Tăng giá điện, sử dụng 200 kWh/tháng phải trả thêm bao nhiêu?
Ảnh minh hoạ |
Kể từ ngày 20/3, theo Quyết định của Bộ Công Thương, giá điện bán lẻ bình quân sẽ được điều chỉnh tăng 8,36%, lên 1.864,44 đồng/kWh. Tại buổi Toạ đàm với chủ đề “Tăng giá điện – Góc nhìn từ nhiều phía” mới đây, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, đã đưa ra những tính toán cụ thể về tác động của việc tăng giá điện đối với các hộ gia đình sử dụng điện.
Theo ông Tri, hiện nay, cả nước có khoảng trên 26 triệu hộ sử dụng điện. Nhóm hộ sử dụng điện chiếm tỷ trọng cao từ 100 kWh-200 kWh/tháng chiếm khoảng 38,7%. Sau đó đến các hộ sử dụng dưới mức 100 kWh/tháng, chiếm khoảng 22% và các hộ khác có tỷ lệ thấp hơn.
Với việc tăng giá điện 8,36%, hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng tăng thêm khoảng 7.000 đồng. Hộ sử dụng đến 100 kWh/tháng trả thêm khoảng 14.000 đồng. Hộ sử dụng 200 kWh/tháng trả thêm 31 000 đồng. Hộ sử dụng 300kWh/tháng trả thêm 53.000 đồng.
“Hộ nào càng tiêu thụ nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền, chính vì vậy Chính phủ kêu gọi mọi người tiết kiệm điện, tránh sử dụng lãng phí”, ông Tri nói.
Cùng đề cập đến vấn đề tác động của việc tăng giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thông tin thêm, một trong những căn cứ để điều chỉnh giá điện là xem xét hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách. Việc tính toán cơ cấu bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ và vẫn đang hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách là 30 kWh/tháng với điều kiện họ sử dụng dưới 50 kWh/tháng. Với biểu giá điện mới này, hằng tháng Nhà nước đang hỗ trợ cho mỗi một hộ trên 50.000 đồng trực tiếp để mua điện.
Theo thông kê của Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, năm 2018 chúng ta có khoảng 2,17 triệu hộ nghèo, hộ chính sách. Vậy ngân sách hàng năm bỏ trên 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Bên cạnh đó, chính sách bán giá điện cho các hộ sử dụng điện ít với mức dưới giá bán bình quân.
Trong khi đó, theo báo cáo của EVN, năm 2018 chúng ta có 9,22 triệu hộ sử dụng điện dưới 100 kW/h, chiếm 35,6% tổng lượng khách hàng sinh hoạt. Mức giá này đã được tính toán kỹ để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, trong quá trình xây dựng kịch bản điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô, cụ thể tăng CPI lên 0,29%, GPI lên 0,17% và GDP lên 0,22%.
“Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc chúng ta điều chỉnh giá điện lên 8,36% từ ngày 20/3/2019 vẫn đảm bảo chỉ số CPI tăng trong khoảng 3,3% - 3,9% (dưới 4% mà Quốc hội giao cho Chính phủ)”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Hà Lê
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
BP bán cổ phần trong hoạt động kinh doanh gió ngoài khơi
-
Giá dầu hôm nay (21/10): Dầu thô giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/10: Giá dầu sáng nay tăng nhẹ