Tăng trưởng kinh tế năm 2018: Thách thức không nhỏ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng:
Mặc dù kết quả đạt được trong quý I có chuyển biến tích cực nhưng không được chủ quan. Với các kịch bản đặt ra, Chính phủ kiên định và nhất quán mục tiêu tăng trưởng 6,7%, tuy nhiên để làm được điều này cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là các nhân tố sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và đầu tư.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Mục tiêu tăng trưởng 6,7% thực sự là thách thức
Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang phấn đấu đạt mục tiêu do Quốc hội đặt ra là năm 2018 tăng trưởng GDP 6,5-6,7%.
Trước hết, cần phân tích đánh giá về tiềm lực của nền kinh tế, bối cảnh kinh tế trong nước, bối cảnh có thể xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi cho rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài. Chúng ta đã biết cách đây 2 tuần, Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế hàng xuất khẩu từ Trung Quốc trị giá 60 tỉ USD và sau đó Trung Quốc trả đũa là đánh thuế nhập khẩu đậu tương của Mỹ vào Trung Quốc khoảng 20 tỉ USD. Nhưng gần đây thì giọng điệu của cả hai bên đều nhẹ đi rất nhiều. Tôi cho rằng chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc trên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Điều tôi lo lắng nhất là chính sách cải cách và giảm thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Năm 2018 là đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đây cũng là cam kết của Tổng thống Donal Trump về giảm thuế, tạo việc làm. Các nhà kinh tế đánh giá có mặt được và chưa được. Mặt được là sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, ngược lại sẽ có những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại toàn cầu. Trước hết, giảm thuế sẽ tăng tiêu dùng của người dân, chi tiêu ngân sách tăng lên sẽ giảm cán cân thương mại dẫn đến Mỹ phải thắt chặt tài khóa, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Thứ hai là khi cắt giảm thuế thì các DN Mỹ, các nhà đầu tư Mỹ sẽ giảm đầu tư ra nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài thấy Mỹ có thuế thấp sẽ đầu tư vào Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường tiền tệ và thương mại từ dòng vốn đầu tư của Mỹ. Thứ ba là môi trường tài chính quốc tế sẽ xuất hiện những yếu tố khó lường. Đây là điều mà chúng ta phải quan tâm.
GDP quý I/2018 ước tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ, du lịch tăng 6,7%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm. |
Nếu đối chiếu với kịch bản tăng trưởng kinh tế của năm 2017, quý I/2018 tăng trưởng 7,38% với yếu tố mùa vụ quý sau cao hơn quý trước của nhiều năm trước đây, nhiều người cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2018 sẽ hoàn thành dễ dàng. Nhưng chúng tôi cho rằng, GDP vẫn tăng trưởng qua từng quý, nhưng không có chuyện tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước nếu không có các giải pháp tạo ra các động lực để thúc đẩy nền kinh tế. Dưới sự phân tích của chúng tôi về năng lực sản xuất trong nước, luồng đầu tư nước ngoài, thì để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% là không phải chuyện đơn giản.
Nguyên nhân do độ mở của nền kinh tế (xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ/GDP) rất cao. Trong năm 2017, độ mở tới 200%. Độ mở của nền kinh tế phụ thuộc vào tổng cầu của thế giới. Nếu tổng cầu của thế giới theo dự báo của IMF và một số tổ chức kinh tế quốc tế về bức tranh kinh tế toàn cầu tốt thì chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi về xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, trong năm 2018 có một động lực nữa là tổng cầu trong nước về bán lẻ và tiêu dùng dân cư cũng tăng nhanh (khoảng 17%).
Một động lực nữa là khu vực nông, lâm, thủy sản tăng nhanh nhất trong vòng nhiều năm qua. Thể hiện rõ ràng nhất là giá nội bộ các sản phẩm nông nghiệp tăng cao. Tái cơ cấu trong ngành nông nghiệp là một trong những nhóm giải pháp quan trọng thời gian tới.
Có thể nói rằng, mục tiêu của Chính phủ đạt mức tăng trưởng 6,7% là một thách thức thật sự của tất cả các DN, các bộ, ngành, địa phương chứ không phải việc quý I đạt mức tăng trưởng cao mà nghiễm nhiên cả năm sẽ đạt mức tăng trưởng đề ra.
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Đỗ Thị Ngọc: Phải nỗ lực kiểm soát lạm phát
Với chính sách về kinh tế của Tổng thống Mỹ Donal Trump, rất nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, với chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sự thay đổi lãi suất của Mỹ sẽ ảnh hưởng rất ít đến kinh tế nước ta. Bởi chính sách điều hành tiền tệ của chúng ta rất linh hoạt và kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Phương thức điều hành là chúng ta tính tỉ giá trung tâm theo 8 đồng tiền chính. Do đó, tỉ giá của Việt Nam không phụ thuộc vào tỉ giá của riêng đồng USD. Bởi vậy, tỉ giá của chúng ta sẽ linh hoạt với biên độ cộng trừ 3%. Những ngày vừa qua, tỉ giá có tăng nhưng vẫn trong khoảng 3%. Bởi vậy tôi tin rằng, tỉ giá trong năm nay chắc chắn vẫn ổn định, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2018.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong 3 tháng qua tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ chính có 8 nhóm hàng giảm giá gồm: giao thông; dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; đồ uống và thuốc lá; may mặc; văn hóa giải trí và du lịch; bưu chính viễn thông; hàng hóa và dịch vụ khác. |
Giá dầu thô trong quý I/2018 trung bình khoảng 67USD/thùng, tăng so với quý I/2017 khoảng hơn 20%. Dự báo của các tổ chức quốc tế giá dầu thô sẽ tăng khoảng 70-80USD/thùng. Nguyên nhân giá dầu thô tăng do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) thực hiện cam kết về sản lượng khai thác, đồng thời nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới trong thời gian qua cũng tăng cao. Do đó, rất nhiều nước trên thế giới đã dự báo giá dầu có thể đạt tới 80USD/thùng. Giá dầu thô cao sẽ góp phần đẩy giá tiêu dùng lên cao, tăng nguy cơ lạm phát vào cuối năm.
Bởi vậy, Tổng cục Thống kê đã xây dựng ba kịch bản về lạm phát. Trong đó có 2 kịch bản chuyên ngành theo mục tiêu Quốc hội đặt ra là dưới 4%. Kịch bản thứ ba là giá dầu tăng rất mạnh trong cuối năm nay thì chỉ số giá sẽ tăng quá 4%. Trong nhiều chỉ số đặc thù thì chỉ số giá tháng 12-2017 sẽ cao hơn mức bình quân cả năm. Nhưng năm nay, chúng tôi cho rằng chỉ số giá tháng 12 sẽ thấp hơn chỉ số giá bình quân cả năm. Chúng tôi đã trình các kịch bản cho Chính phủ để trình Quốc hội và sử dụng lạm phát bình quân để đánh giá lạm phát cả năm theo đúng thông lệ quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp Phạm Đình Thúy: GDP quý I tăng trưởng cao là đúng thực tế
Kinh tế Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc so với nhiều năm trước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Có thể nói, quý I năm nay có sự tăng trưởng ở tất cả các ngành, ngoại trừ ngành khai thác nước và xử lý chất thải. Đặc biệt là ngành chế biến chế tạo quý I tăng trưởng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo có nhiều ngành, trong đó lớn nhất là ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm linh kiện. Đây là ngành đang thu hút đầu tư nước ngoài cao, trong đó sản xuất điện thoại và linh kiện. Đặc biệt, Samsung là tập đoàn xuyên quốc gia, trong năm 2010 chỉ đóng góp 10% thì đến nay đã đóng góp 17,8% cho công nghiệp Việt Nam, riêng xuất nhập khẩu mặt hàng điện thoại di động và linh kiện đã chiếm 58,8%. Nhưng với kế hoạch sản xuất của Samsung thì các quý còn lại trong năm nay sẽ chỉ có mức tăng trưởng khá, tốc độ sẽ chậm lại, ảnh hưởng chung đến tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Formosa là năm thứ 2 sản xuất và có tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên Formosa dự kiến tăng trưởng 26,7% với các sản phẩm chính như than cốc, thép, điện. Trong tương lai, tập đoàn này sẽ sản xuất rất nhiều sản phẩm tiên tiến và sẽ có đóng góp lớn vào phát triển công nghiệp.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I/2018 ước khoảng 54 triệu người, tăng 622,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2017. Lao động trong khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản khoảng 20,9 triệu người (38,6%), khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 14,4 triệu người (26,7%); khu vực dịch vụ du lịch khoảng 18,7 triệu người (34,7%). |
Chúng tôi kỳ vọng với sự phát triển nhanh và mạnh của các DN trong nước sẽ đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế nước ta trong những năm tới, giảm sự phụ thuộc vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Một số người cho rằng, GDP quý I/2018 tăng trưởng đột biến. Thực chất các chỉ số trong tháng 1 và 2 đều có mức tăng trưởng tốt. Chẳng hạn như chỉ số công nghiệp (IIP) của các ngành công nghiệp nói chung tăng trưởng tốt và thương mại, du lịch cũng tăng trưởng tốt.
Động lực để quý I tăng trưởng cao có rất nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến là nông nghiệp đã tăng trưởng trở lại. Phải nói là sau 13 năm thì nông nghiệp mới có mức tăng trưởng trên 4%, điều này cho thấy rằng không chỉ là khu vực FDI hay các công ty lớn mà rất nhiều DN nông nghiệp tăng trưởng. Cụ thể như sản xuất lúa tăng 5,4%, gia cầm 6,8%...
Thứ hai là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 13,56%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng dương trong nhiều năm đã đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả nước.
Thứ ba là lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 30%. Mặc dù khách du lịch quốc tế có đóng góp không lớn nhưng lại có mức độ ảnh hưởng (gián tiếp và lan tỏa) đến tất cả các ngành khác của Việt Nam như thương mại, vận tải, khách sạn, nhà hàng và cả tài chính, dịch vụ y tế…
Đáng chú ý, đời sống của người dân đang được cải thiện, tăng cao mức độ tiêu dùng trên cả nước. Theo chúng tôi thống kê được thì có đến 30 tỉnh, thành phố báo cáo đời sống dân cư được cải thiện, 31 tỉnh báo cáo đời sống dân cư ổn định và chỉ có 2 tỉnh báo cáo là đời sống nhân dân giảm nhẹ. Điều này khẳng định là đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Về mặt xuất khẩu thì chúng ta cũng đạt tăng trưởng tốt khi xuất siêu 1,3 tỉ USD.
Liên quan đến tình hình sử dụng điện cũng cho thấy tăng trưởng cao như điện trong nông nghiệp tăng 25,6%, công nghiệp tăng 12,3%, khách sạn nhà hàng tăng 15,1%... và tiêu dùng điện dân cư tăng 6%, cao hơn bình quân của năm 2017.
Vấn đề đáng quan tâm nữa là tốc độ giải ngân vốn đầu tư cũng nhanh hơn các năm trước rất nhiều do Chính phủ quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 đã xác định một số chỉ tiêu quan trọng gồm: phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,7%; kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 8-10%; kiểm soát nhập siêu dưới 3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10%… |
Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018: Chủ trì Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đại biểu đến từ địa phương; doanh nghiệp tập trung nêu các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, gắn với điều kiện thực tế của mỗi vùng, mỗi ngành, mỗi địa phương. Trên cơ sở đó, cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển phù hợp, đặc biệt với các bộ, ngành, địa phương, xây dựng lộ trình để quy hoạch. Đồng thời xác định các dự án đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư, huy động nguồn lực; khắc phục tình trạng trì trệ, khó khăn, đề ra những giải pháp khắc phục, đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực. Để thúc đẩy tăng trưởng trong quý II và cả năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, mở rộng thị trường; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, các công trình còn đang dở dang của mọi thành phần kinh tế thuộc lĩnh vực công nghiệp để hướng tới tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương phát triển thị trường để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, coi trọng thị trường nội địa, hoạt động bán lẻ. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là nông sản; tích cực ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tạo sự công bằng và nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, từ đó khắc phục tình trạng đầu tư tự phát dẫn đến dư thừa sản phẩm; xây dựng kịch bản phát triển và sản xuất nông sản theo hướng an toàn, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và đầu tư lâu dài cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, tạo cơ sở hạ tầng vững chắc, đóng góp cho tăng trưởng. Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh hoạt động cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương thúc đẩy triển khai các hoạt động khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ từ Trung ương đến địa phương, nắm chắc tình hình sản xuất trên địa bàn, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động tốt trên địa bàn. |
Thành Công
-
Sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các vướng mắc hiện nay
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt
-
VLF 2024: Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics
-
Ả Rập Xê Út có thể cắt giảm giá dầu tháng 12 cho châu Á
-
Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế