Sáp nhập 5-8 ngân hàng trong năm 2012
Phát biểu tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam chiều 11/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết việc lạm phát hạ liên tục trong những tháng vừa qua là cơ sở quan trọng để xem xét giảm lãi suất, nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để xu hướng này thực sự bền vững, tạo được niềm tin trong xã hội.
Do đó, theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất hiện nay sẽ không có gì thay đổi trong giai đoạn từ trước và sau Tết âm lịch. Tuy nhiên, đến cuối quý một, khi các điều kiện kinh tế trở nên ổn định hơn, sau khi cân đối các yếu tố vĩ mô khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc giảm dần lãi suất.
Về dài hạn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng Việt Nam cần xây dựng một thị trường vốn hiệu quả hơn bởi tổng đầu tư toàn xã hội những năm qua luôn chiếm khoảng 44% GDP trong khi tỉ lệ tiết kiệm chỉ là 20%. “Nguồn vốn cho doanh nghiệp, trong đó 80% từ ngân hàng, do đó luôn luôn thiếu”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Về đề án tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2012 với những mục tiêu chính là tăng cường năng lực tài chính, khả năng tuân thủ và minh bạch của hệ thống. Theo dự kiến sẽ có từ 5 đến 8 ngân hàng được sáp nhập trong năm. Quá trình này, theo góp ý của các chuyên gia quốc tế, cần được thực hiện song song với cải thiện niềm tin của người dân vào tiền đồng cũng như tăng cường mức độ dự đoán được của chính sách tiền tệ.
Cuối năm 2011, tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có điểm nhấn với 3 ngân hàng gồm Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa thực hiện hợp nhất tự nguyện, dưới sự "bảo trợ” của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngay sau khi hợp nhất, vốn điều lệ của ngân hàng mới là hơn 10.580 tỉ đồng. Từ 1/1/2012, ngân hàng hợp nhất với tên gọi Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chính thức đi vào hoạt động.
Theo VNE