Phát huy tiềm năng hệ thống sông, hồ
Hồ Tây có vị trí quan trọng về giá trị văn hóa được thể hiện trong nhiều sách sử, nhiều áng thơ văn. Ảnh: Trần Anh |
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội cho ý kiến ngày 20/6/2024. Các ý kiến đều đánh giá cao chất lượng, nội dung của Quy hoạch. Một trong những nội dung gây ấn tượng với đại biểu Quốc hội là việc phát huy tiềm năng hệ thống sông, hồ để phát triển Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, xanh, thông minh.
Lợi thế lớn của Thủ đô
Hà Nội là TP có mạng lưới sông ngòi và hệ thống ao, hồ khá dày đặc với mật độ trung bình khoảng 0,5-1,0 km sông/km2 diện tích. Đây là đặc điểm tự nhiên độc đáo tạo nên bộ mặt địa lý đặc trưng của Thủ đô.
Trong đó, có hai con sông lớn chảy qua TP Hà Nội là sông Hồng và sông Đà. Đây cũng chính là hai con sông lớn nhất ở miền Bắc nước ta, có giá trị rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là gắn với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, gắn với văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, kết nối văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Trong tư duy về phong thủy của người Việt xưa, sông Hồng là bầu sữa nuôi sống người dân, nhưng nói đến linh thiêng phải là sông Đà, núi Tản và bên kia sông Đà là Đất Tổ. Bên cạnh đó, hệ thống sông nội đô, đặc biệt là sông Tô Lịch, đã gắn bó suốt chiều dài lịch sử của Thăng Long - Hà Nội”.
Bên cạnh hệ thống sông, một điểm đặc thù nữa là Hà Nội còn sở hữu hệ thống ao, hồ khá đa dạng với khoảng 115 hồ nội thành, 12 hồ lớn ở ngoại thành (trên 5ha, không kể ao). Đặc biệt, một số hồ có vị trí quan trọng về giá trị văn hóa được thể hiện trong nhiều sách sử, nhiều áng thơ văn như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch,...
Nhiều không gian văn hóa hiện đang được quan tâm, khai thác có hiệu quả như không gian văn hóa Hồ Tây, không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm,... Bên cạnh đó, nhiều hồ có giá trị cảnh quan đô thị quan trọng, có chức năng điều tiết nguồn nước mặt, tiếp nhận và thoát nước mưa, nước thải cho các khu dân cư. Nguồn nước từ các hồ còn được sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, do tác động của quá trình đô thị hóa và sức ép dân số, nhiều sông, hồ ở Hà Nội đang dần bị suy thoái, ô nhiễm. Một số hồ bị thu hẹp diện tích do bị lấn chiếm đất đai, san lấp để xây dựng.
Tình trạng xả rác thải, nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống sông, hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều hồ bị bồi lắng do quá trình phù sa bồi đắp tự nhiên và không được nạo vét định kỳ. Việc khai thác tài nguyên nước và phát triển kinh tế xung quanh các hồ chưa theo quy hoạch chặt chẽ.
Các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các khu vực sản xuất, kinh doanh vùng ngoại thành có chất lượng giảm sút, ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ, Đáy,...
Bảo tồn, kiến tạo không gian đặc sắc
Xác định được tầm quan trọng của sông, hồ Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô đã nhấn mạnh nội dung này trong khâu đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan với tư tưởng khai thác các giá trị cảnh quan, môi trường đặc trưng của Hà Nội để phát triển Thủ đô.
Trong đó, xác định trước năm 2030, làm sống lại các dòng sông nội đô, bảo vệ nghiêm ngặt các hồ, không gian mặt nước; khai thác lợi thế cảnh quan hệ thống sông, hồ để tạo không gian sinh thái đặc sắc của Thủ đô, nhất là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch. Đây đồng thời cũng được xác định là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên hàng đầu khi triển khai Quy hoạch Thủ đô.
Đặc biệt, các nội dung về quy hoạch sông Hồng được quan tâm như Kết luận số 80-KL/TW đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ”.
Việc khai thác, phát huy tiềm năng hệ thống sông, hồ Hà Nội trong phát triển Thủ đô tiếp tục được thể hiện khá cụ thể trong các nội dung về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch. Có thể kể đến như khai thác các hành lang du lịch dọc các sông như sông Hồng, sông Tô Lịch,...
Xây mới các công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao gắn với trục cảnh quan sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Tích. Phát triển không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm, khu phố cổ Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Tây, khu vực Văn Miếu và vùng phụ cận, khu vực hồ Ngọc Khánh, hồ Thiền Quang, thành cổ Sơn Tây, dọc theo trục không gian văn hóa sông Hồng...
Hình thành không gian triển lãm văn hóa nghệ thuật hai bên bờ sông Hồng; xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng mang nét văn hóa biểu trưng của Thủ đô; bố trí, tạo điểm nhấn cho không gian các đô thị cửa ngõ phía Bắc sông Hồng, phía Tây và phía Nam thành phố, trục cảnh quan sông Hồng, sông Đáy, sông Tô Lịch,...
Hình thành một số công trình văn hóa mới của Thủ đô và cả nước, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới, gắn với quảng trường và không gian lễ hội trên trục Hồ Tây - Cổ Loa, Hồ Tây - Ba Vì và các cầu qua sông Hồng...
Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là Quy hoạch Thủ đô lần này đã chú trọng phát triển hệ thống giao thông đường thủy, vốn là loại hình giao thông chủ yếu của Hà Nội trong lịch sử do lợi thế về địa hình nhiều sông nước, nhưng đã bị mai một và chưa phát huy được hiệu quả trong giai đoạn qua.
Qua đó, xác định giao thông đường thủy, bao gồm cả vận chuyển hàng hóa và phục vụ hành khách, đặc biệt khách du lịch là loại hình giao thông quan trọng và đặc sắc của Thủ đô.
Các tuyến giao thông đường thủy kết nối liên vùng, góp phần mở rộng không gian phát triển Thủ đô hướng biển; đồng thời kết nối Vùng đồng bằng sông Hồng với vùng Trung du miền núi phía Bắc qua các con sông Hồng, sông Đuống, sông Đà,...; mở rộng, phát triển không gian đô thị, phát triển các tuyến du lịch độc đáo không chỉ qua các con sông ngoại thành như sông Cà Lồ, sông Thiếp... mà cả trong nội đô như sông Tô Lịch, sông Tích.
Bên cạnh đó, Quy hoạch Thủ đô đã chú trọng phương án quy hoạch hệ thống sông, hồ để bảo đảm an ninh nguồn nước, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các nhu cầu một cách công bằng, hợp lý. Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước từ hệ thống sông, hồ đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển kinh tế - xã hội; cảnh quan đô thị; đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu cho thấy, khai thác tiềm năng hệ thống sông, hồ sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ngàn đời qua các không gian văn hóa mà trung tâm là hệ thống sông, hồ như không gian văn hóa sông Hồng, Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm,..., góp phần tạo không gian phát triển kinh tế đô thị, không gian cảnh quan, không gian công cộng, đặc biệt là không gian xanh. Đồng thời, hệ thống sông, hồ cũng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống thoát nước, chống ngập úng cho khu vực đô thị của Thủ đô. |
Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị
-
Hội thảo phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển
-
Quảng Nam: Trong 8 phút xảy ra 3 trận động đất
-
Vì sao mưa lũ ngày càng nghiêm trọng?
-
Quảng Nam đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
-
Kinh nghiệm phòng chống lũ ống, lũ quét