Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Tại phiên họp chiều nay, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ 6 nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật gồm: Đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi; mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi; mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; loại tiền gửi được bảo hiểm; mức phí bảo hiểm tiền gửi; hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Về đối tượng được bảo hiểm tiền gửi, có hai loại ý kiến: Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân. Một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm thu hút vốn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho phát triển kinh tế – xã hội. Về hai nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: đối với cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, việc quản lý tài chính phải tuân theo các quy định của các cơ quan, tổ chức và đối với doanh nghiệp cũng được quản lý chặt chẽ theo quản trị doanh nghiệp, theo quy chế nội bộ và văn bản pháp quy hiện hành. Do vậy, các tổ chức này không để nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi tại quỹ hoặc sử dụng vào việc khác không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất theo loại ý kiến thứ nhất, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân được quy định như trong dự thảo Luật trình Quốc hội.
Trong thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi với mục đích xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ về thị trường tài chính – tiền tệ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát triển, góp phần ổn định thị trường tài chính và tăng lòng tin của người dân với hệ thống tài chính trong nước.
Nhiều đại biểu đồng tình, về bản chất, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là định chế tài chính có nhiệm vụ góp phần bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) khẳng định: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên là một định chế độc lập. Theo đại biểu này, Ngân hàng Nhà nước trên thực tế là một cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép cũng như trực tiếp quản lý các hệ thống tín dụng. Trong khi đó chức năng của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao niềm tin của người dân, giám sát hệ thống tài chính quốc gia. Bảo hiểm tiền gửi còn thực hiện chức năng giám sát nhằm minh bạch hóa, công khai hóa trách nhiệm nhằm hạn chế khả năng xảy ra các đổ vỡ và bảo đảm sự ổn định, an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc), tổ chức bảo hiểm tiền gửi là một công cụ để Nhà nước giám sát, hạn chế rủi ro trong lĩnh vực tiền tệ cũng như bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Do đó, bảo hiểm tiền gửi phải do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: Vấn đề có ý nghĩa quan trọng, có ý quyết định của dự thảo Luật này là xác định địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo chưa làm rõ được mối quan hệ pháp luật giữa người gửi tiền và tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Do đó, rất khó để xác định được mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Về loại tiền gửi được bảo hiểm, đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng) vì chính sách quản lý ngoại hối nói chung chỉ cấm thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi đó nhà nước đang khuyến khích kiều hối và công nhận tiền gửi ngoại tệ, vàng và một trong các biện pháp đó chính là cơ chế bảo hiểm đối với các tài sản này.
Về quản lý, một số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật, giao Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước thành lập và quản lý nhà nước. Như vậy, sẽ gọn hơn, bớt khâu trung gian trong việc thực hiện chức năng quản lý.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động. Không nên coi Bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bởi điều này không phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, không phù hợp với vị trí pháp lý của Bảo hiểm tiền gửi hiện hành và sẽ không giải quyết được các bất cập của Bảo hiểm tiền gửi đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần vào việc đảm bảo tính an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi cần có địa vị pháp lý độc lập tương đối thể hiện trong các chính sách về tổ chức, triển khai các nghiệp vụ, vị trí pháp lý, mối quan hệ với các cơ quan nhà nước…
Cuối phiên làm việc chiều 23/5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.
Theo Chương trình làm việc, sáng nay 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011. Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010. Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam
-
Đại biểu Quốc hội: Có dấu hiệu đầu cơ, thao túng thị trường bất động sản
-
Chính sách cho nhà ở xã hội chưa khuyến khích được nhà đầu tư
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý 8 vấn đề trọng tâm để đảm bảo chất lượng dự án Luật
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các nội dung quan trọng khác
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam