sinh. Ở BV Từ Dũ, khi bệnh nhân được kích thích buồng trứng và có thai rồi sẽ hẹn 6-7 tuần siêu âm, đánh giá xem có bao nhiêu thai. Nếu trên hai thai sẽ chỉ định chủ động can thiệp giảm thai, ba giảm một, bốn giảm hai.

ThS.BS Hồ Mạnh Tường – Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM cho biết: Ở Việt Nam, thuốc KTBT được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên phải cẩn thận theo dõi tác dụng phụ và tư vấn cho bệnh nhân. Việc KTBT thì vấn đề đa thai dễ xảy ra, quan trọng nhất là theo dõi và tư vấn giảm thai.

Theo các chuyên gia phụ sản, việc sử dụng nhiều lần thuốc kích trứng, tức là ép quả trứng chín sớm, trứng bị thúc chín liên tục sẽ khiến buồng trứng hết những nang trứng nguyên thủy khiến nguy cơ hiếm muộn trở nên nghiêm trọng hơn, hết trứng và trứng teo đét. Đôi khi biến từ vô sinh “giả” trở thành vô sinh thật. Hơn nữa các thuốc kích thích rụng trứng đều là các chất nội tiết nếu sử dụng không đúng sẽ không chỉ không hiệu quả mà có thể còn gây nhiều rối loạn về nội tiết và sức khỏe của người phụ nữ.

Mai Phương