Sân bay Long Thành sẽ trở thành đô thị sân bay, cửa ngõ quốc gia đối với quốc tế
Mục tiêu Long Thành hướng tới trở thành một trong các đô thị trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và vùng động lực phía nam, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai. Đến trước năm 2030, Long Thành đạt tiêu chí đô thị loại III và sau năm 2030 hướng tới đô thị loại II.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đô thị Long Thành là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai; có vai trò là một trong các đô thị trọng điểm của vùng động lực phía nam và tiểu vùng trung tâm của vùng Đông Nam Bộ; đô thị động lực để phát triển kinh tế-xã hội tại vùng đô thị trung tâm tỉnh Đồng Nai.
Công suất thiết kế phục vụ cho 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước |
Phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Long Thành là toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành với tổng diện tích tự nhiên 430,62 km². Dự báo, quy mô dân số đô thị Long Thành đến năm 2030 khoảng 340 nghìn đến 370 nghìn người và đến năm 2045 khoảng từ 480 nghìn đến 500 nghìn người. Quy hoạch đô thị Long Thành đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và quy hoạch tỉnh Đồng Nai đang được tổ chức lập.
Khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng và lợi thế của Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia và vùng trên địa bàn để phát triển không gian đô thị, khu chức năng phù hợp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất đai.
Long Thành là đô thị gắn kết với sân bay Long Thành, trở thành khu vực cửa ngõ của quốc gia đối với quốc tế. Là trung tâm dịch vụ hậu cần hỗ trợ sân bay Long Thành; trung tâm logistics, kho vận, công nghiệp đa ngành, công nghiệp, công nghệ cao của vùng Đông Nam Bộ.
Cùng với đó, đô thị Long Thành sẽ là trung tâm liên kết, đầu mối giao thông, vận tải đa phương thức đối với quốc gia, cực phát triển trọng điểm phía nam, vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Đồng Nai. Đây còn là khu vực quan trọng về an ninh, quốc phòng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Đối với định hướng phát triển không gian đô thị Long Thành nghiên cứu mô hình phát triển, cấu trúc phù hợp với khai thác hiệu quả lợi thế của hệ thống hạ tầng khung của quốc gia và vùng, đặc biệt là sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc, đường sắt đô thị; tăng cường liên kết với các đô thị khác trong tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ.
Mối quan hệ về không gian giữa đô thị Long Thành với các đô thị lân cận của tỉnh Đồng Nai và với các đô thị trọng điểm khác trong vùng Đông Nam Bộ, như: thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu),...
Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; kết nối thuận tiện với hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia và cấp vùng; bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của khu vực; yêu cầu khai thác, vận hành, phát triển của sân bay Long Thành và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án xây dựng sân bay Long Thành đang được tăng tốc thực hiện, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2026. |
Cũng theo quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm bố trí kinh phí, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập Đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045, đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 theo quy định.
Tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trình tự, thủ tục lập Đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 về tính chính xác của các thông tin, số liệu, bản vẽ, hồ sơ bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 và hướng dẫn tỉnh Đồng Nai trong quá trình tổ chức thực hiện lập đồ án quy hoạch.
Minh Châu