Ông Biden sẵn sàng trao đổi với ông Putin nhằm chấm dứt xung đột Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: EPA). |
"Tôi sẵn sàng trao đổi với ông Putin nếu ông ấy sẵn sàng đối thoại, nhưng tôi cũng chỉ làm điều này trên cơ sở tham vấn các đồng minh NATO. Tôi sẽ không tự ý làm điều này", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp chung với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 1/12. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng cũng nêu rõ, ông không có ý định liên lạc ngay lập tức với ông Putin bởi ông muốn cân nhắc rất kỹ những điều cần nói.
Ông Biden cũng nhấn mạnh: "Tôi rất vui khi ngồi lại trao đổi với ông Putin để xem mục đích của ông ấy là gì, những gì đã làm được, chưa làm được. Ngoài ra, tôi cho rằng một điều nữa cũng rất quan trọng đó là chúng ta cần hỗ trợ người dân Ukraine".
Về phần mình, Tổng thống Macron cho biết, ông sẽ tiếp tục đối thoại với Tổng thống Putin nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine. "Tôi sẽ tiếp tục trao đổi với ông Putin bởi vì tôi đang cố gắng ngăn tình hình leo thang và đạt được những mục tiêu cụ thể, đặc biệt liên quan đến an ninh của các nhà máy điện hạt nhân trong vùng chiến sự, cụ thể là Zaporizhia. Chúng ta cần phải duy trì đối thoại", nhà lãnh đạo Pháp nói.
Ông Macron cho biết, Pháp là một trong các quốc gia đi đầu trong nỗ lực ngăn chặn xung đột ở Ukraine thông qua biện pháp ngoại giao. Mặt khác, ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ không bao giờ hối thúc người Ukraine phải thỏa hiệp những thứ mà họ không bao giờ chấp nhận… Chúng ta phải tôn trọng Ukraine quyết định khi nào đàm phán và đàm phán với điều kiện nào về lãnh thổ và tương lai của họ".
Ngày 1/12, ông Macron trở thành lãnh đạo quốc tế đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ kể từ khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay được cho là một trong những chủ đề chính trong cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo.
Mỹ và Pháp là hai trong số những quốc gia viện trợ quân sự, an ninh lớn cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi đầu năm nay. Một số chuyên gia cho rằng, chiến sự kéo dài bắt đầu khiến Mỹ và các đồng minh mệt mỏi và đang ngầm hối thúc Kiev ngồi vào bàn đàm phán với những thỏa hiệp nhất định nhằm chấm dứt xung đột với Moscow.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã bác bỏ điều này. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl tháng trước cho biết, Washington không có ý định hối thúc Ukraine tham gia đàm phán với Nga khi chính quyền Kiev chưa sẵn sàng.
"Quan điểm của chúng tôi không phải là hối thúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán khi họ chưa sẵn sàng, mà là đặt họ vào một vị thế sao cho khi nào và nếu họ sẵn sàng đàm phán, họ sẽ đàm phán từ thế mạnh", ông Colin Kahl tuyên bố hôm 9/11.
Theo Dân trí
Phản ứng của Ukraine và NATO khi Nga tuyên bố rút khỏi Kherson |
Ukraine kêu gọi thực thi "công thức hòa bình" chấm dứt xung đột với Nga |
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”