SouthernBank - Sacombank: Sáp nhập hay thâu tóm?
Sacombank và SouthernBank sắp sáp nhập.
Những ngày gần đây, câu chuyện sáp nhập của SouthernBank với Sacombank đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Rất nhiều ý kiến phân tích của các chuyên gia về cái được - mất nếu thương vụ này thành công cũng đã được đưa ra và đây chính là những căn cứ để các nhà đầu tư tin rằng, thương vụ sáp nhập này chắc chắn diễn ra, vấn đề lúc này chỉ còn là thời gian.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại toàn bộ diễn biến xoay quanh 2 ngân hàng này mấy năm gần đây có thể thấy, thương vụ này lại mang dáng dấp của một cuộc thâu tóm giữa các ngân hàng. Và nếu đúng như vậy thì rõ ràng đây là một cuộc thâu tóm lịch sử bởi nó đã đi ngược lại nguyên tắc “cá lớn nuốt cá bé” vốn dĩ tồn tại trên thị trường tài chính ngân hàng.
Như đã biết, Sacombank - dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn như những năm 2012, 2013 - vẫn luôn được biết tới là ngân hàng TMCP có sự phát triển ổn định, có uy tín trong hệ thống các NHTM. Mã chứng khoán STB của Sacombank vì thế cũng luôn được giới đầu tư đánh giá rất cao và được xem là một trong những mã chứng khoán dẫn dắt thị trường trong suốt một thời gian dài. Trong khi đó, cái tên SouthernBank lại chẳng để lại mấy ấn tượng trong giới đầu tư bởi quy mô nhỏ và cũng chỉ hoạt động ở tầm địa phương.
Vậy Sacombank sáp nhập với SouthernBank thì được lợi gì?
Xung quanh câu chuyện này, trong tờ trình gửi các cổ đông, Sacombank đưa ra cái lý rằng: Nếu sáp nhập với SouthernBank, mạng lưới chi nhánh của Sacombank sẽ được mở rộng và rằng những lo ngại về nợ xấu cũng sẽ không đáng lo bởi để được sáp nhập, SouthernBank phải trình được phương án xử lý nợ xấu…
Cái lý của Sacombank đưa ra là vậy nhưng liệu đã hợp lý? Nếu muốn mở rộng chi nhánh thì tại sao không phải là sáp nhập với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – ngân hàng vốn dĩ đang có những mối liên hệ nhất định với Sacombank.
Lại nữa, xét về góc độ nợ xấu, theo phân tích của giới chuyên gia thì xu hướng này lại đang có những diễn biến trái chiều giữa 2 ngân hàng, trong khi Sacombank thì vẫn đang hoạt động hiệu quả thì SouthernBank lại đối diện với tỉ lệ nợ xấu khá cao. Và theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), thương vụ M&A này sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu lên Sacombank và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng do việc kinh doanh của Southernbank thời gian gần đây có diễn biến không tốt.
Nói vậy để thấy rằng, cái lý mà Sacombank đưa ra để thuyết phục các cổ đông đồng thuận với phương án sáp nhập với SouthernBank lại có phần thiếu hợp lý.
Nói như vậy để thấy rằng, thương vụ này hoàn toàn có thể là kết quả của một cuộc thâu tóm ngân hàng.
Còn nhớ hồi đầu năm 2012, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Eximbank đã tuyên bố đang nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ của Sacombank và yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo của ngân hàng này. Và sau đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của Sacombank, có tới 4/10 thành viên HĐQT được bầu ra là các thành viên chủ chốt của SouthernBank, gồm ông Trầm Bê (trước đó là Phó Chủ tịch HĐQT SouthernBank), ông Trầm Khải Hòa (con ông Trầm Bê, Chủ tịch HĐQT CTCK Phương Nam), ông Phan Huy Khang (Tổng Giám đốc SouthernBank), và bà Dương Hoàng Quỳnh Như (Phó Tổng Giám đốc SouthernBank).
Ngoài ra, theo Báo cáo tài chính của Sacombank và SouthernBank thì ông Trầm Bê và các thành viên trong gia đình hiện chỉ sở hữu 6,8% cổ phiếu của Sacombank. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư cho rằng, tỉ lệ nắm giữ này của gia đình ông Trầm Bê có thể cao hơn nhiều và bằng chứng chính là việc một loạt lãnh đạo của SouthernBank đã được bầu vào HĐQT của Sacombank năm 2012.
Một điểm nữa, như đã nói ở trên, SouthernBank chỉ mang dáng dấp của một NHTM tầm địa phương, nợ xấu thì cũng khá lớn thì chắc chắn chẳng dễ gì để một NHTM có uy tín, có sự phát triển ổn định như Sacombank chấp thuận sáp nhập. Câu trả lời ở đây chỉ có thể là thương vụ này mang nặng ý muốn chủ quan của giới lãnh đạo 2 ngân hàng này mà thực tế, không ít lãnh đạo của Sacombank hiện vẫn đang là người của SouthernBank.
Như vậy, nếu hiểu đây là một cuộc thâu tóm ngân hàng thì nghe chừng có vẻ dễ chấp nhận hơn.
Thanh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 9/11: Giá cà phê xuất khẩu tăng kỷ lục
-
Tổng thống đắc cử Donald Trump lại rút khỏi một thỏa thuận toàn cầu cực kỳ quan trọng
-
Giá dầu hôm nay (9/11): Dầu thô quay đầu giảm
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 4/11 - 9/11
-
Giá vàng hôm nay (9/11): Tiếp tục giảm