Phó Chủ tịch UB ATGTQG nói về quy định "uống rượu bia thì không lái xe"
Quy định mới về việc cấm uống rượu/bia khi lái xe có gì khác biệt? |
Liên quan đến việc Quốc hội chính thức thông qua quy định “đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông” trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Phó Chủ tịch UB ATGTQG Khuất Việt Hùng. |
PV: Xin ông cho biết về quy định “Đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông” trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua?
Ông Khuất Việt Hùng: Cần phải khẳng định rằng, các quy định pháp luật liên quan tới phòng chống và xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với lái xe đường bộ đã có từ lâu chứ không phải bây giờ mới đưa vào luật. Trong luật giao thông đường bộ hiện hành đã quy định khá nghiêm ngặt như cấm tuyệt đối tài xế ôtô không có nồng độ cồn. Ngoài ra, người đi mô-tô, xe máy có nồng độ cồn 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Quy định này được đánh giá là khá nghiêm ngặt so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, dù luật khá nghiêm ngặt, nhưng tình trạng vi phạm vẫn phổ biến và phức tạp. Dẫn chứng là thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người tử vong. Đáng chú ý là các vụ lái xe tông hàng loạt người trong tình trạng say xỉn gây bất bình trong xã hội.
Chúng ta thấy khi Quốc hội lấy ý kiến của các đại biểu về 2 phương án tại thời điểm đó vẫn chưa được đồng thuận và dư luận đã đẩy làn sóng mạnh mẽ tỏ ra rất quan tâm và mong muốn Quốc hội xem xét lại. Khi Quốc hội xem xét lại và thông qua quy định của luật cấm rượu bia đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Qua đó, chắc chắn lực lượng chức năng bao gồm cả CSGT, Thanh tra giao thông... sẽ thuận lợi hơn nhiều khi xử lý vi phạm trong quá trình thực thi.
PV: Ông hy vọng điều gì ở quy định mới này?
Ông Khuất Việt Hùng: Mặc dù đến 1/1/2020 Luật mới có hiệu lực chính thức, từ nay đến 2020 Quốc hội và Chính phủ sẽ hoàn thiện những quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là quy định xử phạt để kịp thời gian luật có hiệu lực.
Tôi rất hy vọng, luật này và các quy định kèm theo sẽ tạo ra động lực về mặt xã hội được toàn dân cùng ủng hộ công tác đảm bảo an toàn giao thông nói chung và phòng chống sử dụng rượu bia nói riêng sẽ giúp cho tình hình trật tự an toàn giao thông tốt lên, tai nạn giao thông giảm. Khi luật có hiệu lực, cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng tài xế, chống đối người thi hành công vụ, thực thi pháp luật. Tài xế sẽ không còn cơ sở để chối cãi những hành vi uống rượu bia của mình.
PV: Việc thông qua quy định “Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông” thể hiện điều gì, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có một ý nghĩa rất to lớn. Các vụ tai nạn đã gây bức xúc trong dư luận, cho nên việc Quốc hội quy định chặt chẽ hơn về sử dụng rượu bia, với quy định này là nghiêm cấm tuyệt đối những người sử dụng rượu bia không được phép lái xe là thể hiện một cam kết rất mạnh của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đối với tác hại của rượu bia gây ra đối với an toàn giao thông.
Đây chỉ là một quy định liên quan tới 1 hành vi nhưng đã thể hiện sự quan tâm rất lớn và cam kết mạnh của Quốc hội đối với công tác an toàn giao thông nói chung. Có thể, khi luật này ban hành thì sẽ bao chùm tất cả các quy định về nồng độ cồn trước đây. Từ đó, các lĩnh vực Hàng không, Đường bộ, Đường sắt... đều phải soi chiếu lại để điều chỉnh trong các Nghị định xử phạt. Trước tiên, Nghị định xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông, đường bộ, đường sắt và các lĩnh vực khác.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đọc báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; ý kiến khác đề nghị vẫn giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hai phương án, trong đó phương án Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là phương án 1. Nhưng các phương án này đều không đạt được trên 50% đại biểu Quốc hội tán thành. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông. |
Xuân Hinh
-
Cả nước xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông trong ngày nghỉ lễ 30/4
-
Tái diễn tình trạng phơi thóc trên mặt đường quốc lộ
-
Tập trung xử lý 5 nhóm hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông
-
Liên tiếp xảy ra tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân
-
Mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí