Làm đường cao tốc Bắc Nam: Thiếu vốn cũng không thể hy sinh thành bẫy nợ
Chia sẻ với phóng viên Dân Trí xung quanh chủ đề 50% hồ sơ ứng tuyển của nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vòng sơ tuyển của 8 dự án đầu tư đường cao tốc Bắc Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh bày tỏ lo ngại đây là chiến lược một vành đai, một con đường của Trung Quốc; đồng thời chúng ta không thể chấp nhận hy sinh, đánh đổi để lấy về bẫy nợ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính |
Thưa ông, vòng sơ tuyển 8 dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam đã có sự hiện diện của 30/60 hồ sơ của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, phải nói rằng nhà đầu tư Trung Quốc rất quan tâm dự án đặc biệt quan trọng này, theo ông vì sao?
- Trung Quốc đang trên đà trở thành nước xuất khẩu vốn, nhà đầu tư lớn, thời gian gần đây trong khu vực và thế giới, vốn họ tăng mạnh, song luồng vốn của họ đi liền với ảnh hưởng chính trị, mục tiêu. Vốn của họ vào Việt Nam cũng là bình thường.
Thực ra việc Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam là mong muốn theo chiến lược "một vành đai, một con đường" - (nhất đới, nhất lộ) mà Trung Quốc đang thực hiện khắp các nước châu Phi, Tây Á và đang thực hiện ở các nước ASEAN. Thời gian qua, chúng ta nhìn thấy có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi kỹ thuật và thời gian gây nên mất uy tín đối với Việt Nam.
Việc các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là quy luật của hội nhập, nhưng chúng ta trong quá trình mời thầu thì phải chọn thầu, sàng lọc nhà thầu.
Chúng ta có khả năng chọn lọc và quyền lựa chọn nhà đầu tư bằng quyền của chủ nhà, phải đề ra tiêu chí để phân biệt nhà đầu tư tốt và ngăn cản nhà đầu tư không tốt. Chúng ta cũng phải ngăn chặn ngay những nhà đầu tư không đáp ứng được như từng có lịch sử không tốt ở Việt Nam và các nước khác.
Quyền clựa chọn các đối tác là của chúng ta và đây là trách nhiệm của chúng ta chứ không ai khác. Vào tới các vòng sâu hơn của quá trình đấu thầu dự án, Việt Nam cần đặt ra yêu cầu, đòi hỏi với nhà đầu tư ràng buộc trách nhiệm về vốn.
Chúng là người đặt "cuộc chơi" nên phải buộc các nhà đầu tư "chơi" theo cách của chúng ta mà vẫn được luật pháp quốc tế ủng hộ và cũng cần có cơ chế xử phạt rõ ràng những ai vi phạm cuộc chơi này.
Có một số quan điểm cho rằng Việt Nam muốn xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh song thiếu vốn nhất là các đại dự án. Với 13 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam thì vốn Nhà nước chỉ đảm bảo 3 dự án, còn lại 8 dự án phải kêu gọi vốn PPP. Như vậy, thiếu vốn trong nước, thiếu cả các nhà đầu tư chất lượng, liệu Việt Nam có phải bấm bụng chấp nhận nhà đầu tư kém?
- Đúng thật là chúng ta thiếu vốn và cần vốn nhưng không phải hy sinh để trở thành gánh nặng, bẫy nợ như một số quốc gia châu Phi đang gặp phải khi Trung Quốc đầu tư. Không có lý gì thấy họ như vậy rồi, có bài học như vậy mà chúng ta còn sa vào.
Các dự án đầu tư, chúng ta có những bài học nhãn tiền rồi, không có lý gì để chúng ta chấp nhận tiếp các nhà đầu tư kém để nó thành gánh nặng từ Trung Quốc. Thiếu vốn, chúng ta cũng không nên chấp nhận nhà đầu tư Trung Quốc yếu kém.
Tại vòng sơ tuyển, có rất nhiều doanh nghiệp Việt tham gia, trong đó có những cái tên lớn như VEC, Đèo Cả, Cottecons, Sơn Hải... ông có ủng hộ họ thực hiện dự án và liên kết nhau thực hiện các dự án nếu được chấp nhận đầu tư, trúng thầu hay không?
- Đối với doanh nghiệp Việt, tôi cho rằng rất nhiều doanh nghiệp họ đã triển khai thành công các dự án cầu đường, hầm tại Việt Nam. Đào hầm xuyên qua núi ở Hải Vân, Đèo Cả... đều là những công trình đòi hỏi kỹ thuật cao. Hay việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai - Thái Nguyên.... đều là những tuyến đường rất quan trọng do nhiều doanh nghiệp Việt, liên danh làm.
Hay các công trình nhà cao tầng của các tập đoàn lớn cũng đều do các công ty xây dựng lớn làm lên. Đó là tên tuổi, đó là chất lượng, họ hoàn toàn đủ năng lực để làm đường cao tốc.
Điều quan trọng chỉ là công nghệ thi công ra sao, yêu cầu về chất lượng thế nào và đặc biệt là yêu cầu tiến độ để họ hoàn thành. Tôi nghĩ nếu một doanh nghiệp Việt không đủ sức làm thì họ liên kết nhau, các doanh nghiệp Việt cùng làm.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Dân trí
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu Iran?
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp
-
Thủ tướng: Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với hướng tuyến thẳng nhất có thể
-
Hoa Kỳ, Ấn Độ hợp tác khai thác khoáng sản quan trọng ở các nước thứ ba