Bàn giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Thủ tướng nêu rõ, để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã cho biết những kết quả nổi bật sau chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chiến lược 1755). Trong đó, công nghiệp văn hóa đã có đóng góp vào GDP; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam; truyền thông và nâng cao nhận thức; giao lưu và hợp tác quốc tế… Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra, như thiếu luât về quản ý công nghiệp văn hóa; thiếu cơ chế, chính sách phát triển; sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa; nguồn lực thiếu và dàn trải; cơ chế phối hợp chưa đồng bộ…
Theo Chiến lược 1755, công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh và Du lịch văn hóa. |
Theo Bộ trưởng, so sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển. Để thúc đẩy nhanh sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững và hội nhập, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất 3 mục tiêu trọng tâm.
Một là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Hai là, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Ba là, xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế sẵn có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước (Quảng Ninh, Quảng Nam, Kiên Giang, Huế, Đà Lạt…).
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng nêu lên một số các giải pháp. Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Thứ tư, tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các Trường, thông qua liên kết với các doanh nghiệp, chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế.
Thứ sáu, bổ sung chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, để trên cơ sở dữ liệu này, có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp đối với toàn ngành công nghiệp văn hóa nói chung và từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Quá trình triển khai đòi hỏi sự phối hợp chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lĩnh vực trong công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu các ý kiến, hiến kế phát triển công nghệ văn hóa như: Nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số; chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp; ưu tiên phát triển các lĩnh vực quan trọng; bảo hộ bản quyền; đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ nền tảng, công nghệ truyền tải nội dung bên cạnh việc đầu tư phát triển nội dung; tổ chức không gian sáng tạo; phát triển làng nghề gắn với văn hóa và du lịch; định vị lại tính giải trí, khai phá những không gian phát triển mới; huy động, phát triển nguồn lực; hoàn thiện pháp lý và chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa; thực hiện cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa...
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 cơ sở chính trị rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gồm 2 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII, 2 Nghị quyết chuyên đề của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng chỉ rõ những kết quả đạt được đáng trân trọng của công nghiệp văn hóa. Đồng thời chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tinh thần chung, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.
Về các nhiệm vụ cụ thể, các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.
Sức mạnh mềm của công nghiệp văn hóa |
Nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam |
Văn hóa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế |
H.B
-
Bài 4: Tiên phong, dẫn dắt trong phát triển công nghiệp văn hóa
-
Hợp tác công tư - đòn bẩy để phát triển công nghiệp văn hóa
-
Công nghiệp văn hóa đừng chạy theo thị hiếu tầm thường!
-
Nguồn cảm hứng để toàn xã hội quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa
-
Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030
-
Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Tinh hoa và bản sắc
-
Gần 500 nghệ sĩ quy tụ tại chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”
-
Quảng bá nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Lai Châu tại Đà Nẵng
-
Phía sau "cơn sốt" săn vé Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai
-
Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh: Quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long