Qatar - nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới - đang điều hướng cục diện địa chính trị
North Field East (NFE) - dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới từ trước đến nay sẽ nâng công suất sản xuất LNG của Qatar từ 77 triệu tấn mỗi năm (Mtpa) lên 110 Mtpa vào năm 2025. Nguồn: Qatargas. |
Chuyến thăm vào đầu năm 2022 của Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tới Mỹ và cuộc gặp của ông với Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vào tháng 3 vừa qua đã chỉ ra rằng, tiểu vương quốc này tiếp tục điều hướng một lộ trình tương đối trung lập giữa một bên là các khối quyền lực của Mỹ và các đồng minh, bên kia là Trung Quốc và các đồng minh. Những chuyến thăm nêu trên kéo theo những lo ngại ở Mỹ rằng, Qatar có thể đang chuyển hướng dứt khoát sang trục quyền lực của Trung Quốc. Quan điểm trung lập của Qatar trên hết là nhằm mục đích tránh xung đột trực tiếp với bất kỳ bên nào trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường và cho phép nước này duy trì vị thế là cường quốc khí đốt hàng đầu thông qua năng lực sản xuất LNG. Với sự phân hóa cung cầu hiện nay trên thị trường dầu khí, vị trí của Qatar là hết sức quan trọng.
Bản đồ ranh giới giữa hai mỏ South Pars của Qatar và North Dome của Iran |
Trong một thời gian dài, Qatar đã trở thành nhà xuất khẩu LNG số 1 thế giới dựa trên thế mạnh về tài nguyên tại khu vực North Dome rộng 6.000 km2. Địa điểm này cùng với khu vực rộng 3.700 km3 lân cận của mỏ South Pars của Iran, cho đến nay là một trong những cơ sở tài nguyên khí đốt lớn nhất thế giới. Theo một ước tính sơ bộ, toàn bộ khu vực rộng 9.700 km2 chứa ít nhất 1.800.000 tỷ ft3 khí đốt thiên nhiên (tương đương 50.976 tỷ m3) và ít nhất 50 tỷ thùng condensate. Mặc dù vậy, đã có lúc Qatar mất vị trí số 1 vào nhà sản xuất Úc, quốc gia đã xuất khẩu khoảng 77,5 triệu tấn LNG trong năm 2019. Sản lượng khai thác khí đốt và gia tăng xuất khẩu LNG của Úc như một lời nhắc nhở với Qatar rằng, sự cạnh tranh toàn cầu của họ trong lĩnh vực LNG đã tăng lên.
Trước sự cạnh tranh từ Úc, phản ứng của Qatar là tuyên bố kế hoạch tăng năng lực sản xuất LNG thêm 64% trong vòng 7 năm tới, đạt mục tiêu mới là 126 triệu tấn/năm vào năm 2027. Điều này đã thay thế mục tiêu lâu nay là 110 triệu tấn/năm vào năm 2025. Việc tăng năng lực sản xuất khí đốt dựa trên cơ sở phát hiện các lớp trầm tích sản sinh khí mới gắn liền với mỏ North Dome, nhưng nằm cách bờ biển của Qatar chỉ 12 km. Theo Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida Al-Kaabi, điều này cho phép Qatar tiến hành các công việc kỹ thuật tại hai cơ sở sản xuất LNG mới với tổng công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm.
Điểm mấu chốt mà Qatar cần phải vượt qua để đạt được những mục tiêu trên là đạt được thỏa thuận với nước láng giềng Iran về cách phát triển mỏ North Dome/South Pars. Từ năm 2005 đến cuối quý I/2017, chính quyền Qatar đã ra lệnh cấm phát triển thêm mỏ North Dome nhằm bảo tồn tài nguyên hydrocarbon chính của mình, song quyết tâm này đã sớm bị loại bỏ vì hai lý do chính. Thứ nhất, Qatar đã bị Úc vượt mặt để trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất. Thứ hai, lệnh cấm khai thác của Qatar đối với mỏ khí siêu lớn trên chỉ thúc đẩy thêm Iran phát triển tài nguyên tại khu vực này.
Để tìm kiếm một thỏa thuận chung, các cơ quan cấp cao từ Bộ Dầu mỏ Iran và Bộ Năng lượng Qatar đã bắt đầu một loạt cuộc họp để thống nhất về một kế hoạch phát triển chung mỏ North Dome/South Pars mới. Các cuộc họp này xoay quanh hai nội dung chính. Đầu tiên, Iran đồng ý ngừng các chương trình tìm kiếm thăm dò tích cực dọc theo các khu vực biên giới phân định (ranh giới giữa South Pars và North Dome). Thứ hai, Qatar đồng ý đàm phán với Trung Quốc và Nga để thảo luận về sự điều phối khí đốt trong tương lai; các hướng xuất khẩu và giá cả khí đốt của Iran, Qatar và Nga. Cần lưu ý, Iran và Trung Quốc đang thảo luận về việc mở rộng phạm vi thỏa thuận hợp tác 25 năm giữa hai nước, trong khi Nga rất muốn đảm bảo suôn sẻ sản lượng khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc (chủ yếu liên quan đến thỏa thuận mua khí đốt trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm, được ký vào tháng 5/2014). Phía Nga mong muốn, nguồn khí đốt của Iran sẽ không thế chỗ mình tại Trung Quốc cũng như ảnh hưởng ở châu Âu.
Các chuyên gia của Oilprice nhận định, các cuộc đàm phán giữa Qatar và Iran, cũng như các các thỏa thuận giữa Qatar và Trung Quốc đang gây ra những lo ngại ở Mỹ. Những lo ngại được khơi dậy bởi quan hệ căng thẳng giữa Qatar và KSA (đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông). Sau việc cô lập Qatar do KSA dẫn đầu, kéo dài từ năm 2017 đến năm 2021, Qatar đã bày tỏ quan điểm của mình về tương lai với KSA bằng động thái rút khỏi OPEC vào tháng 01/2019 sau 60 năm là thành viên. Động thái này cũng phản ứng hành động cân bằng khéo léo mà Qatar cần duy trì giữa hai nước lớn ở Trung Đông là KSA và Iran, không chỉ vì liên quan đến mỏ North Dome/South Pars mà còn xuất phát từ vị trí địa lý: KSA ở phía Tây và Iran ở phía Đông so với Qatar.
Qatar hiện đang tập trung vào lập lấp đầy khoảng trống cung cấp khí đốt trên thị trường liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Kế hoạch sản xuất 77 triệu tấn/năm và tăng lên 126 triệu tấn/năm vào năm 2027 vẫn được giữ nguyên. Qatar cũng là chủ sở hữu phần lớn cổ phần tại cảng Golden Pass LNG ở bang Texas cùng với đối tác ExxonMobil. Công suất xuất khẩu của cảng lên đến 18,1 triệu tấn/năm và cảng dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Trong tháng 11/2021, Qatar đã đặt hàng 6 tàu vận chuyển LNG với các nhà máy đóng tàu của Hàn Quốc, nhằm phục vụ mở rộng xuất khẩu LNG trong tương lai. Đây là một phần của chương trình đóng 100 tàu chở LNG đến năm 2027, trị giá 19,2 tỷ USD của Qatar (được công bố vào tháng 4/2021), trong đó Qatar đặt hàng đóng mới các tàu LNG tại ba nhà máy đóng tàu của Hàn Quốc và tại nhà máy Hudong Zhonghua của Trung Quốc.
Tiến Thắng
-
Kỳ I: A. Yakovlev - “Kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ nhằm xóa sổ Liên Xô khỏi bản đồ thế giới
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines