OPEC sẽ ra sao khi Quatar ra đi?
Quatar đã quyết định rút khỏi tư cách thành viên của OPEC. Quyết định có hiệu lực vào tháng 1/2019, Saad Al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, đồng thời là người đứng đầu Qatar Petroleum, nói trong một cuộc họp báo ở Doha. Quyết định rút khỏi OPEC, cả về kỹ thuật lẫn chiến lược, đều không liên quan gì đến lệnh cấm vận mà Arập Xêút và các đồng minh áp đặt với Doha kể từ khi chấm dứt quan hệ ngoại giao vào năm 2017, ông Kaabi khẳng định.
Tiểu vương quốc Qatar sẽ tiếp tục sản xuất dầu và thắt chặt quan hệ đối tác với Brazil, nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Nam Mỹ, nhưng sẽ tập trung vào khí đốt, ông Kaabi nói.
Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassem al-Thani viết trên Twitter rằng, OPEC đã trở thành vô dụng và không còn đóng góp cho đất nước của ông. “Tổ chức này chỉ được sử dụng cho các mục đích có hại cho lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông al-Thani viết.
Bộ trưởng dầu mỏ Qatar Saad Al-Kaabi tuyên bố rút khỏi OPEC từ tháng 1/2019 |
Các nhà phân tích đã mô tả hành động rút khỏi OPEC của Qatar là một quyết định chính trị nổi bật trong bối cảnh khu vực Trung Đông hiện nay.
Theo Thierry Bros, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, Qatar rút khỏi OPEC có nghĩa là chống lại Arập Xêút vào thời điểm khi hình ảnh của vương quốc này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên trường quốc tế bởi vụ bê bối liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào tháng 10/2018 tại đại sứ quán của nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Qatar hiện là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vị trí này có thể rơi vào tay nước Úc trong năm tới, ông Bros cho biết.
“Chúng tôi không có nhiều tiềm năng (về dầu mỏ), chúng tôi là những người rất thực tế, tiềm năng của chúng tôi là khí đốt” - ông Kaabi cho biết.
Hồi tháng 9/2018, Qatar đã công bố dự định tăng sản lượng khí lên 110 triệu tấn mỗi năm từ nay đến năm 2024, nhờ vào việc khai thác một mỏ khí mà Qatar cùng chia sẻ với Iran.
Qatar là nhà xuất dầu thô lớn thứ 17 của thế giới, với 600.000 thùng mỗi ngày, theo trang web world data.info. Quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này chỉ chiếm 2% trữ lượng vàng đen toàn cầu, theo một ấn phẩm chính thức của CIA, World Factbook.
Tuy nhiên, Kaabi cho biết, ông vẫn sẽ tham dự cuộc họp OPEC trong tuần tới tại Vienna, Áo. Đó là cuộc họp đầu tiên và cuối cùng của ông kể từ khi ông là Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Qatar.
Quyết định rời OPEC của Qatar sẽ có ít tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới, các chuyên gia cho biết. Amrita Sen, một nhà phân tích của Energy Aspects Consultants nhận định: “Sự rời khỏi OPEC của Qatar chỉ mang tính biểu tượng”.
Ngày 3/12/2018, giá dầu thô tăng vọt sau khi Nga và Arập Xêút tuyên bố ý định của họ về việc gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu mỏ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Điều này dự báo sẽ có các quyết định lớn tại Hội nghị thượng đỉnh OPEC tại Vienna sắp tới.
Sự ra đi của Qatar sẽ góp phần làm suy yếu OPEC, theo chuyên gia Thierry Bros. Điều này cho thấy sẽ càng khó quản lý hơn đối với OPEC bởi vì những quốc gia còn lại trong khối không phải là những đồng minh, như Iran và Arập Xêút, ông Bros nhận định.
Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào tháng 6/2017, cáo buộc Doha không giữ đủ khoảng cách với Iran, đối thủ khu vực của Riyadh và hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan, bao gồm cả nhóm Anh em Hồi giáo. Qatar phủ nhận hỗ trợ các nhóm cực đoan, cáo buộc các nước láng giềng muốn lật đổ chế độ Doha bằng các biện pháp trừng phạt này.
Hồi tháng 9/2018, Qatar đã công bố dự định tăng sản lượng khí lên 110 triệu tấn mỗi năm từ nay đến năm 2024, nhờ vào việc khai thác một mỏ khí mà Qatar cùng chia sẻ với Iran. |
S.Phương
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành