Tám & tán
Học giả An Chi: Trước nhất, xin khẳng định với bạn rằng từ TÁM (trong BÀ TÁM, TÁM CHUYỆN) và từ TÁN (trong TÁN GẪU, TÁN DÓC, v.v…) tuyệt đối không có quan hệ bà con gì về ngữ âm và nguồn gốc, ngoại trừ quan hệ… đồng nghĩa. Và cũng không phải TÁM có trước rồi BÀ TÁM có sau như bạn đã nêu.
BÀ TÁM là một hình thức sao phỏng (loan translation), có lẽ bắt đầu ở tiếng Việt miền Nam. Mà ở miền Nam thì nó bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông PÁT PHÒ [八婆], đọc theo âm Hán Việt là BÁT BÀ, dịch đúng nghĩa gốc là “bà tám”. Đây là một đặc ngữ của tiếng Quảng Đông ở Hongkong, dùng để chỉ người phụ nữ hay để ý hoặc bàn tán đến chuyện của người khác, hiểu rộng ra là người đàn bà nhiều chuyện. Ở những địa phương khác của Tàu, dân Tàu gọi hạng đàn bà đó là “trường thiệt phụ” [長舌婦], dịch theo nghĩa đen là “con mẹ lưỡi dài”. Những kẻ đã trực tiếp đóng góp vào sự ra đời của danh ngữ BÀ TÁM “quái đản” này trong tiếng Việt là dân làm ăn liên quan đến làng điện ảnh và truyền hình.
Sau khi phim Tàu, đặc biệt là phim Hongkong, nói tiếng Quảng Đông, được một vài đài truyền hình “chiếu cố” thì trước nhất là nhu cầu thuyết minh, rồi sau đó là nhu cầu lồng tiếng, đã phát sinh như một điều tất yếu. Mà muốn thuyết minh và lồng tiếng thì trước hết phải dịch. Khốn khổ thay, người dịch có lẽ trước nhất và căn bản, cũng chỉ là những kẻ chạy theo nhịp điệu hối hả của thị trường, chứ nào phải là những người thực sự yêu mến tiếng Việt, nhất là thực sự thấu hiểu nó. Chưa kể trong đó, có thể có cả những tay Việt gốc Tàu. Thì làm sao tránh khỏi chuyện PÁT PHÒ trở thành BÀ TÁM! Trong khi đó thì tiếng Việt đâu có thiếu từ, ngữ tương ứng với khái niệm “con mẹ Tám” của Tàu Quảng Đông!
BÀ TÁM dần dần đưa đến từ TÁM phái sinh bằng cách ngắt bỏ từ BÀ đằng trước; nhiều phần cũng là do nhu cầu động từ hóa. Thế là ta có động từ TÁM và danh ngữ BÀ TÁM, mẹ đẻ của nó tồn tại song song trong khẩu ngữ. BÀ TÁM dùng để chỉ những người nhiều chuyện còn TÁM thì dùng để chỉ hành động của hạng người đó.
Cứ như trên thì TÁM là do BÀ TÁM mà ra. Còn TÁN thì chẳng có liên quan gì đến TÁM về mặt nguồn gốc vì đó là một từ Việt gốc Hán chính tông, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [讚] mà âm Hán Việt chính thống hiện đại chính là… TÁN. Ở đây, TÁN [讚] có nghĩa là “khen”, “ca ngợi”, như có thể thấy trong TÁN DƯƠNG, TÁN MỸ, TÁN TỤNG, v.v... Nó cũng được dùng như danh từ để chỉ một thể văn có nội dung ca ngợi một người, một vật hoặc một sự việc nhất định.
Từ này cũng được ngôn ngữ Phật giáo dùng để chỉ hành động ca ngợi Đức Phật và cũng biến nó thành danh từ để chỉ những bài kinh ca tụng Đức Phật. Nghĩa của TÁN trong TÁN GÁI thực ra cũng bắt nguồn từ cái nghĩa “khen”, “ca ngợi” này của chữ TÁN [讚]. Chẳng có chàng trai nào đi tán gái mà lôi khuyết điểm về tư cách hoặc dung nhan của “đối tác” ra mà chê. Chẳng “em có khuôn mặt trái xoan ưa nhìn” thì cũng “miệng em cười rất duyên, môi em đỏ thắm” hoặc “em ơi, sao em không bớt đẹp đi cho anh đỡ ngày thương đêm nhớ”, v.v... Tán gái, suy đến cùng, chẳng qua là dùng ngôn từ quyến rũ làm phương tiện để ve gái mà thôi. Thế là nghĩa gốc của chữ TÁN [讚] vẫn còn nằm trong cái lõi của ngữ động từ TÁN GÁI. Trong TÁN DÓC, TÁN GẪU, nó đã đi xa hơn, rộng hơn nhưng cũng xuất phát từ đó.
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng