Tăng thuế 5.000 đồng mỗi bao thuốc lá sẽ giảm 1,8 triệu người hút thuốc
Toàn cảnh hội thảo |
Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc lá. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%. Việt Nam đã và đang chịu gánh nặng bệnh tật và kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá.
Năm 2015, tổng số tiền người dân Việt Nam bỏ ra mua thuốc lá lên tới 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, 24.000 tỷ đồng (tương đương gần 1% tổng GDP cả nước 2011) là tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra, bao gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Phó trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Jun Nakagawa phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Jun Nakagawa, Phó trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, thuốc lá đang gây ra tổn thất lớn về sức khỏe và kinh tế trên toàn cầu và ở Việt Nam. Hút thuốc lá gây ra 7,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, bao gồm gần 900 nghìn ca tử vong do phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, hút thuốc lá gây ra tổn thất hơn 1.400 tỷ USD trên toàn cầu.
Phó trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra 24-28% tử vong sớm ở nam giới Việt Nam trên 35 tuổi, hơn 40.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên đến 70.000 người chết vào năm 2033 trừ khi các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả được thực hiện.
Một trong các lý do chính cho tỷ lệ hút thuốc cao ở Việt Nam là do giá thuốc lá thấp, với mức giá sếp thứ 19 trong số 20 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Đổi lại, giá thấp là do thuế thấp. Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ. Đây là mức thấp nhất trong số các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, hệ thống thuế ở Việt Nam chỉ dựa vào thuế theo tỷ lệ, tạo ra khoảng cách giá lớn và có nhiều thuốc lá giá rẻ hơn, và dễ gây ra kẽ hở cho chuyển giá. Mặt khác, một hệ thống thuế tuyệt đối sẽ giúp giảm hút thuốc lá ở trẻ em và giúp dễ dàng quản lý thu thuế.
WHO đề xuất một hệ thống thuế hỗn hợp bằng cách áp dụng bổ xung thuế tuyệt đối trên hệ thống thuế cụ thể hiện tại. Với mức tăng thuế 5.000 đồng/bao thuốc sẽ giúp giảm 1,8 triệu người hút thuốc và giúp ngăn ngừa gần một triệu người chết sớm trong tương lai.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo |
Chia sẻ về lợi ích của chính sách thuế thuốc lá, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế là "tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ", thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%). Vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất, với mức giá tính theo đô la quốc tế ngang bằng sức mua đô la PPP, đứng thứ 19 trên 20 nước có số liệu ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế ủng hộ đề xuất tăng thuế TTĐB thuốc lá với phương án bổ sung thuế tuyệt đối của Bộ Tài chính, vì thuế tuyệt đối có tác động lên giá bán một cách chắc chắn hơn, tránh được hiện tượng chuyển giá của nhà sản xuất, giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, giảm các sản phẩm thuốc lá siêu rẻ, tác động đến mục tiêu y tế công cộng tốt hơn, cụ thể giảm tỷ lệ hút thuốc nhiều hơn, hiệu quả cao hơn trong việc ngăn ngừa sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất thuế TTĐB với thuốc lá cần được tăng ít nhất ở mức 5.000 đồng/bao thuốc. Mức thuế này có thể giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.
Đánh giá tác động của thuế thuốc lá đối với sản lượng và việc làm ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Đại học Thương mại chia sẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy lao động trong ngành thuốc lá ở Việt Nam chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế (226.276 việc làm năm 2016, chiếm 0,42%), trong đó bao gồm 7.845 lao động làm trực tiếp trong ngành sản xuất thuốc lá, 51.511 lao động trong lĩnh vực trồng cây thuốc lá và 166.920 lao động trong lĩnh vực phân phối thuốc lá.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tăng thuế thuốc lá cao hơn còn có tác động tích cực đến việc làm trong toàn bộ nền kinh tế. Tổng số việc làm trong nền kinh tế sẽ tăng lên từ 13.999 đến 33.831 lao động khi mô phỏng tăng thuế thuốc lá theo các phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 VND và 5.000 VND bên cạnh mức thuế suất theo tỷ lệ hiện hành.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hiền, kết quả này cũng tương đồng với báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm 2017: "Giảm nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không có nghĩa là giảm tổng mức công ăn việc làm của nền kinh tế. Khoản chi tiêu mà những người hút thuốc dùng mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hóa và dịch vụ khác, thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm khác thay thế cho việc làm mất đi trong công nghiệp thuốc lá. Điều này sẽ tạo thêm việc làm cho nền kinh tế".
Nguyễn Hoan
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có Chủ tịch mới |
Phụ nữ Việt phơi nhiễm với khói thuốc lá |
Tập trung kiểm soát thị trường bán lẻ thuốc lá |
-
“Hãy ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt”
-
75% người mắc bệnh ung thư nguy hiểm hàng đầu ở Việt Nam phát hiện muộn
-
Ung thư gia tăng ở người trẻ, giảm ở người già
-
Tìm hiểu về căn bệnh được ví như “chết đuối trên cạn”
-
Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam 2022