Phá giá và chống phá giá, nhìn từ “vụ... đùi gà”
Gia nhập TPP: Ngành chăn nuôi Việt Nam có nguy cơ “phá sản”? 20 nghìn đồng/kg đùi gà Mỹ nhập khẩu đang là câu chuyện được ngành nông nghiệp rất quan tâm, đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) đang được đàm phán ở những vòng cuối cùng và Việt Nam có cơ hội trở thành thành viên. Bởi ở đây không chỉ là câu chuyện phá giá như giới chăn nuôi đang nghi ngờ mà rộng, sâu hơn đó là thách thức mở đầu trong hàng loạt thách thức khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP. |
Lắt léo luật chơi
Với vấn đề chống phá giá và tính phức tạp của luật chống phá giá (anti-dumping), thể hiện bề mặt của luật anti-dumping không quá rối rắm: luật cho phép chính phủ sở tại có quyền nâng thuế nhập khẩu ở các mặt hàng được đánh giá là giao thương không công bằng. Trước khi luật được áp dụng, người ta phải tìm hai chứng cứ: 1. Thứ hàng nhập khẩu đó được bán phá giá, tức thấp hơn giá trị bình thường (normal value); 2. Thứ hàng bán phá giá gây tổn hại như thế nào đối với doanh nghiệp địa phương?
Đùi gà Mỹ đang làm khốn đốn giới chăn nuôi trong nước |
Theo hệ thống luật Mỹ, Bộ thương mại là nơi quyết định rằng thứ hàng hóa đó có bán phá giá hay không và Ủy ban Mậu dịch quốc tế Hoa Kỳ (International Trade Commission - ITC) là nơi xem xét thứ hàng hóa bán phá giá gây tổn hại bao nhiêu cho thị trường và nền kinh tế Mỹ. Khi kết quả của Bộ Thương mại lẫn ITC ăn rơ với nhau, luật chống phá giá được thực hiện (tức thứ hàng hóa nhập khẩu đang xét sẽ bị đánh thuế, tỷ lệ với mức phần trăm phá giá). Trong hầu hết trường hợp, nạn nhân (nhà xuất khẩu nước ngoài có mặt hàng bị kiện bằng luật chống phá giá) hiếm khi biết được tại sao luật anti-dumping chĩa vào mình.
Một trong những cách điều tra là thử nghiệm chi phí (cost test). Nếu thứ hàng hóa nhập vào Mỹ bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất (below-cost sales), đó chắc chắn là hàng “dumping”. Tuy nhiên, làm thế nào để thẩm định thứ hàng đó nhập sang Mỹ được bán ở hình thức “below-cost sales” (bán với giá thấp hơn chi phí)? Bộ Thương mại Mỹ sẽ so sánh với giá hàng tại thị trường nước xuất hàng sang Mỹ. Trong trường hợp giá hàng tại nước xuất khẩu không ổn định hoặc không có hệ thống rạch ròi, Bộ Thương mại Mỹ sẽ so với giá tại một nước thứ ba.
Năm 1986, Bộ Thương mại Mỹ lên án Trung Quốc bán phá giá 66,65% sản phẩm đồ dùng nấu ăn, khi đưa chứng cứ rằng hàng Trung Quốc bán (tính bằng đơn vị 1 USD) với giá chỉ 1 USD trong khi phí sản xuất là 1,67 USD. Bộ Thương mại Mỹ không so sánh với giá tại Trung Quốc (vì nước này lúc đó chưa có khung giá chính thức cho mặt hàng trên) mà so với giá mặt hàng tương tự tại Thái Lan, “bởi Thái Lan có mức phát triển kinh tế tương đồng Trung Quốc”. Bộ Thương mại Mỹ còn so với giá nồi Hà Lan, Pháp và Đức. Cuối cùng, Cục Hải quan Mỹ (Customs Service) áp đặt mức thuế 66,65% cho nồi niêu, xoong chảo Trung Quốc. Tương tự, Bộ Thương mại Mỹ cũng đánh thuế 135,73% sản phẩm nến (đèn cầy) Trung Quốc, khi so với giá nến tại Malaysia. Và tương tự, Bộ Thương mại Mỹ đã cộng 317% thuế cho mặt hàng quả hồ trăn (pistachio) nhập từ Iran, khi so với giá quả hồ trăn tại Canada…
Năm 2000, hoa Canada nhập ào ạt vào Mỹ và giới trồng hoa Mỹ sất bất sang bang. Bộ Thương mại Mỹ phải lên tiếng. Họ quy kết công nghiệp xuất khẩu hoa Canada chơi phá giá vì giới trồng hoa Canada được hỗ trợ vốn bởi Công ty Năng lượng nhà kính Ontario và nhờ vậy chi phí trồng hoa Canada thấp hơn so với Mỹ. ITC quyết định rằng, ngành xuất khẩu hoa Canada phải nộp thêm 1,52% thuế. Theo cùng cách, Bộ Thương mại Mỹ cũng nâng thuế mặt hàng chip nhập từ Nhật, khi cho rằng các công ty Nhật, trong đó có Hitachi, bán chip ở Mỹ với giá cao hơn ở Nhật. Để nêu tổn hại cụ thể, Bộ thương mại Mỹ công bố sản lượng chip sản xuất từ các công ty Mỹ so với lượng chip nhập từ Nhật.
Triệt nhau bằng đòn chống phá giá
Đòn đáp trả thường là áp dụng hình thức tương tự. Các công ty Mỹ từng là đích ngắm của loạt điều tra tại hàng chục (nhiều nhất là tại Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, Nga…). Trong số công ty Mỹ bị xử luật anti-dumping, có: 3M, Amana, Bethlehem Steel, Bristol-Myers Squibb, Celotex, ConAgra, Domino Sugar, Dow Chemical, Exxon Chemical, Monsanto, Whirlpool… Đứng đầu những mặt hàng Mỹ bị kiện là hóa chất và sản phẩm công nghiệp ứng dụng, kế đến là thép, rồi nhựa, gỗ, giấy, may mặc… Thiệt hại tất nhiên không ít. Trong vụ Canada kiện công nghiệp xuất khẩu đường của Mỹ tội dumping (và chịu mức thuế 41-46%), xuất khẩu đường của Mỹ đã giảm từ 50,1 triệu USD vào năm trước khi luật anti-dumping Canada có hiệu lực xuống còn 4,7 triệu USD vào hai năm sau khi thực thi nộp thuế phạt (tức giảm đến 91%!). Tương tự, mặt hàng polyvinyl chloride bị cộng thêm thuế phạt 19% khi nhập vào thị trường Colombia đã làm ngành xuất khẩu polyvinyl chloride của Mỹ giảm 80% vào hai năm sau. Khi phim cellulose bị cộng thuế 31% vào thị trường Mexico, xuất khẩu mặt hàng này giảm 81% vào ba năm sau…
Thử xem một vụ cụ thể. Tại thị trường trong nước, công ty Mỹ Cytec Industries áp dụng chương trình giảm giá cho những khách hàng dùng liên tục sợi acrylic của họ. Tuy nhiên, khi bán sợi acrylic sang Ấn Độ, Cytec Industries không áp dụng chương trình khuyến mãi tương tự. Nói cách khác, người tiêu dùng Ấn Độ mua hàng đắt hơn người tiêu dùng Mỹ. Thế là kiện. Cytec Industries can tội dumping và hàng sợi acrylic của họ bị phạt thuế 9,3%. Cũng tại Ấn Độ, năm ngoái, người ta đã thành công trong việc bắt công ty Mỹ Union Carbide phải chịu phạt dumping 45% khi nhập điện cực granite vào Ấn. Dân Ấn bắt chước một độc chiêu của Mỹ: họ so sánh giá điện cực granite mà Union Carbide bán ở Ấn với giá mặt hàng công ty này tại các thị trường khác và nhận ra rằng giá vài nơi rẻ hơn so với thị trường nước mình. Đó là một kiểu dumping, nhằm đánh trực diện ngành công nghiệp điện cực granite Ấn Độ.
Trong vài trường hợp khác, tính chất vụ việc trở nên phức tạp hơn khi hàng rào thuế được bổ sung bằng quota. Cách đây vài năm, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố cho nhập 650.000 m3 gỗ dán được miễn thuế vào thị trường mình với điều kiện anh nào nhanh chân trước thì hưởng phần (first-come, first-served). Do khác biệt mùa giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu (ảnh hưởng việc khai thác gỗ dán) và tất cả hợp đồng phải nộp EU duyệt vào tháng 5 nên cuối cùng chỉ có Brazil là đến trước tiên. Đến chậm nên bị “chặt” 10% thuế, giới xuất khẩu gỗ dán Mỹ bất bình cho rằng chế độ quota này là “tội phạm”…
Hiểu luật là yếu tố quan trọng nhất
Quanh chuyện đối mặt thủ thuật anti-dumping khi giao thương thời toàn cầu, muốn đương đầu không có cách nào khác là phải rành luật thương mại và luật anti-dumping của nước đối tác. Ngoài ra, am hiểu ngôn ngữ kinh thương là điều tối cần thiết. Cần biết rằng, một trong những kỹ xảo cũ nhưng luôn thành công của anti-dumping là tận dụng tối đa kỹ thuật chơi chữ. Tuy vậy, đó chỉ là trang bị đầu tiên và còn vô số “vũ khí” khác đi kèm, chẳng hạn kiến thức về luật thương mại các nước khác nhau, thông tin thời sự cập nhật liên tục về những thay đổi chính sách kinh doanh nước đối tác. Không như chị em tiểu thương thường chỉ có thể mắng nhau nếu phát hiện đối thủ cạnh tranh bán phá giá, một vụ kiện chống phá giá (anti-dumping) trên sân chơi thương mại thế giới được tiến hành bài bản và phức tạp.
Trước khi xảy ra vòng đàm phán Thỏa thuận chung về mậu dịch và thuế quan (GATT) tại Uruguay năm 1994, người ta dựng hàng rào bảo hộ mậu dịch bằng các công vụ thuế, quota nhập khẩu hay luật cấm nhập khẩu… Tuy nhiên, chỉ luật anti-dumping của GATT (tiền thân Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO) mới là công cụ mang tính chuyên nghiệp. Điều VI của GATT và đặc biệt Thỏa thuận bổ sung điều VI của GATT, ra đời năm 1994, là nền tảng cho luật chống phá giá của mỗi quốc gia. Điều VI của GATT qui định rằng cuộc điều tra phá giá được tiến hành trong một năm và chỉ trường hợp đặc biệt mới có thể kéo dài hơn nhưng chỉ tối đa 18 tháng, kể từ ngày khởi kiện lên bộ phận chuyên trách.
Các biện pháp trừng phạt (nếu kết quả thắng nghiêng về phe khởi kiện) chỉ kéo dài tối đa 5 năm, trừ khi tình trạng phá giá tiếp diễn. Tùy từng nước, bộ phận chuyên trách xử lý đơn kiện anti-dumping thuộc các cơ quan khác nhau. Tại Mỹ, nơi xử lý anti-dumping là Bộ Thương mại và Ủy ban Mậu dịch quốc tế. Tại Hàn Quốc, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc là nơi quyết định việc điều tra hay không và thiệt hại như thế nào trong khi Cục Hải quan Hàn Quốc là nơi có tiếng nói cuối cùng trong vụ xử anti-dumping cũng như thu thuế phạt một vụ anti-dumping. Vài quốc gia khác, người ta lập một cơ quan riêng giải quyết anti-dumping, như Ủy ban Chống phá giá ở Nam Phi chẳng hạn.
Với bên nguyên, họ phải chứng minh ít nhất hai điểm: bên bị phá giá như thế nào và thiệt hại (do phá giá) cho nền kinh tế trong nước là bao nhiêu. Cần những dữ liệu thống kê cụ thể để làm bằng cho qui kết một vụ phá giá. Với nước bị kiện tội giao thương phá giá, họ theo tiến trình y hệt nhưng ngược lại: đưa ra những con số thống kê, dữ liệu và bằng chứng cho thấy mình không phạm luật phá giá. Bên bị cũng phải tìm các bằng chứng cụ thể (material) cho thấy thị trường và nền kinh tế bên nguyên không hề tổn hại. Tất cả tiến trình của bên nguyên lẫn bên bị đều thực hiện theo công thức tổng hợp, gồm: luật, kinh tế và kế toán. Cần nói thêm, tại một số nước, bên nguyên không chỉ (tìm cách) đưa ra bằng chứng cho thấy vụ phá giá gây tổn hại kinh tế như thế nào mà còn đưa ra những thiệt hại liên quan chính trị đất nước (như luật chống phá giá Nam Phi). Thông thường, bên bị lẫn bên nguyên đều cần đến luật sư. Trong trường hợp này, một vấn đề phức tạp hình thành: không ai có thể đoan chắc luật sư giữ kín thông tin - tài liệu mình tiếp cận từ thân chủ để không phản phé hoặc lật lọng chơi trò bắt cá hai tay.
Điều VIII của GATT nói thêm tiến trình khởi tố - điều tra một vụ phá giá có thể được hoãn hay hủy nếu bên bị chấp nhận thương lượng lại giá hoặc ngưng xuất khẩu với giá dumping. Tuy nhiên, sự thương lượng chỉ có thể xảy ra nếu cuộc điều tra phá giá chưa kịp hoàn tất và người ta chưa có chứng cứ rõ ràng về những thiệt hại do vụ phá giá gây ra. Vấn đề quan trọng nhất với các nước đang phát triển trong việc đối phó đơn kiện anti-dumping là họ thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu nguồn tài chính và thiếu nhân lực. Với tính phức tạp của anti-dumping, chẳng hạn hệ thống luật anti-dumping Mỹ hay luật anti-dumping Canada, nhà xuất khẩu thuộc các nước nghèo nhất thiết cần đến sự giúp đỡ của hãng luật thương mại chuyên nghiệp, có bề dày uy tín đủ lớn và kinh nghiệm đủ dày trong các vụ tương tự.
M.Kim
Năng lượng Mới 449
-
CBSA rà soát chống bán phá giá và trợ cấp đối với ghế bọc đệm Việt Nam
-
Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá sản phẩm nhôm nhập từ Việt Nam
-
Mexico điều tra bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam
-
Canada thông báo mới về điều tra loại trừ thép xây dựng Việt Nam
-
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc, Hàn Quốc
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo