Philippines nói Trung Quốc không thiện chí khi điều tàu chiến vào lãnh hải
Người phát ngôn Phủ tổng thống Philippines Salvador Panelo. Ảnh: Philstar. |
"Chúng tôi bày tỏ lo ngại đối với loại sự cố đó. Bởi nếu họ nói rằng chúng ta là bạn, tôi không nghĩ đây là hành động của tình bạn", người phát ngôn Phủ tổng thống Salvador Panelo nói trong buổi họp báo hôm nay.
Bình luận của ông Panelo được đưa ra sau khi trung tướng Cirilito Sobejana, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tây Mindanao của Philippines, hôm 14/8 cho biết hai tàu chiến Trung Quốc xuất hiện dọc eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi của Philippines trong tháng 7 và ba chiếc khác bị phát hiện trong tháng 8.
Sobejana nói rằng tàu chiến Trung Quốc "không phải thù địch" nhưng sự hiện diện của họ là không hợp tác với chính phủ Philippines. Quân đội Philippines đã điều động các phương tiện không quân và hải quân để buộc tàu chiến Trung Quốc phải đổi hướng di chuyển.
Người phát ngôn Phủ tổng thống nói rằng ông có thể nêu vấn đề này với đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa và Phủ tổng thống đang chờ đợi động thái tiếp theo của Ngoại trưởng Teodoro Locsin. "Nếu có sự vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), chúng tôi gửi công hàm ngoại giao để phản đối", Panelo cho hay.
Theo UNCLOS, tàu nước ngoài được quyền đi qua lãnh hải của quốc gia ven biển mà không cần báo trước, miễn là đi qua vô hại hoặc di chuyển theo đường thẳng hướng ra ngoài biển. Tuy nhiên, Philippines từ trước đến nay luôn yêu cầu tàu chiến nước ngoài liên lạc với chính phủ nước này trước khi đi qua và chiến hạm các nước cũng luôn tuân thủ quy định này.
Tướng Sobejana khẳng định hành trình của các chiến hạm Trung Quốc không thể được xem là đi qua vô hại vì chúng không di chuyển theo đường thẳng. Ngoài ra, những tàu chiến này còn tắt hệ thống nhận diện tự động khiến Philippines không thể liên lạc bằng radio.
Quan hệ Philippines - Trung Quốc được tăng cường đáng kể dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, nhưng ông vấp phải không ít phản ứng từ các quan chức và dư luận do các đối sách bị coi là "nhu nhược" trước các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Duterte dự kiến thăm Trung Quốc cuối tháng này để thảo luận về các vấn đề song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Theo VNE
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất