Tăng cơ hội hưởng lương hưu cho người lao động
Khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH, hưởng lương hưu
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được Chính phủ hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Dự thảo có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, trong đó có quy định giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.
Chính phủ đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là cơ hội cho nhiều người lao động có lương hưu. Ảnh: Thanh Hải |
Theo đó, người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện có 15 năm đóng BHXH được nghỉ hưu khi đủ tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động. Dự thảo Luật cũng bổ sung cách tính tỷ lệ lương hưu với lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm tới dưới 20 năm, thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù trong thời gian ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH để có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Thực tiễn cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách BHXH một lần, trong 7 năm (từ 2016 – 2022) cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Và trong số này, có khoảng gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia BHXH (chiếm 26% số lượt người hưởng BHXH một lần).
Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi) thấy rằng, quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và cũng là ý kiến của một số cơ quan của Quốc hội khi tham gia thẩm tra dự án Luật.
Quy định này nhằm tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần có thể tham gia hoặc quay lại tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. Việc điều chỉnh thời gian tham gia BHXH được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, cũng như góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống…
Những người lao động hưởng mức lương hưu hàng tháng tương ứng với thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người đóng thời gian dài và đầy đủ. Nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi họ về già.
Người lao động tiếp cận gần hơn chế độ hưu trí
Đề xuất này cũng được nhiều chuyên gia lao động đồng tình. Bởi thời gian qua, có tới 76% người lao động khi rút BHXH một lần không quay lại hệ thống. Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết: "Việc sửa đổi điều kiện thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu xuống 15 năm là rất tốt, giúp nhiều người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình đóng gián đoạn có thể được hưởng mức lương hưu tối thiểu. Còn bảo hiểm hưu trí thì mong muốn người lao động đóng nhiều năm để hưởng lương hưu cao".
Đối với nhiều người lao động, nhất là những người trực tiếp sản xuất cho rằng, sẽ giảm được tỷ lệ rút BHXH một lần ở những trường hợp tham gia BHXH muộn và các đối tượng có thời gian đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm nhưng đã dừng đóng BHXH. Hơn nữa, quy định giảm thời gian đóng BHXH sẽ cho người lao động có thêm sự lựa chọn. Trước đây, các đối tượng đóng BHXH được khoảng 15 – 17 năm khi dừng đóng, phần lớn chọn rút BHXH một lần phần nhiều do không đủ kinh tế đóng tiếp.
Là Chủ tịch Công đoàn Công ty May Liên doanh Plummy, chị Hà Thị Phương Anh cho rằng, khi Chính phủ sửa quy định giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để người lao động đến gần hơn chế độ hưu trí. Hiện nay ở công ty nhiều lao động làm việc và đóng BHXH được 15 năm nhưng do độ tuổi và việc làm ít nên có mong muốn ra ngoài làm việc.
Theo tìm hiểu, không ít trong số này đã rút BHXH một lần vì thấy chờ đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu thì quá lâu. Chưa kể, trước mắt họ phải lo cơm áo gạo tiền và hưởng BHXH một lần sẽ có một khoản để trang trải cho cuộc sống hiện tại. “Tôi đồng ý với đề xuất này, tuy nhiên vẫn mong muốn Chính phủ cân nhắc tới cả quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động, đặc biệt là lao động làm việc trong các DN sản xuất” – chị Phương Anh nói.
Tuy nhiên, các cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động băn khoăn khi đóng BHXH 15 năm thì mức lương hưu sẽ rất thấp (lao động nữ tỷ lệ hưởng lương hưu 45%, nam 33,75%), khó có thể bảo đảm mức sống tối thiểu khi về già. Vì thế, họ rất mong Chính phủ có tính toán mức lương hưu cũng như có sự chia sẻ để người lao động khi về hưu có lương hưu đủ sống.
Về việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: "Khi giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm thì mức lương hưu thấp, do phụ thuộc quan hệ đóng – hưởng (đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít). Khi mức lương hưu thấp thì không có ý nghĩa trong cuộc sống. Do đó, sau này một bộ phận nhỏ những người có lương hưu thấp, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ tăng lương được lấy từ nguồn Quỹ BHXH để giúp họ bảo đảm cuộc sống khi về già".
Để có cơ sở vững chắc giúp Quốc hội xem xét, quyết định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ của BHXH, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội thay đổi ra sao khi sửa Luật BHXH? Chính phủ cũng cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách, xã thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo thì khi đó có điều chỉnh để cao hơn không? Thông tin về nguồn ngân sách sẽ chi trả. Và với thay đổi này, liệu có tạo điều kiện cho người lao động rút BHXH một lần không? Để giảm số người nhận BHXH một lần, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu: điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng; hưởng bảo hiểm y tế đối với người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH… Người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt. |
Theo Trần Oanh/ Kinh tế & Đô thị
Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể được hưởng lương hưu |
Tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam cao nhất khu vực |
-
Xử lý phản ánh về việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
-
Người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu được trợ cấp hàng tháng
-
Thêm nhiều quy định xử lý chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
-
Tăng tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động nam, nhiều người được hưởng lợi
-
[Infographic] 9 nhóm điểm mới nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Quảng Nam: Chưa thể khẳng định 18.000 lít dầu DO mất tích trong vụ tàu hàng gặp nạn
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Hà Nội: Tăng cường xử lý, tuyên truyền về an toàn giao thông tới học sinh
-
Hà Nội khôi phục sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ ngày 1/11