Nước lũ dâng cao tận nóc nhà, hàng nghìn hộ dân phải sơ tán
Nước sông Mã dâng cao khiến nhiều địa phương ven sông bị ngập sâu trong nước |
Do nước sông Mã lên cao gây ra tình trạng ngập lụt tại nhiều địa phương ven sông của thành phố Thanh Hóa. Nước sông tràn vào nhà nơi thấp nhất 0,5m có nơi cao gần 3m. Nhiều tuyến đường đã bị ngập sâu trong nước.
Trước tình hình trên, ngay trong đêm 17/8, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Thanh Hóa đã điều động 3 trung đội dân quân tự vệ tăng cường về các xã: Thiệu Dương, Thiệu Khánh và phường Đông Hải để thực hiện công tác di dân vùng bị ngập lụt.
Đến sáng 18/8, riêng tại xã Thiệu Dương, lực lượng chức năng đã di dời hơn 2.200 hộ dân tại 7 thôn ngoài đê đến nơi an toàn. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở các xã: Thiệu Khánh, Hoằng Lý, Hoằng Anh... cũng được sơ tán ra khỏi các vùng ngập lụt.
Phần lớn các hộ di dời vào nhà người thân phía trong đê, số còn lại được di dời về vị trí an toàn. UBND các phường, xã đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo sinh hoạt cho các hộ sơ tán. Trong đó, đa số tài sản của các hộ dân như ôtô, xe máy, gia súc, gia cầm… cũng được di chuyển về địa điểm an toàn.
Trước đó, để chủ động ứng phó với diễn biến sau bão số 4, UBND thành phố Thanh Hóa, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành công điện yêu cầu các phường, xã có đê triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê; rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê. Đồng thời, triển khai ngay phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn.
Nhiều tuyến đường của các xã ngoài đê của thành phố Thanh Hóa biến thành sông |
Người dân đã phải sơ tán tài sản lên thân đê |
Đã có hàng nghìn hộ dân bị ngập lụt phải sơ tán |
Vật nuôi cũng được sơ tán đến nơi an toàn |
Nước sông Mã dâng cao có nơi gây ngập gần 3m |
Tình trạng ngập lụt khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn |
Nghệ An: Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trắng đêm sơ tán dân
Trong 3 ngày (16, 17 và 18/8), trên địa bàn huyện Con Cuông (Nghệ An) có mưa to cùng với việc xả lũ của thủy điện khiến nhiều làng mạc ở huyện miền núi này bị nước lũ nhấn chìm. Đặc biệt là các xã nằm ven sông Lam, cơn lũ ập đến đã khiến cho gần 50 hộ dân ở đây bị ngập nặng, có những nơi ngập đến gần nóc nhà. Rất nhiều tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm... bị cuốn trôi theo dòng nước.
Trước tình hình trên, tối 17/8 đến rạng sáng 18/8, chính quyền huyện Con Cuông đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ người dân vùng bị cô lập ở các xã. Các lực lượng quân sự, công an, phòng cháy và chữa cháy đã khẩn trương triển khai các phương án giúp dân sơ tán ra khỏi vùng bị ngập, vận chuyển đồ đạc để tránh thiệt hại cho bà con.
Đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ và người dân phải ngâm mình trong dòng nước lũ, thức trắng đêm để đưa người và đồ đạc của người dân thị trấn và xã Chi Khê đến nơi an toàn. Trong quá trình tham gia ứng cứu giúp người dân, có 2 chiến sĩ bị thương do bị kính cắt gót chân, phải đi cấp cứu ngay trong đêm.
Xã Bồng Khê là địa phương bị nước ngập nhiều nhất đã có 13 hộ dân ở thôn Vĩnh Hoàn với gần 52 nhân khẩu phải sơ tán. Tại xóm 4, khối 6, thị trấn Con Cuông có 35 hộ dân cũng đã bị cô lập, nước ngập tràn vào nhà và phải sơ tán.
Hiện mực nước sông Lam trên địa bàn huyện Con Cuông vẫn đang dâng nhanh. Chính quyền địa phương đang cắt cử lực lượng chức năng túc trực 24/24h ở những địa bàn trọng yếu dọc sông Lam phòng tình huống bất ngờ.
Đêm qua, Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng, cùng lực lượng công an huyện, các ban ngành đã thức trắng đêm đưa bà con ở những vùng ngập lụt ra nơi an toàn.
Ông Nguyễn Đình Hùng cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 và xả lũ của thủy điện nhiều địa phương trên toàn huyện đã bị ảnh hưởng nặng nề về hoa màu và tài sản. Mực nước các khe, suối dâng cao, gây ngập lụt nhiều nơi, đặc biệt nhiều tuyến đường bị sạt lở chia cắt, khu dân cư bị ngập sâu và cô lập. Chúng tôi đã đề nghị các phòng ban, các ngành, cấp ủy chính quyền các xã thị trấn tiếp tục kiểm tra chỉ đạo và bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết...
Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng có mặt trong đêm chỉ đạo việc sơ tán dân. |
Nước dâng cao tận nóc nhà. |
Nhiều cung đường bị sạt lở, hư hỏng khiến giao thông ách tắc. |
Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn bị nước lũ nhấn chìm. |
Địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng là vùng thiệt hại nghiêm trọng vì mưa lũ của tỉnh Nghệ An. Ông Phan Sỹ Thắng - Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, nước thượng nguồn từ Lào đổ về và lượng mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 gây ra khiến địa bàn huyện xảy ra lũ quét, sạt lở, làm thiệt hại công trình hạ tầng giao thông, công trình xây dựng, vật nuôi, hoa màu của người dân… Theo đó, mực nước tại sông Nậm Nơn đã vượt mức lũ lịch sử năm 2011.
Nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt. |
Tại huyện Quỳ Hợp, Thường trực UBND huyện đã lập đoàn, gồm: công an, quân sự, huy động 100% cán bộ, chiến sĩ công an huyện, tăng cường thêm cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3, Đội CSGT 1.48 (Phòng CSGT tỉnh) và các ban ngành đoàn thể tiến hành di dời người dân khỏi vùng sạt lở, lũ quét, các điểm xung yếu.
Nhiều ngôi nhà tại huyện Qùy Hợp bị cô lập. |
Cán bộ, nhân dân... gồng mình chống mưa lũ. |
Dân trí
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng