Tại sao việc lừa đảo nhiều và dễ dàng đến vậy?
Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa với khẩu hiệu “mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột”. Nghĩa là họ hô hào toàn dân, không phân biệt thành phần hãy đi vào sản xuất, tạo ra hàng hóa làm giàu cho mình và cho xã hội. Cả đất nước hơn một tỷ dân trở thành công xưởng của thế giới. Hàng hóa từ chất lượng thấp đến chất lượng cao dần, từ trong nước đến bán ra toàn cầu. Mọi lĩnh vực đều phát triển và chỉ ba thập kỷ họ đã vươn lên là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ở Việt Nam, thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khởi đầu bằng cổ phần hóa, xã hội hóa. Nhận thấy đây là thời cơ, là mảnh đất màu mỡ có thể nhanh chóng làm giàu, không chỉ người trong nước mà cả người nước ngoài kéo vào Việt Nam để làm ăn.
Việc đầu tiên là cổ phần hóa những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả nhưng có đất vàng. Việc định giá không đáng với giá trị tài sản đã làm cho những người thâu tóm cổ phần hốt bạc. Ở Hà Nội, các cửa hàng quốc doanh trên phố Tràng Tiền, khách sạn bên bờ hồ Hoàn Kiếm, xí nghiệp nọ ở Hàng Bông được cổ phần hóa với giá rẻ mạt. Công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước trở thành người thất nghiệp, dù có được mua một chút cổ phần cũng đành phải bán lại cho các ông chủ mới. Nhiều nhà máy sau khi cổ phần đã không tổ chức lại sản xuất mà bán đất để làm nhà thương mại.
Bảo hiểm nhân thọ không như "quảng cáo" |
Sản xuất hàng hóa lợi nhuận không cao và nhiều rủi ro, nhưng lấy đất làm nhà thương mại thì lợi nhuận khổng lồ. Đất nông nghiệp do nhà nước định giá chỉ vài chục triệu một sào, nhưng sau đó doanh nghiệp bán vài chục triệu một mét. Nhiều người chưa hề làm xây dựng nhưng cũng xin mua đất làm nhà. Cho đến nay những tỉ phú lớn nhất ở nước ta đều đi lên từ bán đất.
Một số ngành nghề, lĩnh vực chưa từng có ở nước ta, nay bắt đầu xuất hiện và dễ lừa dễ thu lợi nhuận cao. Các loại bảo hiểm với sự liên kết với nước ngoài thi nhau thành lập với quảng cáo rầm rộ về cái lợi nếu tham gia. Người dân dù không am hiểu nhưng trước sự quảng cáo đầy cám dỗ đã ồ ạt mua và ít sau mới ngã ngửa rằng không phải như họ quảng cáo. Nhất là khi bảo hiểm lại liên kết với các ngân hàng thì người dân càng tin tưởng và càng dễ bị lừa hơn.
Lợi dụng sự yếu kém của cơ quan quản lý, hoặc móc nối với các cơ quan này, các doanh nghiệp khai khống giá trị doanh nghiệp, đua nhau bán trái phiếu với cam kết lợi nhuận cao. Người dân lại một lần nữa bị lừa, tiền tích cóp bao năm nay mua trái phiếu lại trở thành trắng tay khi doanh nghiệp bị cơ quan chức phát hiện là lừa đảo.
Hệ thống bán hàng đa cấp có lúc mọc lên như nấm với sự diễn thuyết cho hàng nghìn người là nếu tham gia sẽ thu lợi 100%/năm. Làm gì có ngành nào mà lợi nhuận đến như thế, chỉ có thể là lừa đảo. Nhưng họ vẫn hoạt động và dân vẫn bị lừa, nhiều gia đình sạt nghiệp.
Trong giáo dục, tưởng là lĩnh vực nghiêm túc và đạo đức nhưng người ta cũng ồ ạt kinh doanh giáo dục. Hệ thống trường tư, đặc biệt là các trường quốc tế mọc lên như nấm. Thậm chí trường mầm non cũng là trường quốc tế, mới vào “ông tây ba lô” dậy cho trẻ con vài câu chào nhưng học phí cao gấp hai lần lương công chức. Sách giáo khoa sau nhiều năm cải cách, đổi mới, đến hôm nay quốc hội vẫn còn tranh luận mà chưa ngã ngũ thì sách tham khảo ồ ạt ra đời được đưa vào các trường, ép phụ huynh phải mua.
Bệnh viện nâng khống giá máy móc, thiết bị, giá thuốc, thuốc thật, thuốc giả lẫn lộn, người bệnh chịu thiệt thòi, tiền mất tật mang. Cơ sở khám chữa bệnh ngày càng nhiều phương pháp hiện đại, với cam kết uống một liều là khỏi hẳn, người dân lại bị lừa.
Xã hội hóa giao thông, nhà đầu tư nâng khống mức đầu tư để được thu phí cao, kéo dài thời gian thu phí. Người dân không thể không đi và thế là bị móc túi hàng ngày.
Đến như trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cũng bị thao túng, lừa đảo. Cơ sở thờ tự mọc lên ở khắp nơi. Đám cưới, đám ma cũng phải xem ngày, cũng phải cúng bái. Đạo Phật, Đạo Giáo lẫn lộn. Kẻ buôn gian, bán lận, kẻ tham nhũng cũng đến cúng, đều mong được thánh, thần phù hộ.
Đảng ta, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thấy rõ những bất ổn của xã hội, đang quyết tâm lập lại trật tự, để dân ta có được cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc thật sự. Đây là cuộc chiến đấu khó khăn và lâu dài, nhưng nhất định phải làm và nhất định sẽ thành công.
Hữu Lượng
Tổng giám đốc ACB: Tội phạm mạng gia tăng, làm gì để tránh mất tiền oan? |
Lừa đảo chuyển khoản & trách nhiệm của ngân hàng |
Bài 5: Chứng khoán ngoại hay “vịt giời”? |