Sớm sửa chữa sai lầm trong quy hoạch Đà Nẵng
PV: Mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã phát biểu rằng, Đà Nẵng có những sai lầm trong quy hoạch. Theo ông, những sai lầm đó là gì?
KTS Hồ Duy Diệm |
KTS Hồ Duy Diệm: Để biết Đà Nẵng có những sai lầm gì trong quy hoạch, chúng ta phải trở về thời điểm năm 1976, khi đất nước mới thống nhất và Đà Nẵng là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời điểm đó, cả Bộ Xây dựng và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã thống nhất rằng, Đà Nẵng là thành phố có các lợi thế: Một là trung tâm công nghiệp của miền Trung, gồm có cơ khí, sửa chữa tàu biển, công nghiệp nhẹ; Hai là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại dịch vụ của cả vùng; Ba là trung tâm đầu mối giao thông. Quy hoạch đầu tiên của thành phố dựa trên các lợi thế này.
Đến năm 1997, khi Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và phát triển theo một hướng khác thì Quảng Nam vẫn giữ hướng phát triển ban đầu nghiêng về công nghiệp. 20 năm sau, nguồn thu từ công nghiệp đem lại cho tỉnh Quảng Nam rất lớn, còn Đà Nẵng thì không nhiều.
Theo tôi, sai lầm đầu tiên trong quy hoạch Đà Nẵng là coi nhẹ phát triển công nghiệp. Đà Nẵng có cảng biển, là trung tâm đầu mối giao thông của cả vùng nhưng lại không tận dụng lợi thế đó để phát triển công nghiệp nhẹ. Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển Đà Nẵng đã được đưa ra 15 năm trước, trong đó nêu rõ phải xây dựng cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp (KCN) phải được mở ra dựa vào cảng này, nhưng tới nay hình hài cảng Liên Chiểu vẫn chưa thấy đâu. Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc đến điều này, chứng tỏ Bộ Chính trị vẫn rất quan tâm đến định hướng phát triển về công nghiệp, dịch vụ công nghiệp của Đà Nẵng.
Đến hết năm 2016, số phương tiện cơ giới trên địa bàn Đà Nẵng là hơn 868.640 xe các loại; trong đó có hơn 61.210 ôtô, 807.430 xe máy. Tại Đà Nẵng, tỷ lệ gia tăng phương tiện bình quân 8,58t-10,46%/năm, trong đó ôtô tăng 7,46%/năm, môtô tăng 12,25%/năm. |
Thứ hai là bố trí không gian quy hoạch không hợp lý. Với đặc thù về địa hình và phân bố dân cư, Đà Nẵng cần phát triển về phía tây và tây bắc chứ không phát triển nóng về phía đông như bây giờ. Cần “đưa rừng vào phố và đưa phố về rừng”, nghĩa là tăng không gian cây xanh ở trung tâm thành phố và giãn bớt dân cư, đưa các nhà máy về phía tây, nơi không gian đất đai còn thoáng đãng.
Thứ ba là Đà Nẵng đã để xu hướng phát triển bất động sản làm méo mó quy hoạch. 20 năm nay, người ta gọi Đà Nẵng là thành phố “phân lô bán nền” chứ không làm theo quy hoạch. Điều này đã được các chuyên gia kinh tế nhận định từ lâu.
Thứ tư là Đà Nẵng xác định phát triển theo hướng thành phố du lịch nhưng lại phá dỡ và làm nguy hại đến những công trình du lịch có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, sinh học. Ví dụ như công trình thành Điện Hải, bán đảo Sơn Trà.
Thứ năm là không gian công cộng và cây xanh của Đà Nẵng quá ít. Theo tính toán, muốn phát triển bền vững và an toàn, mỗi người thuộc thành phố cần không gian cơ học là 100m2. Trong đó, 10-15m2 để ở, còn lại là không gian dành cho giao thông, công trình công cộng, cây xanh, hồ nước, trường học... Theo tiêu chuẩn, mỗi người cần 20m2 cây xanh, nhưng ở Đà Nẵng, con số đó chỉ là 0,6m2. Không gian giành cho giao thông tĩnh (bến bãi, điểm đỗ xe công cộng) không nhiều làm ảnh hưởng đến giao thông động. Quy hoạch kiểu “phân lô bán nền” đã bỏ qua điều này. Có những chỗ đáng ra phải thành công viên cây xanh thì lại trở thành khu nhà hàng, nhà ở, thương mại. Điều này chứng tỏ Đà Nẵng đã không chú trọng phát triển theo những quy hoạch đã đề ra
PV: Ngoài chuyên môn là kiến trúc sư, ông còn là Phó chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam. Sơn Trà có vị trí như thế nào trong bản đồ quy hoạch của Đà Nẵng, thưa ông?
KTS Hồ Duy Diệm: Trước hết, phải khẳng định quan điểm là, có quy hoạch phát triển Đà Nẵng như nào đi chăng nữa nhưng cũng không được đụng đến bán đảo Sơn Trà. Sơn Trà phải là lá phổi xanh trong bất cứ quy hoạch nào của Đà Nẵng. Phải bỏ ngay những quy hoạch nào đụng đến đất rừng Sơn Trà để trả lại cho Sơn Trà là khu rừng nguyên sinh.
Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, là rừng quốc gia quý hiếm ít nơi nào trên thế giới có được. Bởi chỉ với diện tích nhỏ nhưng Sơn Trà lại có gần 1.000 loại cây, trong đó có mấy trăm loại dược liệu quý hiếm. Sơn Trà cũng có gần 200 loài động vật, trong đó có những loài đặc hữu như voọc chà vá chân nâu. Cũng cần hiểu rằng, con người và thiên nhiên nơi đây đã sống hòa hợp bao nhiêu năm mới được như vậy. Đó chính là vốn quý của Sơn Trà mà cả thế giới đang quan tâm. Thế nhưng, chính chúng ta lại không hiểu và không bảo vệ vốn quý đó.
Du khách đến với Đà Nẵng không phải là chỉ để ngắm những công trình lớn, vĩ đại, bởi trên thế giới đã có rất nhiều, thậm chí còn đẹp và to lớn hơn. Chỉ có thiên nhiên, voọc chà vá chân nâu và cả lịch sử Sơn Trà mới là điều thu hút du khách. Tiềm năng của Sơn Trà chính là phục vụ du lịch nghiên cứu, tìm hiểu, chứ không phải xây biệt thự, bán để kiếm tiền mà chúng ta hay gọi một cách mỹ miều là du lịch nghỉ dưỡng.
Áp lực giao thông giờ cao điểm là khá lớn ở khu vực trung tâm Đà Nẵng |
PV: Tuy chưa nghiêm trọng nhưng ở Đà Nẵng cũng đã xảy ra tắc đường cục bộ ở trung tâm thành phố. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
KTS Hồ Duy Diệm: Tắc đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có quy hoạch giao thông. Và quy hoạch giao thông bắt nguồn từ quy hoạch đô thị. Trong quy hoạch giao thông của Đà Nẵng có những vấn đề lịch sử để lại, nhưng không phải là không thể sửa chữa, ví dụ như nhà ga của Đà Nẵng nằm trong trung tâm thành phố. Nhưng ngay từ bản quy hoạch đầu tiên được vẽ cách đây 42 năm, chúng tôi đã đặt vấn đề về việc di dời ga Đà Nẵng lên khu vực Liên Chiểu. Tại sao cần di dời ga Đà Nẵng? Bởi vì khi một nhà ga nằm ở trung tâm thành phố sẽ kéo theo rất nhiều áp lực về giao thông, cản trở giao thông động. Nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được.
Một điều nữa là khi quy hoạch và phát triển thành phố, chúng ta không chú trọng đến quan điểm quy hoạch về bán kính phục vụ, nghĩa là khi phát triển một vùng, một khu dân cư, phải chú trọng đến các công trình phụ trợ. Ví dụ, trường mẫu giáo, trường học, bãi để xe không được quá một khoảng cách bao nhiêu đó để người dân có thể sinh sống ngay tại khu vực mình ở mà không cần phải đến trung tâm thành phố.
Đà Nẵng đã để xu hướng phát triển bất động sản làm méo mó quy hoạch. 20 năm nay, người ta gọi Đà Nẵng là thành phố “phân lô bán nền” chứ không làm theo quy hoạch. Điều này đã được các chuyên gia kinh tế nhận định từ lâu. |
Đáng chú ý, vị trí đặt trung tâm hành chính của thành phố không hợp lý, vô hình trung đã tạo áp lực lớn về giao thông cho khu vực đó. Vào giờ tan sở, hàng nghìn cán bộ, nhân viên đổ ra đường để về nhà. Cộng thêm ở trung tâm thành phố, các con đường đa phần nhỏ và hẹp do được xây dựng từ lâu. Điều này đã gây tắc đường cục bộ ở khu vực trung tâm. Khi đã không có tầm nhìn xa về quy hoạch thì việc xây thêm hầm, thêm cầu cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Thêm vào đó, du lịch phát triển nhanh, lượng du khách đến Đà Nẵng nhiều, lượng phương tiện chuyên chở gia tăng. Và việc một số khách sạn lớn, căn hộ khách sạn nằm ở trung tâm thành phố cũng tạo áp lực cho giao thông. Sự bùng nổ nguồn cung các dự án bất động sản, đặc biệt là các căn hộ khách sạn (condotel) có thể khiến quy hoạch hạ tầng giao thông của Đà Nẵng bị phá vỡ. Nếu thành phố không có cơ chế quản lý phù hợp, quá tải về giao thông ở khu vực trung tâm sẽ tiếp tục diễn ra.
PV: Gần đây, hiện tượng xâm thực ở Đà Nẵng diễn ra khá mạnh, cộng thêm nước ô nhiễm thải ra biển, rồi người dân không có đường xuống biển do bị các khu resort quây kín. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng đó?
KTS Hồ Duy Diệm: Việc có quá nhiều khách sạn, nhà cao tầng tập trung tạo một khu vực nhất định sẽ dẫn đến tình trạng khai thác nguồn nước ngầm và bơm nước thải quá nhiều sẽ gây sụt lún, sạt lở bãi biển. Hãy tưởng tượng, các túi nước ngầm khi bị khai thác quá mức mà không có nguồn bổ sung, bị rỗng đi sẽ gây sụt lún. Các khách sạn đã lấy đi một lượng nước ngầm rất lớn nhưng không trả lại mà xả thẳng ra biển. Khi túi nước ngầm bị rỗng thì nước biển sẽ xâm thực vào đó và gây ra hiện tượng xâm lấn của biển vào đất liền. Hậu quả của việc làm cạn kiệt nguồn nước ngầm ven biển là vô cùng nặng nề, làm quá trình sạt lở diễn ra mạnh và gây nên hiện tượng xâm nhập mặn làm hủy hoại tầng nước ngầm của khu vực.
Trong quy hoạch Đà Nẵng trước kia, chúng tôi rất chú trọng đến việc chặn gió xấu và đón gió tốt từ Biển Đông cho thành phố. Gió xấu là gió chướng, thổi từ phía biển Tiên Sa; gió tốt là gió Đông Nam, thổi từ phía quận Sơn Trà vào thành phố. Nhưng việc mọc lên quá nhiều công trình cao tầng ở Sơn Trà đã chặn hướng gió tốt vào thành phố. Cộng thêm không gian cây xanh ít khiến cho thành phố có phần ngột ngạt dù mật độ dân cư không quá đông.
Điều cần làm bây giờ là hạn chế cấp phép xây dựng các nhà cao tầng ở khu vực này, làm giảm áp lực cho nguồn nước ngầm, giảm hiện tượng xâm thực, giảm áp lực giao thông.
Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, Đà Nẵng có những sai lầm trong quy hoạch. Và điều đó cần được sớm sửa chữa, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, là rừng quốc gia quý hiếm ít nơi nào trên thế giới có được. Bởi chỉ với diện tích nhỏ nhưng Sơn Trà lại có gần 1.000 loại cây, trong đó có mấy trăm loại dược liệu quý hiếm. Sơn Trà có gần 200 loài động vật, trong đó có những loài đặc hữu như voọc chà vá chân nâu. Du khách đến với Đà Nẵng không phải là chỉ để ngắm những công trình lớn, vĩ đại. Chỉ có thiên nhiên, voọc chà vá chân nâu và cả lịch sử Sơn Trà mới là điều thu hút du khách. Tiềm năng của Sơn Trà chính là phục vụ du lịch nghiên cứu, tìm hiểu, chứ không phải xây biệt thự, bán để kiếm tiền mà chúng ta hay gọi một cách mỹ miều là du lịch nghỉ dưỡng. Đà Nẵng là thành phố có các lợi thế: Một là trung tâm công nghiệp của miền Trung, gồm có cơ khí, sửa chữa tàu biển, công nghiệp nhẹ; Hai là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại dịch vụ của cả vùng; Ba là trung tâm đầu mối giao thông. Sai lầm đầu tiên trong quy hoạch Đà Nẵng là coi nhẹ phát triển công nghiệp. Đà Nẵng có cảng biển, là trung tâm đầu mối giao thông của cả vùng nhưng lại không tận dụng lợi thế đó để phát triển công nghiệp nhẹ. Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển Đà Nẵng đã được đưa ra 15 năm trước, trong đó nêu rõ phải xây dựng cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp phải được mở ra dựa vào cảng này, nhưng tới nay hình hài cảng Liên Chiểu vẫn chưa thấy đâu. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương việc Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, quan điểm phát triển đô thị đã có sự thay đổi. Một đô thị hiện đại và phát triển bền vững cần bảo đảm những yếu tố tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho mọi người; cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ; dịch vụ đô thị đầy đủ, phục vụ cho mọi người dân; chất lượng cuộc sống tốt, phát triển đa dạng không gian công cộng, đảm bảo phân phối lợi ích công bằng cho mọi người dân... Các KCN tại Đà Nẵng đã cơ bản lấp đầy, cần hình thành thêm các KCN mới. Đà Nẵng đã trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch các KCN mới ở phía Tây thành phố, bao gồm KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 (khoảng 150ha), KCN Hòa Nhơn (523ha), KCN Hòa Sơn (152ha) và KCN Hòa Ninh (200ha). Về phát triển hạ tầng đô thị, đã có nhiều phát sinh mới cần có sự điều chỉnh: Cảng Tiên Sa hiện đã quá tải, đồng thời lưu lượng container từ tuyến 14B nối ra cảng Tiên Sa đã gia tăng đến mức gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đô thị trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà. Đà Nẵng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu với mục tiêu là cảng hàng hóa chính của Đà Nẵng. |
Thanh Hiếu
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí