Ông là tấm gương cho tuổi trẻ
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2/1992. Ảnh: TTXVN |
Vào năm 2007, khi tôi đang học đại học năm thứ ba, trong một bài báo viết về tuổi trẻ, tôi đã đọc được những lời nhắn nhủ hết sức sâu sắc của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (tôi xin phép được gọi là ông) tới tuổi trẻ mà tôi không thể nào quên đại ý là: "Bác Hồ nói: "Thanh niên là rường cột của nước nhà". Đảng ta luôn coi thanh niên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài sự quan tâm, chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, thế hệ trẻ rèn luyện, phấn đấu nâng cao nội lực, lấy sức ta giải quyết cho ta, không ỷ lại bên ngoài, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện tốt vai trò "rường cột" trong thời kỳ mới".
Ông mong thế hệ trẻ nước ta ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo lời dạy của Bác Hồ, trở thành con người phát triển toàn diện, có đạo đức, có trí tuệ, có sức khỏe, góp phần tích cực nhất cho tương lai sáng lạn của đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ông mong thế hệ trẻ kế tục xứng đáng với thế hệ cha anh, với đất nước và dân tộc anh hùng mấy ngàn năm văn hiến. Muốn vậy, mỗi người hãy tôi luyện đủ đức, tài biết sống đẹp và cống hiến hết mình cho nhân dân, cho Tổ quốc.
Ông cũng mong thế hệ trẻ hôm nay luôn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thân thiết và giúp đỡ bạn bè, dìu dắt đàn em thân yêu, dang tay đoàn kết với thế hệ trẻ các nước, phấn đấu cho một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và một môi trường sống lành mạnh.
Đó là những lời dạy hết sức tâm huyết và có sức giáo dục sâu sắc, trong thời kỳ mà thông tin trên mạng cũng như thông tin xã hội rất nhiều chiều. Tôi có thể nói rằng, những lời dạy của ông khiến tôi nhớ mãi, đó là hành trang của tuổi trẻ giúp tôi tự tin và vững bước vào cuộc sống hiện tại. Nó cũng chính là động lực để tôi hoàn thiện bản thân toàn diện hơn để kế tục xứng đáng với thế hệ cha anh, với đất nước và dân tộc như lời ông đã dạy.
Thật tình cờ, cuộc sống đã cho tôi cơ hội - một cơ hội tôi chưa bao giờ ngờ tới, đó là được làm việc cùng cơ quan con gái ông, nên có dịp đến thăm nhà ông, được gặp gỡ với vị nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - một con người bằng xương bằng thịt chứ không phải là qua sách báo, qua những lời kể của những người đương thời.
Tôi còn nhớ một lần đầu tiên tôi gặp ông là vào sinh nhật lần thứ 93 của ông. Ông rất khác với sự tưởng tượng của tôi, vẫn bộ quần áo kaki đã sờn bạc, vẫn lối sống giản dị trước kia. Tuy đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ở ông vẫn toát lên phong thái ung dung tự tại - cái cốt cách của một nhà lãnh đạo và đặc biệt là đôi mắt sáng trìu mến nổi bật trên khuôn mặt phúc hậu.
Tôi được tiếp xúc, trò chuyện cùng ông để hiểu thêm hơn về một con người tài năng, uyên bác mà rất mực giản dị giữa đời thường. Ông kể cho tôi nghe về quá khứ lịch sử, về những trận đánh huyền thoại, về những con người bất tử... Không đơn giản chỉ là kể mà dường như tôi cảm nhận được từng giây từng phút một người ông đang sống lại quãng thời gian xưa - cái thời tuổi trẻ hào hùng một đi không trở lại.
Trong lời kể của ông là tất cả sự tự hào nhưng cũng có những phút nghẹn lòng lắng lại. Đó là nỗi đau của sự mất mát hy sinh, là tấm lòng của một con người tình nghĩa, yêu thương hết mực với cuộc đời, với con người. Tôi đã từng đọc những trang vàng ngợi ca, khâm phục những con người viết nên lịch sử bằng máu và nước mắt ấy...
Nhưng cho đến hôm nay, tôi mới biết là chưa đủ. Sẽ không có một ngôn ngữ nào tuyệt vời hơn để có thể diễn tả hết, diễn tả đầy đủ cái giây phút con người từ bỏ sự sống, hiến mình cho dân tộc, cho đất nước. Những anh bộ đội Cụ Hồ ấy, trong đó có ông mãi là tấm gương sáng soi đường cho tuổi trẻ, là niềm tự hào của non sông đất nước.
Nối tiếp câu chuyện, ông kể về cuộc sống hôm nay. Tuy đã thôi nhiệm lâu rồi nhưng ông vẫn giữ thói quen nếp sinh hoạt cũ, vẫn sáng sáng dậy sớm tập thể dục, vẫn làm việc đọc sách đến quên cả thời gian. Vì vậy mà trên bàn làm việc của ông tôi thấy lúc nào cũng có một cuốn sách đang đọc dở. Ông tâm sự: "Tôi vẫn đọc, đọc để làm việc. Hiện tôi vẫn tham gia đóng góp, làm được thì cố gắng làm. Được làm việc và làm việc được là một hạnh phúc lớn".
Cuộc sống của ông vô cùng giản dị: nhà của ông không to rộng, nội thất trong nhà đều đã cũ (có từ thời bao cấp). Căn nhà chỉ vừa đủ không gian để sinh hoạt và để lưu giữ những kỷ niệm đã từng gắn bó với ông suốt một thời. Ông còn cặn kẽ tỉ mỉ hỏi tôi về khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống mà một sinh viên mới ra trường như tôi gặp phải.
Tôi kể với ông về môi trường nơi tôi làm việc, về sự quan tâm giúp đỡ của mọi người dành cho tôi, rằng tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc như thế nào khi ở đó. Tôi vốn là người nhút nhát, rất ít khi thể hiện cảm xúc của thình, vậy mà lần đầu tiên gặp ông tôi đã nói hết những cảm nhận, cảm xúc chân thật của mình bởi chỉ vì một điều thật đơn giản: Vì ông là tấm gương của tôi!
Xin kính chúc ông dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi với "một trái tim không thể nào già".
Theo Báo điện tử Chính phủ
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: “Anh Mười không dùng quyền lực để ép cấp dưới” | |
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về “anh Mười” cố vấn | |
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và cuộc chiến giá - lương - tiền |
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới