Phê bình nghiêm túc, xử lý nghiêm minh
Các vụ việc này đều liên quan đến những người có chức, có quyền... gây bức xúc trong dư luận. Một vấn đề đặt ra: Có phải luật pháp và các quy định pháp lý của chúng ta còn thiếu hoặc chưa hợp lý? Chắc chắn không phải như vậy.
Vấn đề đáng quan tâm là, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.
Tìm trong lịch sử, có bao điều đáng suy nghĩ. Mỗi người dân đất Việt không ai là không được học về đạo đức, kể từ khi đi học mẫu giáo, trải qua các bậc học phổ thông cho đến khi trưởng thành. Đạo đức học trò là lễ phép, kính trọng, vâng lời thầy, kính trọng người trên; đạo đức của người con là phải có hiếu với ông bà, cha mẹ; đạo đức của người làm quan là biết vì dân, lắng nghe, học hỏi dân, tránh những việc không được và không nên làm, v.v... Người làm quan không liêm chính ảnh hưởng rất lớn đối với số phận của dân chúng. Người làm quan mà tham lam vô độ thì không những làm người dân khốn khổ mà còn nguy hại đến an nguy của quốc gia. Dẫu ở thời đại nào, triều đại nào người ta cũng luôn mong có những ông quan thanh liêm, chính trực để dân cậy nhờ. Điều đó càng đòi hỏi rất lớn trong chế độ xã hội chúng ta, khi Đảng, Nhà nước luôn xác định: Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân.
Hiện nay, đạo đức xã hội đang suy thoái một cách nghiêm trọng, nhất là đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Căn bệnh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi và nhiều biểu hiện tiêu cực khác diễn biến ngày càng phức tạp, khiến cho niềm tin của nhân dân đối với Đảng giảm sút.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ, trong thời gian tới cần: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân”.
Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là điều mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn. Người đã dạy: Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Điều Bác căn dặn đã khẳng định giá trị cơ bản của một con người là đức và tài, trong đó đức là gốc. Tài là tài năng, kiến thức, kinh nghiệm sống, để người cán bộ có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Tài năng không chỉ là thiên bẩm mà phần lớn do học tập, rèn luyện, kiên trì phấn đấu mà nên. Còn đức không phải là những điều cao siêu, mà chính là phẩm chất, lối sống, tác phong… Người có đức biết tôn trọng và lắng nghe mọi người, biết hy sinh quyền lợi cá nhân vì quyền lợi tập thể. Điều này hoàn toàn ngược lại với những kẻ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, ganh ghét, đố kỵ, không muốn người khác hơn mình. Thậm chí “chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.
Khi nói đến tiêu chí đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, cần chú trọng cả đức và tài, trong đó phẩm chất đạo đức tốt là yếu tố cơ bản đối với người cán bộ, đảng viên. Tiếc rằng, trong bộ máy công quyền còn không ít cán bộ cơ hội, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, khiến cho thật giả lẫn lộn, người có tài năng thật sự không được sử dụng đúng, không phát huy được năng lực, sở trường của bản thân.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các tổ chức đảng cần phê bình mạnh mẽ, xử lý nghiêm túc những kẻ tham nhũng, thoái hóa, biến chất; những người đã lợi dụng cương vị được giao, cố ý làm trái, thông đồng, móc ngoặc với nhau để làm ăn phi pháp, kiếm lời bằng mọi giá, có những kẻ đã lợi dụng chức vụ, tham ô, làm thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng. Những người coi nhiệm vụ được giao là cơ hội làm ăn để kiếm khoản hoa hồng béo bở từ các dự án, làm giàu bất chính, để khi đã có tiền thì tìm cách “mua” chức quyền hòng tiếp tục tiến thân. Chính bộ phận không nhỏ này đã làm hoen ố hình ảnh người cán bộ, công chức, làm giảm hiệu lực lãnh đạo, quản lý; phá vỡ các quy trình, quy định, làm suy yếu tổ chức đảng, mất niềm tin của quần chúng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng đặc quyền, đặc lợi trong đảng và trong các cơ quan Nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh...”.
Đã chỉ rõ bệnh, vấn đề là phải bốc đúng thuốc và dùng thuốc, không để xảy ra nhờn thuốc. Việc kiểm điểm, tự phê bình, phê bình lần này phải làm kiên trì, quyết liệt hơn, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, nhất là chính sách cán bộ. Không dừng lại ở việc răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, mà phải xử lý nghiêm minh, trừng trị đích đáng những kẻ phạm tội. Các phiên tòa xét xử các vụ đại án gần đây thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, được nhân dân quan tâm theo dõi, đồng tình, tạo đà rất quan trọng để tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Thanh Cao
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam