"San sẻ quyền lực", vợ chồng đại gia thủy sản có toan tính gì?
Sau những phút đầu giao dịch không mấy thuận lợi, VN-Index vẫn xác lập được đà tăng trong sáng 15/1, ghi nhận mức tăng 5,36 điểm tương ứng 0,59% lên 907,16 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 71,86 triệu cổ phiếu tương ứng 1.398,04 tỷ đồng.
HNX-Index cũng tăng 0,92 điểm tương ứng 0,91% lên 102,5 điểm với thanh khoản đạt 12,59 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch ở mức 170,98 tỷ đồng.
Tổng cộng toàn thị trường có 289 mã tăng, 26 mã tăng trần so với 189 mã giảm và 26 mã giảm sàn. Đáng chú ý, số mã không giao dịch lên tới 945 mã.
VHM có thể xem là “công thần” của VN-Index trong phiên sáng với việc đóng góp cho chỉ số tới 2,04 điểm. Ngoài ra, các mã ngân hàng như VCB, VIB, TCB, VPB tăng giá cũng có tác động tích cực tới chỉ số bên cạnh GAS, VRE. Tuy nhiên, do thiếu sự hỗ trợ của VIC, SAB nên chỉ số vẫn chưa thể bứt phá trong sáng nay.
Phần lớn cổ phần MPC đang nằm trong tay vợ chồng "vua tôm" Lê Văn Quang. |
Trong khi thị trường chung giao dịch giằng co thì trên UPCoM, cổ phiếu MPC của tập đoàn thuỷ sản Minh Phú đạt mức tăng mạnh 1.900 đồng tương ứng 4,82% lên 41.300 đồng/cổ phiếu. Với diễn biến hồi phục mạnh mẽ trong thời gian gần đây, cổ phiếu MPC đã đạt được mức giá cao gấp rưỡi so với cùng thời điểm này của năm 2018.
Hiện tại, mã này cùng với IDC, KLB, HVN… đang là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến chỉ số sàn UPCoM sáng 15/1. Cụ thể, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,17% lên 53,23 điểm, thanh khoản khiêm tốn 2,82 triệu đơn vị tương ứng 78,15 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm hiện tại, gia đình vua tôm Lê Văn Quang vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại Minh Phú. Trong đó, bà Chu Thị Bình – vợ ông Quang, nắm giữ 34,95 triệu cổ phiếu tương ứng 25,41% vốn điều lệ và bản thân ông Quang sở hữu 31,92 triệu cổ phiếu tương ứng 23,21% vốn điều lệ.
Hai con gái ông Quang là Lê Thị Minh Quý và Lê Thị Minh Ngọc mỗi người sở hữu 4,6 triệu cổ phiếu, chiếm tổng cộng 6,7% vốn điều lệ tập đoàn.
Tuy nhiên, nhiều để tăng khả năng cạnh tranh có doanh nghiệp, gia đình “vua tôm” đang cân nhắc bán bớt cổ phần, đồng nghĩa với việc giảm quyền lực tại công ty để thu hút cổ đông nước ngoài.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường hồi 10/11/2018, ông Lê Văn Quang cho biết, về quy trình sản xuất cũng như chế biến thì trên thế giới này không ai giỏi hơn Minh Phú, nhưng thị trường là vấn đề mà Minh Phú chưa làm chủ được, vẫn bị phụ thuộc.
Vì vậy, Minh Phú chú trọng tìm nhà đầu tư chiến lược có nguồn vốn lớn và giúp công ty về phát triển mạnh thị trường.
Hiện, có hai nhà đầu tư chiến lược (Mỹ và Nhật) đáp ứng được kỳ vọng này và Minh Phú cũng muốn hai đối tác này tham gia. Tỷ lệ cổ phần yêu cầu từ hai nhà đầu tư lần lượt là 30% và 35%,
Tới đây, vào sáng ngày 29/1, Minh Phú sẽ triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc phát hành riêng lẻ hơn 75,7 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Trở lại với thị trường chứng khoán, theo nhận định của VCBS, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại, thanh khoản sút giảm là tương đối dễ hiểu do tâm lý của phần đông nhà đầu tư vẫn còn khá hoài nghi.
Hơn nữa, thị trường Việt Nam cũng chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, do đó khả năng dòng tiền sẽ trở nên dồi dào hơn ngay trong tháng 1 là không cao và theo đó chỉ số chung cũng ít khả năng xuất hiện xu hướng mới.
VCBS vẫn thiên về kịch bản chỉ số tiếp tục dao động tích lũy đi ngang trong những phiên tới trước khi các doanh nghiệp niêm yết lần lượt công bố kết quả kinh doanh cả năm 2018.
Theo Dân trí