Tập đoàn vận hành đập Tam Hiệp bán 4 tỷ USD cổ phần để trả bớt số nợ khủng
Cụ thể, Tập đoàn Tam Hiệp đã đề cập với các quỹ có chủ quyền tại nước ngoài như GIC Pte, Singapore và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) về việc bán lại cổ phần thiểu số chiếm từ 10% đến 20% tài sản quốc tế của Tập đoàn Tam Hiệp để giải quyết các vấn đề tài chính.
Căng thẳng địa chính trị và sự kiểm soát gắt gao từ Mỹ và châu Âu được đánh giá là nguyên nhân khiến Tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong thời gian qua. Ảnh: Getty |
Động thái này của tập đoàn trên diễn ra trong bối cảnh sắp xếp lại các tài sản tại nước ngoài của họ thành một đơn vị riêng biệt, theo Bloomberg đã đưa tin vào tháng 12 năm ngoái. Theo đó, tập đoàn này đã thảo luận với các chuyên gia về việc thành lập một tổ chức đóng vai trò nắm giữ tài sản quốc tế và thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Các nguồn tin cho biết, toàn bộ các danh mục đầu tư ở nước ngoài của Tập đoàn Tam Hiệp có tổng số tiền lên tới 20 tỷ USD. Tuy nhiên, quy mô cổ phần vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào tài sản cuối cùng được đưa vào thương vụ. Công ty cho biết vẫn đang tiếp tục xem xét và chưa có quyết định cuối cùng.
Việc bán cổ phần thiểu số sẽ giúp Tam Hiệp giải quyết một phần số nợ và đáp ứng yêu cầu của chính phủ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nhà nước về việc thực hiện cải cách sở hữu – một chính sách nhằm tăng hiệu quả và khả năng của doanh nghiệp.
Tuy vậy, vấn đề giải quyết nợ này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến do các yếu tố ảnh hưởng như lũ lụt nghiêm trọng của phía Nam Trung Quốc trong thời gian qua – khiến hơn 2 triệu người dân sinh sống dọc sông Dương Tử phải sơ tán và những khó khăn đang diễn ra kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Hiện, vẫn chưa có bình luận nào từ đại diện của phía GIC Pte Singapore và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) về vấn đề này.
Tập đoàn Tam Hiệp đã mua lại tài sản ở nước ngoài trong thập kỷ qua khi Bắc Kinh khuyến khích đầu tư vào ngành điện toàn cầu. Theo Bloomberg, công ty này đã mua gần 14 tỷ USD tài sản từ châu Âu đến Mỹ Latinh trong thập kỷ qua.
Tập đoàn Tam Hiệp đã mua lại tài sản ở nước ngoài trong thập kỷ qua khi Bắc Kinh khuyến khích đầu tư vào ngành điện toàn cầu. Ảnh: Getty |
Vào tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước này đã giành được thỏa thuận ngoạn mục ở châu Âu, chiến thắng trong cuộc đua để mua lại danh mục đầu tư 13 dự án của nhà máy năng lượng mặt trời có công suất 572 MW thuộc sở hữu của công ty Mỹ-Canada X-Elio có trụ sở tại Madrid, Tây Ban Nha.
Chiến thắng của Tập đoàn Tam Hiệp đại diện cho một thỏa thuận ở nước ngoài hiếm hoi của một công ty Trung Quốc khi các chính phủ ở châu Âu và Mỹ tăng cường giám sát các khoản đầu tư trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang.
Hàng chục công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì tham gia xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tập đoàn Tam Hiệp đối mặt với trừng phạt đầu tiên của Mỹ sau khi bị Lầu Năm Góc xác định là công ty thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Quốc.
Cũng theo Bloomberg, trong nửa đầu năm 2020, khối lượng các thương vụ mua lại ở nước ngoài của Trung Quốc đã giảm 34% xuống còn 24,5 tỷ USD, mức thấp nhất cùng kỳ kể từ năm 2012.
Theo Dân trí