"Ông nói Đông, bà nói Tây", Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa thật sự muốn đến với nhau?
'Ông nói Đông, bà nói Tây', Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa thật sự muốn đến với nhau? (Nguồn: Adobe Stock) |
China Media Group phát sóng đoạn video quay cảnh hai người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ-Trung Quốc đều mỉm cười và tỏ ra đang có một tâm trạng tích cực, cùng với các quan chức hai nước bước vào phòng họp. Tuyên bố sau đó của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM), khẳng định quan hệ kinh tế và thương mại chính là nền tảng cho quan hệ Trung-Mỹ Quốc và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi để mang lại môi trường chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.
Bà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rằng “điều vô cùng quan trọng là chúng ta có mối quan hệ kinh tế ổn định, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Trên thực tế, đó cũng là điều thế giới mong đợi ở chúng ta”, CNN đưa tin.
Cần có những hành động cụ thể
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc gần đây đi xuống với những bất đồng gia tăng, trong đó có các biện pháp hạn chế thương mại mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tuyên bố, áp lên các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm áp của nền kinh tế số 2 thế giới - động thái Bắc Kinh chỉ trích là "đi ngược toàn cầu hóa".
Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm ở Trung Quốc. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ hạn chế hoặc cấm một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm bao gồm: chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, Nhà Trắng phải được báo cáo về hoạt động tài trợ trong các lĩnh vực công nghệ khác.
Động thái này được cho là có thể gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù giới chức Mỹ khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày (27-30/8), nhằm thúc đẩy quan hệ kinh doanh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy các cuộc đàm phán vừa diễn ra được bình luận là “hợp lý, thẳng thắn và mang tính xây dựng”, nhưng trong mỗi tuyên bố của các bên đều cho thấy rõ "độ cứng rắn" bảo vệ quan điểm riêng, chẳng bên nào tỏ ra muốn thỏa hiệp.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Gina Raimondo (ngày 29/8), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cảnh báo, "Chính trị hóa vấn đề kinh tế và thương mại, thổi phồng quá mức khái niệm an ninh quốc gia không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương và sự tin cậy lẫn nhau". Ông lưu ý, tình trạng này còn làm xói mòn lợi ích của doanh nghiệp, người dân hai nước, tác động thảm khốc đến kinh tế toàn cầu.
Bởi vậy, Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi Mỹ thay đổi chiến lược, cho rằng "hai bên nên tăng cường hợp tác cùng có lợi, giảm căng thẳng và đối đầu, cùng thúc đẩy đà phục hồi kinh tế thế giới và ứng phó các thách thức toàn cầu".
Trong khi đó, trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, Bộ trưởng Thương mại Mỹ mô tả quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc là "một trong những quan hệ quan trọng nhất" trên thế giới. Song, bà Raimondo thẳng thừng khẳng định, Mỹ không nhượng bộ hay thỏa hiệp trong vấn đề an ninh quốc gia và nói rằng, Washington không tìm cách kìm chế Bắc Kinh.
Trong tuyên bố vào một đêm muộn của chuyến thăm, MOFCOM cho biết, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bày tỏ quan ngại sâu sắc về nhiều chính sách khác nhau của Mỹ đối với Trung Quốc như thuế quan Mục 301, chính sách bán dẫn, hạn chế đầu tư và trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, nhấn mạnh việc thổi phồng quá mức khái niệm an ninh quốc gia không có lợi cho thương mại song phương.
Có lẽ, kết quả đáng ghi nhận nhất là hai bên tuyên bố thiết lập các kênh liên lạc mới giữa cơ quan thương mại hai nước, bao gồm một nhóm công tác gồm các quan chức và đại diện doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thương mại cụ thể, theo MOFCOM.
Hai người đứng đầu Bộ Thương mại hai nước cũng nhất trí liên lạc thường xuyên và gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần, đưa ra cơ chế trao đổi thông tin về kiểm soát xuất khẩu và nhất trí tiến hành tham vấn kỹ thuật giữa các chuyên gia về tăng cường bảo vệ bí mật thương mại và thông tin bí mật kinh doanh trong các thủ tục cấp phép hành chính.
Giới chuyên gia bình luận, việc thiết lập các cơ chế liên lạc mới cho thấy hai bên đang thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường đàm phán giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cần có những hành động cụ thể của Washington để giải quyết những lo ngại cốt lõi của Trung Quốc về các biện pháp hạn chế để có được mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương ổn định.
Phó giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường quốc tế Bai Ming tại Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc bình luận, các cơ chế này chủ yếu mang tính thủ tục để tăng cường trao đổi thông tin về các vấn đề cần thiết nhưng hành động cụ thể rất quan trọng. “Hy vọng là phía Mỹ sẽ thực sự thể hiện sự chân thành và giải quyết những vấn đề còn khúc mắc này, bởi vì chỉ đàm phán thêm về các vấn đề này thôi là chưa đủ”, chuyên gia Bai khẳng định.
Viễn cảnh chưa an?
Tờ New York Times mới đây có bài bình luận rằng, trong bối cảnh chính quyền liên bang đang cố tái khởi động quan hệ với Trung Quốc, nhiều tiểu bang tại Mỹ ngày càng thiên về xu hướng hạn chế Trung Quốc.
Những biện pháp kiểu này tại các bang như Florida, Utah và South Carolina là một phần trong xu thế chính trị đang nổi lên tại Mỹ với mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế với Trung Quốc, cũng như hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ do quan ngại về an ninh quốc gia.
Cùng chia sẻ những quan ngại này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thúc đẩy sản xuất nội địa và tăng cường quan hệ thương mại với các đồng minh.
Tuy nhiên, những biện pháp đưa ra ở cấp tiểu bang có xu hướng quyết liệt hơn nhiều so với những gì Chính phủ liên bang đang làm. Điều này đã gây phản ứng từ các nhóm doanh nghiệp, do lo ngại chính quyền tiểu bang đang đi theo hướng bảo hộ và từ bỏ truyền thống lâu nay là hoan nghênh đầu tư nước ngoài vào Mỹ.
Hơn 20 tiểu bang của Mỹ, trong đó có Florida, Texas, Utah và South Dakota, đã xem xét hoặc đưa vào thực thi những bộ luật nhằm hạn chế cá nhân/tổ chức của Trung Quốc mua bán đất đai, nhà cửa ở địa phương mình. Một số đạo luật thậm chí còn đưa ra quy định chặt hơn cả quy định của liên bang.
Ở cấp liên bang, một ủy ban do Bộ trưởng Tài chính đứng đầu được giao nhiệm vụ xem xét và ngăn chặn các giao dịch nếu người nước ngoài có thể giành quyền kiểm soát doanh nghiệp hoặc bất động sản có vị trí gần cơ sở quân sự Mỹ. Trong khi đó, một số bang đang xem xét hoặc đã thực thi quy định ngăn cản Trung Quốc và các nước quan ngại khác mua đất nông trại và tài sản có vị trí gần các “cơ sở hạ tầng thiết yếu”.
Sự gia tăng của những quy định này diễn ra trong bối cảnh tâm lý hạn chế Trung Quốc đang tăng cao. Điều này đang tạo ra thách thức mới cho chính quyền liên bang, vốn đang cố tìm cách ổn định quan hệ kinh tế thông qua việc cử một loạt quan chức cao cấp tới Trung Quốc trong những tuần gần đây. Chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo chỉ là một trong số đó.
Tuy nhiên, trong khi chính quyền liên bang coi Trung Quốc là một đối tác cần thiết, các quan chức địa phương lại tỏ ra quyết tâm hạn chế quan hệ với đối tác kinh tế lớn thứ 3 của Mỹ.
Một trong những hạn chế mạnh mẽ nhất được khởi xướng tại bang Florida. Tháng 5/2023, Thống đốc bang Ron DeSantis đã ký ban hành luật cấm các cá nhân/công ty Trung Quốc được mua hoặc đầu tư vào bất động sản nằm trong bán kính 10 dặm của một căn cứ quân sự Mỹ hoặc một cơ sở hạ tầng trọng yếu như nhà máy lọc dầu, kho khí hóa lỏng hoặc nhà máy điện. Tuy nhiên, đạo luật này được bình luận là "chung chung tới mức một quỹ đầu tư hay công ty dù chỉ nắm giữ một lượng cổ phần nhỏ trong của một công ty/nhà đầu tư Trung Quốc cũng có thể phạm luật nếu mua tài sản thuộc diện này".
Trước mắt, các quy định hạn chế đang tạo ra bất an cho các nhà đầu tư, quản lý quỹ đang có ý định triển khai hoạt động kinh doanh tại Florida. Giờ đây, những người này đứng trước lựa chọn hoặc rút lại kế hoạch kinh doanh, hoặc chấm dứt liên hệ với các nhà đầu tư Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, các quy định hạn chế đầu tư ở cấp bang đang diễn ra cùng lúc với những nỗ lực tại Quốc hội liên bang nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc mua lại đất nông trại ở Mỹ, cũng như đặt thêm các quy định cho cá nhân/tổ chức Mỹ muốn đầu tư vào những ngành có liên quan tới an ninh quốc gia của Trung Quốc. Tháng 7 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với đa số áp đảo và điều khoản này hiện đang chờ Hạ viện thông qua trước khi trở thành luật.
Giới phân tích bình luận, việc kết hợp các biện pháp hạn chế cả ở cấp liên bang và tiểu bang ở Mỹ có thể làm phức tạp thêm quan hệ ngoại giao hai nước. Phía Bắc Kinh rất có thể cho đây là một dấu hiệu về tâm lý hạn chế Trung Quốc ngày càng tăng ở Mỹ và tạo cớ cho các hành động đáp trả.
Theo Minh Anh (Báo Quốc tế)
-
Kỳ I: A. Yakovlev - “Kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ nhằm xóa sổ Liên Xô khỏi bản đồ thế giới
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines