Bài 3: Nhất thanh, nhất lịch Kinh kỳ Thăng Long
Bắt đầu từ gia đình, nhà trường
“Đất lành, chim đậu”, việc người dân tứ xứ đến Thủ đô học tập, sinh sống, làm việc là quy luật tất yếu. Xét trên góc độ xã hội, điều này chỉ có ảnh hưởng, tác động, chứ không quyết định đến sự mai một văn hóa và tính cách của người Hà Nội.
Cũng bởi thế, nếu nói về sự mai một văn hóa, phẩm chất của người Hà Nội thì yếu tố giáo dục mới là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là giáo dục những nét thuần phong mỹ tục truyền thống trong gia đình.
Học sinh đọc sách tại thư viện cộng đồng tại xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Ảnh: Tùng Nguyễn |
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học), gia đình truyền thống rất chú trọng đến dạy kỹ năng giao tiếp, nhất là về lời ăn, tiếng nói. Dù vậy, đây cũng là khía cạnh dễ bị tác động, bởi Hà Nội là nơi bác tạp về thành phần dân cư, nghề nghiệp, lối sống.
Con người sinh ra, lớn lên hoặc từ nơi khác đến Hà Nội dễ học được cái hay, cái đẹp nhưng cũng dễ bị nhiễm thói hư, tật xấu. Vì vậy, giữ nét thanh lịch của người Tràng An, phải bắt đầu từ môi trường giáo dục, từ gia đình, nhà trường và xã hội.
PGS.TS Bùi Xuân Đính nhấn mạnh vai trò của gia đình trong gìn giữ phẩm cách của người Hà Nội, bởi một trong những chức năng quan trọng nhất của gia đình là giáo dục và trao truyền văn hóa. Nhân cách của một con người được hình thành trước hết từ gia đình, do đó gia đình phải có trách nhiệm giáo dục và trao truyền những giá trị tốt đẹp nhất.
Trách nhiệm nữa cũng đến từ phía nhà trường. Đây là môi trường giáo dục có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách và văn hóa của một con người. Nhà trường không chỉ là nơi truyền bá kiến thức mà còn phải là môi trường giáo dục nhân cách.
Nhận thức được vấn đề này, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” đã được ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa vào giảng dạy cho học sinh cấp THCS từ năm 2012. Đây được xem là một giải pháp cụ thể, có ý nghĩa thiết thực.
Cô Trịnh Thị Minh Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Duyên Hà (huyện Thanh Trì), cho biết bộ tài liệu đã góp phần giáo dục cho học sinh về thái độ và hành vi cần có trong giao tiếp, sinh hoạt, ứng xử, để xây dựng hình ảnh của một học sinh thanh lịch, văn minh.
Một số nhà giáo cũng chia sẻ, hiện nay, số lượng học sinh từ các tỉnh, thành theo bố mẹ về Hà Nội học tập rất lớn. Việc đưa những nội dung giảng dạy về người Hà Nội là cần thiết để cung cấp kiến thức và xây dựng những phẩm chất thanh lịch, văn minh cho học sinh ngay trên ghế nhà trường.
Việc xây dựng các giá trị trong trường học được các địa phương đặc biệt quan tâm. Điển hình như tại quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương chia sẻ: “Chính quyền địa phương đã chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục đưa vào giảng dạy hiệu quả bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh”; “Tây Hồ - vùng đất và con người”. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học; 100% cán bộ, giáo viên, học sinh được tuyên truyền, phổ biến về những hành vi ứng xử có văn hóa; 100% các cơ sở đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, thân thiện...”.
Vai trò giáo dục không thể chỉ dựa vào nhà trường mà coi nhẹ giáo dục trong gia đình. Thực tế cho thấy giáo dục trong gia đình hết sức quan trọng; nếu mọi gia đình có nền nếp, có văn hóa thì sẽ có một xã hội văn hóa... PGS.TS Hà Đình Đức |
Ứng xử tạo dựng bộ mặt văn hóa
Tổ dân phố số 23 (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) hiện có hơn 400 hộ dân. Trong những năm qua, việc triển khai xây dựng “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” được chú trọng, gắn với các chuẩn mực đạo đức gia đình, xã hội. “Các gia đình trong tổ được tuyên truyền, vận động thực hiện tốt quy định về nền nếp văn hóa, sinh hoạt cộng đồng.
“Người dân chung tay giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; đặc biệt là giáo dục con em trong nhà lề thói ứng xử, giao tiếp văn minh...”, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố số 23 Cao Văn Ngạc cho biết.
Theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng, từ năm 2018 đến nay, phong trào “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô trong thời đại mới” đã được phát động, lan tỏa rộng khắp, với 6 tiêu chí: bản lĩnh vững vàng; tri thức phong phú; ứng xử văn hóa; tuân thủ pháp luật; sức khỏe dồi dào; kỹ năng thành thạo.
Thành đoàn Hà Nội còn triển khai Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Theo đó, trên các trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn từ thành phố đến cơ sở, trung bình hàng năm đã đăng tải khoảng 3 triệu thông tin tích cực, những hình ảnh đẹp, việc làm ý nghĩa, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Từ năm 2023 đến nay, Thành đoàn Hà Nội còn triển khai Cuộc vận động “Tuổi trẻ Thủ đô ứng xử văn minh trên không gian mạng”, đưa ra quy tắc ứng xử chung cho đoàn viên, thanh niên trên mạng xã hội. Cùng với đó, tích cực triển khai đề án “Xây dựng nét đẹp văn hoá trong giao tiếp ứng xử cho thanh thiếu nhi Thủ đô” giai đoạn 2021-2025; các diễn đàn “Người con hiếu thảo”, “Lời nói hay - Việc làm tốt - Ứng xử văn minh”, “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”,...
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh: “Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ các giá trị truyền thống, xây dựng và hình thành các giá trị văn hóa hiện đại. Từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ của người mẹ có tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của con trẻ. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền, vận động, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là hết sức quan trọng”.
Trên cơ sở Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Thành Hội đã xây dựng, cụ thể hóa thành phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đặc biệt là cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, trong đó tập trung vận động phụ nữ ứng xử thanh lịch, văn minh, thực hiện văn hóa ứng xử đẹp trong gia đình, ở công sở, nơi công cộng và trên mạng xã hội.
Việc giao tiếp, ứng xử xưa nay tưởng chừng như chỉ là việc tự nhiên, nhưng có biết đâu rằng nó cũng góp phần làm nên bộ mặt văn hóa, góp phần vào công cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa. Chính vì vậy, đòi hỏi đặt ra hiện nay là cần xem xét trên nhiều khía cạnh để trau dồi thêm văn hóa ứng xử. Để đồng bào cả nước ngày nay khi đi thăm Hà Nội về rồi cũng phải thốt ra như người xưa: “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất thanh, nhất lịch Kinh kỳ Thăng Long”.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ nêu gương, bằng những hành động nhỏ. Nhưng muốn làm được điều đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân Hà Nội... TS Khương Việt Hà - Viện Văn học |
Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị