Sàn chứng khoán thời chợ chiều
10h sáng, đáng lẽ ở thời điểm “giờ vàng” như thế này, bình thường ra, nếu thị trường chứng khoán ở giai đoạn “sung” như trước đây, không khí đã rộn ràng lắm rồi, người mua, người bán, rồi những bình luận mua “con” nọ, bán “con” kia của các nhà đầu tư làm không khí của cả phòng lao xao. Thế nhưng thời điểm này thì khác hẳn. Tuy bảng giao dịch vẫn nhấp nháy xanh đỏ vàng, nhưng những hàng ghế dài trống trơn, lèo tèo dăm ba người ngồi im phăng phắc, không bàn tán và không khí tĩnh lặng.
Tôi lân la dò hỏi một người đàn ông đang chăm chú quan sát. Không suy nghĩ gì, bác bộc bạch luôn: “Ôi giời, thị trường chán lắm cháu ạ, chứng khoán ngày nào chả xuống, có hôm nào lên được đâu”. “Thế “đỏ” thế này thì bác mua cổ phiếu làm gì?”. “Phải sống chung với lũ thôi”. “Nhưng mua vào thời điểm này chỉ có lỗ”. “Ừ, thì mình phải có cách, không săn được cá sộp thì săn cá bé, săn tôm, săn tép. Mình phải để đầu óc làm việc, chứ không được nghỉ ngơi”. Nói rồi không ngần ngại chia sẻ, bác giở cho tôi những quyển sách bác mang theo, trong đó bác ghi chép khá đầy đủ. Đó như một bảng chứng khoán. Trong đó bác ghi ngày tháng, các loại cổ phiếu và giá cả của nó. Cũng màu mực xanh là giá cổ phiếu tăng, màu mực đỏ mà giá giảm, và màu đen là giá cổ phiếu không thay đổi. Bác ghi như vậy để quan sát, nắm bắt những quy luật lên xuống của giá cổ phiếu và từ đó rút ra kinh nghiệm, cổ phiếu nào cũng có quy luật lên xuống của nó. Và nếu nắm được quy luật đó, sẽ biết cách lách thị trường, và vẫn có thể “kiếm” được.
Tối nào tôi cũng phải về “tổng kết” và xem mai mua bán con nào. Mua bán con nào là phải quyết định từ tối hôm trước, hôm sau đến sẽ đặt lệnh ngay. Tuy nhiên, khó khăn là thế nhưng không được cá to, chỉ được tôm hoặc tép như lời bác nói ở trên.
“Tuy nhiên, khi nói về thị trường hiện nay, có thể nói thị trường chứng khoán như một cái nồi, có rất nhiều đáy, hết đáy nọ thủng lại đến đáy kia” – bác tâm sự. Nhà ở tận Giảng Võ, nhưng ngày nào bác cũng “lên sàn” này. Bác cho biết, những cổ phiếu nào mới lên sàn, có khi phải chịu cảnh giảm sàn đến chục hôm liền. Và khối lượng giao dịch thì thấp kỷ lục, đa phần là giao dịch chỉ vài chục cổ đến vài trăm, rất ít cổ phiếu có mức giao dịch cao.
Trái với nhà đầu tư kiên trì trên, thì người phụ nữ khác mà tôi hỏi lại hoàn toàn khác hẳn, chị cho biết, chị mua mấy nghìn cổ phiếu từ Tết đến giờ. Đến nửa năm rồi, nay giá xuống mất một nửa. Bán cũng chẳng đặng mà để cũng không xong. Chị “quên” luôn từ đó đến nay. Chị bảo, chị cũng chẳng quan tâm, đến nỗi bây giờ trong tài khoản của chị có cổ phiếu nào, số lượng bao nhiêu chị cũng không nhớ.
Quay sang hỏi bên công ty chứng khoán, những người nhập lệnh cho khách hàng, mấy người đang ngồi chơi dài tám chuyện. Trả lời câu hỏi về thị trường hiện nay, một cô lắc đầu: “Chán lắm chị ơi, chị nhìn giao dịch trên sàn thì biết”.
Nếu như trước đây, có những phiên giao dịch chứng khoán đạt hàng nghìn tỉ đồng, có những phiên đạt tới con số kỷ lục gần 2.500 tỉ đồng và nhà đầu tư như lên cơn sốt, đổ xô mở thêm tài khoản, đâu đâu cũng câu chuyện chứng khoán, bán mua, các doanh nghiệp liên tiếp cổ phần hóa, và số điểm tăng của thị trường luôn cao ngất, lên tới 16 – 17 điểm mỗi phiên, có những người đầu tư lãi đến 100%, thậm chí 200%. Và thời điểm đó, có thể nói chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Đối với bất cứ nhà đầu tư chuyên hoặc không chuyên, cứ bỏ tiền ra mua, được vài phiên, giá cổ phiếu lên, bán đi là có lãi, có thể chẳng cần hiểu rõ ràng chứng khoán là gì. Thế mới có chuyện các bà sồn sồn chuyên việc bếp núc cũng biết “lên sàn” để mua bán “trứng” đến những bác già đã nghỉ hưu cũng nghiên cứu thị trường chứng khoán là gì. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa…
Còn hiện nay, thị trường chứng khoán có thể gọi đó là phiên chợ chiều, giao dịch chỉ khoảng vài trăm, thậm chí dưới 500 tỉ đồng một phiên. Ngày 25/7, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào cảnh giao dịch ảm đạm, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt khoảng 450 tỉ đồng. Lý do bởi CPI được công bố tăng cao trong tháng 7 cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ đã tác động xấu đến tâm lý nhiều nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cũ thì thơ ơ, rút chân ra khỏi thị trường, nhà đầu tư mới không dám vào. Đó là bối cảnh chung của thị trường chứng khoán hiện nay. Nếu như bất động sản xuống giá, trở về với giá trị thực và khách hàng là những người được lợi, thì với chứng khoán, nhà đầu tư sẽ còn phải đối đầu với rất nhiều khó khăn.
Ngô Thị Chuyên