Bình Định dự kiến đầu tư hơn 900 tỷ đồng phát triển cây xanh đô thị
Kế hoạch nhằm hình thành một số công viên chuyên đề, công viên cây xanh để tạo điểm nhấn cảnh quan tại các đô thị, đặc biệt là TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn. Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến hết năm 2025, hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh được đầu tư, phát triển đa dạng về loại hình, có quy mô đảm bảo đạt chỉ tiêu cây xanh đô thị theo quy định; đầu tư, phát triển hệ thống cây xanh đô thị, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tạo dựng hình thành đô thị xanh, bền vững. Đến năm 2030, hệ thống cây xanh đô thị được phát triển đạt chỉ tiêu theo quy định, trong đó tại các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh được đầu tư, phát triển phải mang bản sắc, đặc trưng riêng, gắn với mục tiêu tỉnh Bình Định.
Giai đoạn 2024-2025, diện tích đất cây xanh đô thị cần đầu tư, phát triển tăng thêm trên toàn tỉnh là 202,78 ha. Trong đó, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị là 169,43 ha; diện tích đất cây xanh hạn chế và chuyên dụng đô thị là 33,35 ha. Giai đoạn 2026-2030, diện tích đất cây xanh đô thị cần đầu tư, phát triển trên địa bàn toàn tỉnh là 312,08 ha.
Bình Định dự kiến đầu tư hơn 900 tỷ đồng phát triển cây xanh đô thị. (Ảnh minh họa: Internet) |
Tổng kinh phí dự kiến đầu tư, phát triển hệ thống cây xanh đô thị và cây xanh sử dụng công cộng của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025 là khoảng 315,9 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là khoảng 586,9 tỷ đồng.
Về giải pháp thực hiện, Bình Định đầu tư, phát triển cây xanh đô thị, cây xanh sử dụng công cộng đô thị kết hợp lồng ghép với chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện đảm bảo hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế, phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Địa phương cũng bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển các vườn ươm, công viên, vườn hoa, quảng trường, công viên chuyên đề, công viên trung tâm đa chức năng, đặc biệt là các công viên cảnh quan trong vùng lõi ở các đô thị lớn, đặc biệt là TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng trong đô thị; cây xanh đường phố. Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai trồng và bảo vệ cây xanh đô thị, huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tài trợ.
Phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống chính trị tình nguyện ủng hộ, tham gia trồng cây xanh đường phố; huy động các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, nhằm làm giảm kinh phí đầu tư, phát triển cây xanh đô thị. Mỗi cơ quan, đơn vị hằng năm cần đăng ký trồng tối thiểu khoảng 100 m2 cây xanh đường phố (tương đương khoảng 10 cây)...
T.T