Suy thoái kinh tế đã bắt đầu?
Đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược, báo hiệu nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. |
Mười hai biểu đồ đa chiều của BofA Global Research- tổ chức nghiên cứu thị trường của Ngân hàng Bank of America, cho thấy trạng thái suy thoái kinh tế toàn cầu đã bắt đầu.
Chứng minh bằng con số
BofA Global Research chỉ ra, trong 70 năm qua có 12 lần Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của ISM giảm xuống dưới 45 điểm thì chỉ duy nhất 1 lần kinh tế toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng.
ISM là thước đo định lượng của Viện quản lý cung ứng lâu đời nhất thế giới ở Mỹ với 50 nghìn thành viên tại 100 quốc gia, rất nổi tiếng với các dự báo định kỳ hàng tháng về tình hình kinh tế ở hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Tính đến tháng 3 năm nay, chỉ số PMI sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm lần thứ 5 liên tiếp, còn 44,3 điểm, mức tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020. Chỉ số của ISM đồng thời dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ suy giảm.
Theo biểu đồ của BofA Global Research, lợi nhuận trên cổ phiếu của các công ty trong danh sách S&P 500 ở mức âm 16% kéo dài từ tháng 5/2020 cho đến tháng 8/2023. Từ năm 1998 đến nay, chỉ 2 lần chứng kiến con số tăng trưởng âm là đầu những năm 2000 và thời kỳ đại suy thoái 2008.
Thêm một tính toán khác rất quan trọng là đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo ngược, có nghĩa là lợi suất trái phiếu dài hạn giảm nhanh hơn so với lợi suất trái phiếu ngắn hạn. Cụ thể, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và trái phiếu kho bạc 10 năm đã giảm xuống dưới mức 50 điểm phần trăm, từ mức chênh lệch hơn 100 điểm phần trăm của một tháng trước. Điều này cho thấy, tâm lý đầu tư đã thay đổi, lĩnh vực đầu tư an toàn được ưu tiên hơn.
Trong khi đó, mô hình dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn cầu của BofA cho thấy sự sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Lợi nhuận giảm dẫn đến tiền lương giảm, gây ảm đạm thị trường lao động - đóng góp thêm một nguyên nhân hàng đầu cho dự báo suy thoái kinh tế đã bắt đầu ở Mỹ.
Bên cạnh đó, diễn biến bất thường trên thị trường khí đốt đã hé mở thêm nhiều điều. Cả châu Âu và châu Á tràn ngập khí đốt, tồn kho lượng lớn tại các nền kinh tế nổi tiếng “ngốn” năng lượng, theo đánh giá của Bloomberg là điều hiếm thấy trong 1 năm trở lại đây.
Ngoài yếu tố “mùa đông không lạnh” ở châu Âu và mùa hè 2023 nóng hơn ở châu Á, nguyên nhân suy giảm nhu cầu khí đốt còn đến từ việc giảm hoạt động sản xuất phân bón, thiết bị công nghệ cao, vận hành dây chuyền sản xuất,…
Đối mặt với “cơn gió ngược”
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng thế giới (WB) và Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF) đều không đưa ra đánh giá khả quan về bức tranh kinh tế toàn cầu. Lạm phát đã và đang hạ nhiệt ở kinh tế Mỹ; tiêu dùng vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng nợ của người tiêu dùng gia tăng nên không đảm bảo chi tiêu tiêu dùng bền vững. Trong khi đó thị trường bất động sản, xây dựng nhà ở vẫn trong tình trạng suy giảm. Tuy nhiên, tín hiệu suy thoái kinh tế vẫn chưa rõ ràng ở Mỹ.
Theo IMF, châu Âu sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh trong năm nay, nhưng hầu hết các quốc gia khu vực này sẽ tránh được suy thoái. Trong khi đó, tốc độ phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn mong manh…
Đối với một quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam, tác động ngoại cảnh là rất lớn. Theo các chuyên gia phân tích, Việt Nam đang đối mặt với 3 vấn đề vĩ mô.
Thứ nhất, tăng trưởng chậm lại. Thực tế này không có gì bàn cãi nếu so sánh con số tăng trưởng ấn tượng 8,02% năm 2022 và 3,23% của quý I/2023. Đặc biệt, từ cuối năm 2022, số lượng đơn hàng của rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã giảm đi đáng kể. Đây là điều chưa từng có trong 30 năm trở lại đây.
Thứ hai là những bất ổn trên thị trường tài chính. Biểu hiện đầu tiên ở trạng thái gần như “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong khi việc huy động trên thị trường chứng khoán cũng không dễ dàng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn phải “níu vấu” vào ngân hàng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cũng khó khăn do nhiều doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, không chứng minh được dòng tiền...
Thứ ba là khó kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Thông thường khi kinh tế suy thoái, thì chi tiêu ngân sách được đôn lên để kích cầu tiêu dùng. Nhưng con số giải ngân vốn đầu tư công hiện không đạt kế hoạch đề ra. Hàng loạt công trình trọng điểm tại nhiều tỉnh, thành chậm tiến độ, không thể khởi công.
Mặc dù vậy, IMF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay sẽ đạt 5,8% - đứng thứ 2 khu vực cùng với Campuchia và chỉ xếp sau Philippines với dự báo tăng trưởng 6%. Trong năm 2024, IMF dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á ở mức 6,9%.
Theo DĐDN