"Kẻ cơ hội” và "người chân chính” cùng vào đề thi Văn
Đề thi Văn khối D năm nay gồm 3 câu, câu 1 (2 điểm) vào tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); câu 2: Nghị luận xã hội đưa vấn đề thực tế, khá hay đối với thí sinh: “Thần tượng là một nét đẹp văn hóa. Nhưng say mê quá là thảm họa”. Và câu 5 điểm gồm Chí Phèo (Nam Cao) và Vợ nhặt (Kim Lân) ở phần chương trình Chuẩn và Tràng giang (Huy Cận) ở phần chương trình Nâng cao.
Thí sinh Nguyễn Diệu Ly dự thi khối D, khoa Kinh tế đối ngoại (ĐH Ngoại Thương) cho biết, đề Văn khối D năm nay không khó, đúng trọng tâm ôn tập, độc đáo ở ý nâng cao của câu cuối 5 điểm khi phân tích hai câu kết của truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân). Em cũng cho rằng đề thi không quá dài, không gây áp lực cho thí sinh, Ly hồ hởi nói: “Em khá tự tin về bài thi của mình, chắc được khoảng 7 – 8 điểm. Như vậy là khá suôn sẻ với môn thi đầu tiên”.
Thí sinh Phan Mạnh Duy, dự thi khối D trường ĐH Quốc gia HN chia sẻ: “Môn Văn không phải sở trường của em nhưng em làm được 3 tờ giấy thi, đề năm nay hay, không khó mà lại tạo điều kiện cho thí sinh thoải mái thể hiện quan điểm”.
Duy cũng cho biết rằng, các môn khối A và Tiếng Anh mới là sở trường của em, nên Duy chỉ thi thêm khối D để thử sức, vì với số điểm khối A, em đã chắc đỗ vào Học viện Ngân hàng.
Với đề thi Ngữ văn khối D năm nay, rất nhiều thí sinh tỏ ra hào hứng với câu số 2 (3 điểm) bàn về “Ngưỡng mộ thành tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”, đề thi này đã đánh trúng tâm lý của bộ phận đông đảo các bạn thí sinh và được đánh giá là một câu hỏi rất hay.
Thí sinh Hoàng Phương Thảo, dự thi ĐH Hà Nội chia sẻ: “Khi đọc được câu hỏi này em thấy rất hưng phấn, vì bản thân em cũng có thần tượng. Tuy nhiên, việc các bạn thần tượng một cách quá đà, phá vỡ nét đẹp của việc hâm mộ, thần tượng thì lại là điều đáng trách. Đây là một câu hỏi rất hay, vừa thời sự lại vừa tâm lý, tạo điều kiện cho thí sinh thể hiện quan điểm cá nhân thoải mái”. Thảo cũng cho biết, với bài làm hôm nay, em có thể được 7 – 8 điểm.
Đồng quan điểm với Thảo, em Nguyễn Thị Trúc Lâm, dự thi ĐH Hà Nội cũng tỏ ra rất hào hứng với đề thi Ngữ văn: “Theo em, câu 3 điểm năm nay là câu hay nhất, em làm được gần 2 mặt giấy, chắc là hơi dài so với bình thường nhưng đó là những suy nghĩ của em, hi vọng các thầy cô chấm điểm cao. Khi nhận được đề thi, phòng em ai cũng tỏ ra hớn hở vì đề thi ra quá “chuẩn” với tình hình giới trẻ hiện nay mà chúng em nằm trong số đó”.
Cách đây không lâu, vấn đề “thảm họa thần tượng” đã trở nên nóng hổi trên các diễn đàn và trên các phương tiện truyền thông đại chúng sau một loạt các sự việc đáng báo động về tình trạng hâm mộ, thần tượng của giới trẻ, tuy nhiên, đó hoàn toàn là cách nhìn, cách đánh giá của người lớn.
Việc đưa vấn đề này vào đề thi để các em thí sinh thoải mái đưa ra quan điểm, suy nghĩ của mình về “thần tượng và cách thần tượng” tại một kỳ thi quan trọng khiến kỳ thi bớt áp lực và căng thẳng hơn; và thông qua đó, chúng ta còn có thể hiểu được suy nghĩ của các em với một hiện tượng khách quan của xã hội.
Bên cạnh đó, đề văn khối C năm nay cũng được các thí sinh đánh giá cao vì đề không quá dài và chỉ nằm gọn trong chương trình học. Đề thi gồm 3 câu: câu 1 (2 điểm) vào tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường); câu 2 – Nghị luận xã hội "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu”. Và câu 5 điểm với Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) ở phần Chuẩn và hai bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) và Tương tư (Nguyễn Bính) ở phần chương trình Nâng cao.
Thí sinh Nguyễn Mai Ly, dự thi trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ buổi thi môn Văn sáng nay: “Em làm cũng tạm ổn, đúng với tiêu chí của bản thân đặt ra, đề văn câu một thì khá là dễ, trong đề nghị luận văn học thì em chọn phần Nâng cao để làm, vì em rất thích những tác phẩm thơ trong chương trình và cũng ôn tập rất kỹ phần này. Có thể em sẽ được 7 điểm môn Ngữ văn”.
Cũng tại cụm thi này, thí sinh Lưu Hoàng Khánh chia sẻ: “Em đã hoàn thành khá tốt bài thi sáng nay, đề thi khá dễ, dạng đề cũng giống như em được ôn luyện ở trường. Em làm kín ba tờ giấy thi, vì đề không khó nên em làm khá thoải mái. Phần 5 điểm em chọn phần Chuẩn vì văn xuôi thường dễ viết hơn thơ”.
Phần lớn thí sinh đánh giá khá cao câu nghị luận 3 điểm: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu”. Thí sinh Hoàng Tuấn Anh, dự thi ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Em phân tích đề bài thành 2 phần và bài thi của em cũng có 2 luận điểm tương ứng về “kẻ cơ hội” và “người chân chính”, cùng sự khác biệt giữa “thành tích” và “thành tựu”. Câu này em viết được gần 2 mặt, em cũng khá hài lòng về bài thi sáng nay”.
Vương Tâm
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn