PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Bề dày văn hóa làm nên sáng tạo
Hướng đi cho sự phát triển bền vững
Theo ông tại sao các TP trên thế giới rất coi trọng và mong muốn được tham gia vào Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của thế giới?
- Xu hướng mới của thế giới hiện nay là lấy yếu tố sáng tạo làm nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển. Bởi vì, nguồn lực sáng tạo là không giới hạn, trong khi nguồn lực tự nhiên nếu khai thác mãi sẽ cạn kiệt. Chính vì lý do đó, con người khai thác nguồn tài nguyên từ bản thân mình (khai thác sự sáng tạo) để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Quốc gia nào tận dụng tốt sự sáng tạo thì có lợi thế tốt hơn so với quốc gia khác. Bằng chứng là nhiều quốc gia dù khó khăn về tài nguyên nhưng lại là những nước công nghiệp phát triển, ví dụ: Israel, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vì các quốc gia đó biết khai thác tiềm năng sáng tạo của con người.
Hơn nữa, sản phẩm sáng tạo ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống, có vai trò tích cực trong phát triển kinh tế. Cụ thể năm 2018, nước Anh xuất khẩu 80 tỷ bảng Anh từ sản phẩm sáng tạo của mình. Và Thủ đô London của Anh không phải là trung tâm tài chính mà là trung tâm văn hóa với các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, mang lại lợi nhuận cao. Hiện nay, Liên Hợp Quốc hướng tới phát triển bền vững thì ngành công nghiệp sáng tạo chiếm ưu thế. Vì ngành công nghiệp sáng tạo không tạo ra bức xúc về mặt khí hậu, không ảnh hưởng đến môi trường, đem lại cơ hội trong tương lai. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 càng làm cho vấn đề sáng tạo trở nên tất yếu hơn.
Khuê Văn Các. |
Hiện nay, Việt Nam theo đuổi xây dựng quốc gia khởi nghiệp dựa trên yếu tố sáng tạo. Theo PGS, văn hóa sáng tạo đóng vai trò quan trọng như thế nào của quốc gia khởi nghiệp?
- Ngoài xu hướng chung của thế giới thì một trong những động lực thúc đẩy Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo là từ năm 2005, công ước Bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt của văn hóa do Liên Hợp Quốc được ban hành. Công ước quy định các quốc gia có chủ quyền về văn hóa (đó là nhấn mạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tránh sự xâm lăng văn hóa). Vì tinh thần của công ước, các nước tìm nhiều cách để bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các quốc gia nhấn mạnh văn hóa là sức mạnh mềm của dân tộc. Yếu tố thứ 2 của công ước là xác định phát triển văn hóa cần tập trung vào sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đây là loại hàng hóa đặc biệt, gắn với giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục và cũng cần đi theo quy luật cung cầu.
Thước đo giá trị của văn hóa là gì?
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn trong việc đầu tư cho văn hóa, dù là đầu tư có tính sáng tạo có thật sự kiếm ra tiền, làm ra của cải vật chất cho quốc gia. Chúng ta nên hiểu như thế nào về thước đo giá trị của văn hóa, thưa ông?
- Phát triển văn hóa cần chú ý nhiều hơn đến khía cạnh kinh tế của văn hóa. Nhưng kinh tế không chỉ là câu chuyện các sản phẩm văn hóa kiếm được ra nhiều tiền hay ít tiền, mà thông qua sản phẩm văn hóa gửi thông điệp đến với người dân. Chúng ta không lấy thước đo doanh thu hàng trăm tỷ đồng của một bộ phim làm mục tiêu chính, mà quan trọng là phim đó truyền tải thông điệp gì, có được đông đảo người dân đón nhận? Hơn nữa, văn hóa nghệ thuật làm cho đời sống tinh thần tốt đẹp hơn, TP đang sống trở thành TP đáng sống. Chính vì vậy, hướng đến tương lai phát triển bền vững, chúng ta phải tập trung cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Cũng không thể khẳng định văn hóa đang không làm ra tiền, hoặc làm ra ít tiền. Điểm yếu phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam là công tác thống kê làm quá kém, nên đã không xác định được giá trị vật chất của văn hóa đem lại. Chúng ta cần có tính toán thống kê chi tiết hơn, để xác định tiềm năng kinh tế của sản phẩm văn hóa. Nếu chứng minh tốt sẽ thấy văn hóa không chỉ là giải trí, lĩnh vực tiêu tiền thì sẽ được đầu tư tốt hơn.
Theo ông muốn thúc đẩy sự sáng tạo thì Việt Nam cần phải làm gì?
- Trong công nghiệp văn hóa phải tạo ra trung tâm sáng tạo. Mỹ có Hollywood là nơi tập hợp con người sáng tạo, cùng các mối quan tâm như điện ảnh, nghệ thuật… Các trung tâm này sẽ giúp lan tỏa sự sáng tạo đến các TP khác. Chính vì vậy, tạo ra không gian sáng tạo là vô cùng quan trọng ở các quốc gia. Việt Nam cần phát triển 3 trung tâm sáng tạo là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Nhiều kỳ vọng khi lựa chọn Hà Nội
Đến nay, Hà Nội là TP đầu tiên của Việt Nam tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của thế giới. Là người tham gia vào việc xây dựng và viết hồ sơ trình UNESCO, theo ông, có những thế mạnh nào của Hà Nội để nơi đây được lựa chọn là Thành phố sáng tạo?
- Hà Nội được lựa chọn là TP đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo thế giới. Có thể nói đây là lựa chọn tương đối mạo hiểm. Vì Hà Nội không là địa điểm lý tưởng cho các thử nghiệm cái mới. Hà Nội luôn luôn thận trọng với đột phá và đổi mới. Thậm chí, người ta còn có câu cửa miệng: “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng công nghiệp văn hóa là ví dụ khác, cho thấy Hà Nội đã thay đổi.
Câu chuyện về Thành phố sáng tạo ở Hà Nội là vừa là tất yếu vừa là ngẫu nhiên, Tất yếu vì Hà Nội có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, nơi tập trung nhiều nhân tài, là mỏ vàng chưa được khai thác. Nếu biết cách thì sẽ tạo ra nhiều trang sức từ kho tàng quý giá của Hà Nội. Ngẫu nhiên vì con người Hà Nội trong thời gian gần đây thay đổi tương đối lớn, nhanh nhạy với sự đổi mới, chấp nhận những thay đổi để tạo ra đột phá. Khi nhóm nghiên cứu đề xuất Hà Nội cần phải trở thành Thành phố sáng tạo, thì các cơ quan hữu quan của Hà Nội vào cuộc chỉ đạo các ban ngành xây dựng hồ sơ này. Nếu không có sự quyết liệt, tư duy mở thì chưa chắc Hà Nội đã không thành công ra nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Hà Nội có lợi thế về chiều dài lịch sử mà không nhiều thủ đô trên thế giới có được. Đây cũng là mảnh đất sở hữu nhiều làng nghề, di sản vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước. Trong khi sản phẩm văn hóa có hấp dẫn hay không là phải có bản sắc, phải liên quan trực tiếp đến con người Việt Nam. Lợi thế thứ 2 của Hà Nội là gần các cơ quan T.Ư nên dễ dàng củng cố các thương hiệu quốc gia và quốc tế cho sự kiện đó.
Hà Nội nếu phát huy sáng tạo dựa trên tiềm năng về nghề thủ công, ẩm thực thì sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều sự kiện hấp dẫn công chúng. Hơn nữa, với nguồn di sản phong phú nhưng nếu bảo tồn tĩnh thì khó tồn tại trong bối cảnh này. Nếu biết cách khai thác, cho nó chỗ đứng, diện mạo tốt hơn, phù hợp với công chúng và thị trường mới thì là sản phẩm vô cùng độc đáo, chắc chắn thu hút đầu tư bảo tồn ở trong và ngoài nước.
Sau hơn 1 năm tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của thế giới, theo ông, Hà Nội đã có những bước chuyển mình đáng kể hay chưa?
- Hà Nội chưa đạt được như những người làm hồ sơ mong muốn. Vì chúng ta đưa rất nhiều kế hoạch mang tính tham vọng trong hồ sơ này, ví dụ như tổ chức các cuộc thi, trung tâm về thiết kế sáng tạo, giáo dục về sáng tạo, phát triển nghệ thuật công cộng… Nhưng vì lý do chủ quan và khách quan, Hà Nội chưa làm được. Thời gian qua, Hà Nội, tổ chức được 2 cuộc hội thảo và tọa đàm cấp cao, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP lấy yếu tố sáng tạo làm hạt nhân sáng tạo cho toàn TP. Nhưng muốn đạt được kết quả như mong muốn thì Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa để biến kế hoạch thành hành động.
Xin cảm ơn ông!
Ở Việt Nam, trong thời gian dài, chúng ta nhấn mạnh yếu tố tuyên truyền về văn hóa, quên đi yếu tố hàng hóa của văn hóa. Nhiều hoạt động văn hóa trở nên hình thức và mang tính phong trào, chưa đạt hiệu quả cao. Chúng ta cần nhiều câu chuyện, bộ phim, bài hát chứa đựng những thông điệp quan trọng về tình yêu nước, yêu quê hương, tình đoàn kết… hay thông điệp yêu thương khác. PGS.TS Bùi Hoài Sơn |
Theo Kinh tế & Đô thị