Ông Vũ Mão: Kiểm kê tài sản cán bộ - việc phải làm đến cùng!
>> Ông Vũ Mão: Trách nhiệm cần nhìn nhận toàn diện, sâu sắc
>> Quan chức siêu giàu do tham nhũng
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ngày 15/9, tại phiên họp lần thứ 14 tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết: Có 944.000 cán bộ đã kê khai tài sản, thu nhập, nhưng chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh và chỉ một người bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực.
Trao đổi với phóng viên PetroTimes xoay quanh vấn đề kê khai tài sản của cán bộ, quan chức hiện nay, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc kiểm kê tài sản của các cán bộ là cần thiết nhưng hiện nay vẫn còn mang tính hình thức.
PetroTimes: Trong tháng 9/2014, Thanh tra Chính phủ đã công bố danh sách 944.000 cán bộ tham gia kiểm kê tài sản, trong số đó có một người bị kỷ luật do kê khai không trung thực. Ông đánh giá việc này như thế nào?
Ông Vũ Mão: Trước hết, muốn đánh giá người nào đó giàu lên bất thường hay không phải kiểm kê tài sản. Đây là vấn đề cơ bản, cần thiết. Lâu nay chúng ta đã có chủ trương và hô hào mạnh mẽ nhưng trên thực tế làm không được bao nhiêu.
Có thể thấy, tâm lý của mỗi người khi kê khai tài sản là không muốn kê khai hết, ai cũng muốn khai ít đi. Nhưng lâu nay cơ chế của chúng ta còn đơn giản, không kiểm tra giám sát kỹ nên các cán bộ khai như thế nào thì ta biết vậy.
Hiện nay các văn bản pháp luật về vấn đề này còn đơn giản, chưa đảm bảo tính pháp lý theo một trình tự, thủ tục nhất định. Từ quy định, cách làm của chúng ta hiện nay tất sẽ dẫn đến tình trạng họ kê khai thế nào thì biết thế. Đó là điều không chấp nhận được và sẽ mãi không phát hiện được người tham nhũng, tiêu cực, người giàu có một cách không chính đáng.
Cách phòng chống tham nhũng hiện nay mới chỉ là lòng mong muốn, quan trọng là phải có cơ chế, thủ tục pháp luật đầy đủ. Ví dụ, có dư luận nói ông này, ông kia có tài sản khủng nhưng không bao giờ ông ta khai hết cả. Lại có người sở hữu cả một trang trại có quy mô lớn, nhưng họ kê khai không đầy đủ, như có bao nhiêu tài sản trên đất, biệt thự có quy mô như thế nào...
Đây là việc làm công phu, lâu nay chúng ta làm còn đơn giản, nặng hình thức. Cách làm ấy như một sự công nhận chuyện đã rồi. Làm như kiểu đó thì không thể phát hiện tham nhũng.
PetroTimes: Từ những thực trạng trên, chúng ta cần phải có những biện pháp như thế nào để đủ mạnh, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Trước hết đương sự phải kê khai trung thực số tài sản của mình. Sau đó cơ quan hữu trách xem xét, căn cứ theo thu nhập của từng người để yêu cầu báo cáo, giải trình những vấn đề còn nghi vấn. Ví dụ lương của cán bộ cấp huyện chỉ có vài triệu đồng một tháng nhưng vì sao lại có khoản tài sản lớn đến vậy?
Phải đi sâu tìm nguyên nhân để làm rõ đúng sai. Cây ngay không sợ chết đứng. Có thể họ chứng minh được sự giàu lên của họ là chính đáng. Ví dụ như, trong quá trình chuyển đổi, mua bán họ thu được một khoản lợi nhuận nào đó. Nếu không chứng minh được thì rõ ràng là có có vấn đề. Và khi đó cần phải đi sâu hơn nữa để làm rõ nguồn gốc của tài sản mà họ có được.
Đây là vấn đề rất khó phát hiện, người ta dễ luồn lách, bằng nhiều cách tinh vi, ma quái. Họ giấu giếm sự thật, đó là lý giải vì sao lâu nay làm không được. Việc khó đòi hỏi càng phải cố gắng làm và phải đi đến cùng.
Biệt thự của một quan chức về hưu gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
PetroTimes: Như ông nói, rất cần thiết phải xác minh khối tài sản các cán bộ đã kê khai có trung trực hay không, vậy theo ông có cần thành lập một cơ quan độc lập chuyên thực hiện kiểm tra, giám sát việc kiểm kê tài sản?
Ông Vũ Mão: Tôi cũng có suy nghĩ về điều này, nhưng ta phải xem xét kỹ lưỡng vì hiện nay đã có quá nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát. Như Thanh tra Chính phủ, cơ quan này rất lớn, có đầy đủ các chức năng, quyền hạn nhưng hiện nay còn nhiều khó khăn nên chưa làm tốt được.
Bên cạnh đó chúng ta có Ủy ban Kiểm tra của Đảng ở Trung ương và ở tất cả các cấp. Với vai trò, Đảng lãnh đạo đất nước và toàn xã hội, Uỷ ban Kiểm tra có quyền hạn rất to lớn; nhưng hiện nay cũng làm chưa hết chức năng của mình. Chúng ta có cơ quan Công an, có Viện Kiểm sát, có Kiểm toán Nhà nước và một số cơ quan khác có chức năng thực hiện nhiệm vụ này. Các cơ quan trên có đầy đủ bộ máy và trình độ nghiệp vụ cao, nhưng họ chưa làm được đầy đủ các nhiệm vụ của mình.
Ở đây có nguyên nhân là sự phối hợp chưa tốt, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong nhiệm vụ chống tham nhũng cũng như trong công tác kiểm kê tài sản.
Nếu lập thêm cơ quan mới sẽ dẫn đến bộ máy cồng kềnh, công việc chồng chéo. Vì thế, theo tôi không nên lập thêm cơ quan mới mà chủ yếu là có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Để đề cao tính pháp lý của cơ chế thì cần được cụ thể hoá bằng một văn bản Luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội.
PetroTimes: Thưa ông, trong dư luận thường bàn tán tới hiện tượng giàu có bất thường của một số cán bộ đã nghỉ hưu, ông nghĩ thế nào về hiện tượng này?
Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ, đơn giản thôi, ta phải đi đến cùng với mọi đối tượng, có nghĩa là, kiểm kê tài sản các cán bộ đương chức, đồng thời cả những người đã nghỉ hưu mà có dấu hiệu giàu có không bình thường. Việc này khó lắm nhưng kiên quyết phải làm.
PetroTimes: Thưa ông, trong công tác chống tham nhũng, đặc biệt trong vấn đề kiểm kê tài sản thì Thủ trưởng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể có vai trò như thế nào?
Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ, lâu nay công tác chống tham nhũng và kiểm kê tài sản chưa đạt yêu cầu, có trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan. Việc này lâu nay ít bị phê phán và cũng chưa ai bị quy trách nhiệm. Nhiều người còn coi việc đó không phải là của mình. Tôi đề nghị phải có cơ chế quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc chỉ đạo việc giám sát, kiểm kê tài sản của công chức, nhân viên cơ quan của mình.
PetroTimes: Theo ông có nên luật hóa việc cán bộ giàu bất thường để dễ xử lý hay không?
Ông Vũ Mão: Tôi thấy việc này là cần thiết. Đưa việc giàu bất thường vào bộ luật hình sự mới có cơ sở pháp lý để phán xét, có cơ chế điều tra. Tuy nhiên trước hết cần phải hiểu danh từ "giàu bất thường" là thế nào đã. Chúng ta hay nói dân dã với nhau rằng ông này giàu bất thường, bà kia giàu bất thường nhưng giờ đưa vào luật thì phải có một định nghĩa, tức là làm rõ nội hàm của giàu bất thường là thế nào?
Đồng thời, như trên tôi đã nêu và xin nhắc lại, cần có một văn bản Luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Hinh
-
Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
-
[Video] PVCFC tăng sản lượng sản xuất phân bón trong tháng 10
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
[PODCAST] Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị