Phó Thủ tướng Thường trực dự khởi công dự án Xử lý chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng đã nỗ lực, cố gắng, phối hợp với cơ quan chức năng của Hoa Kỳ thực hiện khối lượng rất lớn công việc và làm tốt công tác chuẩn bị, để chính thức khởi công Dự án và tiến hành ký kết bản Thỏa thuận.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm, song hậu quả chất độc hóa học đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái đến nay vẫn rất nặng nề. Số liệu thống kê cho thấy, ngoài các điểm nóng ô nhiễm vẫn chưa được tẩy độc như tại khu vực sân bay Biên Hòa còn có trên 3,6 triệu ha rừng đã bị hủy diệt, 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó thế hệ thứ 2, thứ 3 là con cháu của những người đã bị phơi nhiễm vẫn phải gánh chịu những di chứng nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và thực hiện các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn môi trường sống là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, vừa thể hiện tính nhân văn nhân đạo, vừa bảo đảm những yếu tố cốt lõi cho đất nước phát triển vững bền và thịnh vượng.
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, đối tác quốc tế đã thực hiện chôn lấp, cô lập hàng trăm ngàn mét khối đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa và Phù Cát; tẩy độc thành công hơn 150.000 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng; bàn giao hơn 32,4 ha đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; triển khai các hoạt động chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật ở một số tỉnh bị phun rải nặng chất da cam.
“Sự kiện khởi công dự án Xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 và Lễ ký kết Thỏa thuận viện trợ dự án hỗ trợ người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam ngày hôm nay thể hiện cam kết mạnh mẽ của phía Hoa Kỳ cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học do chiến tranh để lại đối với cả môi trường và con người tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Điểm nóng về dioxin lớn nhất, phức tạp nhất ở Việt Nam tại sân bay Biên Hòa chính thức được bắt đầu xử lý đã đáp ứng niềm mong mỏi của người dân khu vực sân bay Biên Hòa. Sau khi dự án hoàn thành, điểm nóng dioxin khu vực sân bay Biên Hòa chỉ còn trong quá khứ, người dân hoàn toàn yên tâm sinh sống, thành phố Biên Hòa sẽ có diện tích lớn đất sạch để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Với ý nghĩa quan trọng của 2 dự án này, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án Xử lý chất độc dioxin khu vực sân bay Biên Hòa với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả, đặc biệt chú ý bảo đảm các biện pháp an toàn, phòng tránh phơi nhiễm dioxin của các công nhân thi công, bộ đội, nhân dân địa phương trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt, lưu ý việc bảo đảm xử lý triệt để theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe con người và môi trường trong toàn bộ quá trình xử lý.
Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, chủ đầu tư dự án Xử lý chất độc dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1, cần thực hiện đúng chức năng quản lý chuyên ngành, chấp hành nghiêm các quy trình. Đặc biệt, làm tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng, giám sát, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, chặt chẽ quá trình thi công thực hiện dự án, bảo đảm nguồn vốn đầu tư hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí; định kỳ báo cáo Bộ Quốc phòng về tiến độ và những vấn đề vướng mắc phát sinh để kịp thời xử lý, phấn đấu sớm hoàn thành công trình theo tiến độ.
Đảng bộ, chính quyền thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai dự án Xử lý chất độc dioxin khu vực sân bay Biên Hòa; vận động người dân tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công thực hiện hoàn thành dự án, đồng thời có trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực dự án.
Các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công cần có giải pháp bố trí nhân lực hợp lý, năng lực kỹ thuật với có đầy đủ trang thiết bị tổ chức thi công phù hợp với điều kiện thực tế tại hiện trường; quá trình thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, tuyệt đối an toàn bảo đảm đạt chất lượng cao và theo đúng tiến độ đã phê duyệt; có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện quản lý, giám sát tốt việc triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường phát huy vai trò đầu mối hợp tác quốc tế và tiếp nhận, chủ trì tổ chức quản lý sử dụng các nguồn tài trợ quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc hóa học và xử lý ô nhiễm môi trường (đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 21/6/2019), phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ và các địa phương sớm cụ thể hóa Thỏa thuận viện trợ, đẩy nhanh việc triển khai dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam để người khuyết tật, nạn nhân chất da cam/dioxin được chăm sóc y tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Chính phủ, với trách nhiệm của mình, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để 2 dự án này được triển khai thuận lợi và có hiệu quả thiết thực, mang lại cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho người dân. Chính phủ kêu gọi sự chung tay, góp sức và vào cuộc của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, bảo đảm an toàn về môi trường đất, môi trường sống cho người dân trên những vùng đất bị ảnh hưởng”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Nhân sự kiện này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ, Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Bỉ... đã cùng hợp tác, chung tay với Chính phủ và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học/ dioxin nói riêng và khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung trong những năm qua.
P.V
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn